Mặc dù phải chịu gánh nặng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, trong khi đó lại được yêu cầu giảm lãi suất huy động nhưng trong quý III/2021 vẫn có nhiều ngân hàng báo lãi lớn, gấp đôi, ba, thậm chí là hơn chục lần so với cùng kỳ năm trước. Có thể kể đến như: NCB (gấp 16 lần cùng kỳ), VietABank (gấp 7 lần), PGBank (Gấp 4,5 lần), SSB (gấp 2,1 lần), SHB (gấp đôi).
Tính theo lợi nhuận trước thuế luỹ kế 9 tháng cho thấy, nhóm ngân hàng quy mô nhỏ có sự tăng trưởng vượt trội như: Kienlongbank (gấp 6 lần cùng kỳ); NamABank (gấp 3,6 lần), VietABank (gấp 3,1 lần), SeABank (gấp 2,2 lần), PGBank (gấp 2 lần), MSB (gấp 2 lần).
Nếu so với kế hoạch kinh doanh năm 2021 đã được thông qua, nhiều ngân hàng về đích sớm chỉ sau 9 tháng như: TPBank, MSB, SeABank. Rất nhiều ngân hàng đã vượt 75% kế hoạch cả năm trong 9 tháng. Một số ít là có tỷ lệ thấp hơn là VPBank (70% kế hoạch năm), VietBank (36%).
Bên cạnh các nhà băng có sự tăng trưởng đáng kể, cũng có không ít ngân hàng bắt đầu "ngấm đòn" nợ xấu, buộc phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, kéo theo lợi nhuận sụt giảm hoặc tăng thấp trong 3 tháng vