(ĐSPL) – “Thần Cẩu” được người dân vùng trung lưu con sông Bồ xem như vị thần trấn giữ ngôi làng, người dân ở đây rất sùng kính gọi “Thần Cẩu” là “Ngài”.
“Thần cẩu” hạ phàm
Làng Bao La (thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) cách trung tâm thành phố Huế chừng 40 km về phía Bắc. Làng nằm lọt giữa những cánh đồng bao la đúng như tên gọi của làng. Ngay trước cổng làng là ngôi miếu thờ mà chính giữa miếu chễm chệ một tượng chó đá màu vàng cũ. Ngôi miếu nằm ngay mặt tiền con đường dẫn vào làng, cao gần 2 mét được che phủ bởi một khóm tre già bên cạnh.
Miếu Thần Cẩu nằm ngay cạnh cổng làng Bao La. |
Ngày trước, làng Bao La thường xuyên xảy ra nạn hạn hán. Người dân đã tập trung đào giếng để tìm nguồn nước phục vụ đời sống nhưng việc này gặp phải rất nhiều khó khăn, đào mãi, đào mãi vẫn chưa thấy mạch nước.
Đến khi gần bỏ cuộc thì dân làng phát hiện một vật lạ nằm sâu dưới đáy giếng. Khi mọi người mang vật lạ lên khỏi lòng đất cũng là lúc mạch nước ngầm xuất hiện phun cao.
Linh vật mà người dân Bao La tìm thấy chính là tượng chó đá to gần bằng chó thật, dáng ngồi khoan thai, hai chân trước thẳng đứng, hai chân sau ở tư thế ngồi và có thể sẵn sàng đứng dậy tấn công bất cứ lúc nào. Ở cổ của tượng chó có đeo thẻ bài giống như tín vật của một vị thần được thiên giới phái xuống trần gian để thực hiện sứ mệnh cao quý.
Nghĩ rằng chính linh vật này đem đến điều tốt lành, người dân liền mang tượng chó đá về lập miếu thờ phụng cách giếng nước chỉ vài mét và đặt tên là miếu Thiên Cẩu Thần, đồng thời cung kính gọi bức tượng chó đá là “Ngài”.
Theo lời kể của người dân Bao La, có một dạo, tất thảy vật nuôi trong vùng mắc dịch bệnh. Dân làng quá sợ hãi đã đến “cầu cứu” “Thần Cẩu”. Ngay đêm đó xuất hiện một con chó trắng chạy quanh làng để bảo vệ đàn gia súc, nó vừa chạy vừa sủa, hai chân trước vờn lên như đang chiến đấu với kẻ thù. Ngay hôm sau, nạn dịch bỗng nhiên chấm dứt. Cũng từ đó, mỗi khi trong làng có dịch bệnh, người dân lại tìm đến miếu “Thần Cẩu” để xin “Ngài” giúp đỡ.
Thần Cẩu được người dân vùng trung lưu con sông Bồ xem như vị thần trấn giữ ngôi làng, vì vậy người dân ở đây rất sùng kính. Tương truyền, vào lúc đêm khuya thanh vắng, Thần Cẩu thường xuất hiện, đi quanh làng để bảo vệ, ban phúc lành cho dân và xua đuổi tà khí. Vào ngày rằm và mồng mùng một âm lịch hàng tháng, miếu Thần Cẩu được dân trong vùng nhang khói đầy đủ và quét dọn tươm tất.
Khi thần linh nổi giận
Cụ Nguyễn Kỳ (82 tuổi) là trưởng tộc dòng họ Nguyễn, một dòng họ lâu đời trong làng tỏ ra hào hứng khi kể về vị thần của làng mình. Theo lời cụ Kỳ, từ lúc còn rất nhỏ, cụ đã được nghe những câu chuyện ly kỳ về “Thần Cẩu” đặc biệt là giai thoại về cuộc đối đầu giữa Hổ và Khuyển của hai làng Hạ Lang và Bao La.
Tượng "Thần Cẩu" - vị thần bảo vệ cho làng Bao La được no ấm, yên bình. |
Cụ Kỳ kể lại, hồi xưa dân làng Hạ Lang rất nghèo, đã vậy, trong nhiều năm liền lại luôn bị nạn hỏa hoạn tàn phá khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn đốn vì mất nhà cửa. Nhiều ngôi nhà sau khi xây dựng xong là bị cháy mà không rõ nguyên do.
Nạn hỏa hoạn ở Hạ Lang không chỉ diễn ra vào mùa hè mà ngay cả mùa mưa nhà vẫn bị cháy. Điều kỳ lạ là khi dân làng tập trung dội nước dập lửa thì dường như ngọn lửa càng bốc cháy dữ dội hơn, chỉ đến khi thiêu rụi mọi thứ, lửa mới tắt.
Quá sợ hãi vì những tai ương giáng xuống dân làng, các vị chức sắc trong làng sau khi họp bàn đã thống nhất mời một vị thầy pháp về lập đàn cúng tế, giải hạn cho dân. Sau nghi lễ, vị thầy pháp phán rằng, những ngôi nhà này xây dựng trước mặt miếu Thần Cẩu, chắn tầm nhìn nên ngài đã nổi giận thiêu cháy.
Để phá thế “chiếu” của làng bên, dân làng Hạ Lang liền xây dựng một ngôi miếu trên phần đất của làng mình đối diện với miếu Thần Cẩu của làng Bao La. Phía trước ngôi miếu được dựng một bình phong rất lớn. Trên bức bình phong, dân Hạ Lang cho họa hình một con hổ rất hung dữ. Thế hổ ngồi xổm, ánh mắt chiếu thẳng ánh mắt của Thần Cẩu với mong muốn Thần Hổ của làng Hạ Lang sẽ trấn áp được ánh mắt nảy lửa của Thần Cẩu làng Bao La. Và cũng từ đó, làng Hạ Lang không còn xảy ra hỏa hoạn nữa.
Từ xưa, người dân Bao La rất tin vào sự linh thiêng của miếu Thần Cẩu. Và niềm tin mãnh liệt ấy được lưu truyền từ đời này sang đời khác trong dân gian. Nhiều người dân khẳng định, khi đi ngang qua miếu phải cung kính cúi đầu, không được nói cười to tiếng cũng như phát ngôn bậy bạ, nếu không sẽ bị thần quở trách.
“Những ai khi đi ngang miếu tỏ thái độ thiếu tôn kính là về nhà sẽ bị ốm, đến tầm chiều lại lên cơn sốt nóng hoặc đau bụng, đau đầu không rõ nguyên nhân. Dù có uống bao nhiêu thuốc cũng không lành. Phải đến khi sắm mâm lễ (gồm hoa quả, nhang đèn) lên miếu thần tạ lỗi, bệnh mới lành”, một người dân cho hay.
Gần đây, dân làng truyền tai nhau câu chuyện về một người đàn ông đến chặt tre gần miếu, trong lúc chặt thì người đàn ông này đã lăn ra ôm bụng kêu la. Mọi người cho rằng người đàn ông đã bị “Thần Cẩu” trách phạt.
Trao đổi với PV, ông Phan Thanh Lành – Trưởng ban Văn hóa xã Quảng Phú khẳng định: “Những cái chết được cho là do thần linh ở ngôi miếu thiêng báo oán hay đau bệnh do thần quở trách chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Không có cơ sở nào để chứng minh đó là do miếu Thần Cẩu gây nên như đồn đoán của nhiều người. Những giai thoại về miếu Thần Cẩu được người dân truyền tụng hàng trăm năm qua chỉ là tín ngưỡng của người dân. Tuy nhiên đây cũng là một nét đẹp văn hóa tâm linh nên địa phương cũng có chủ trương duy trì và gìn giữ”.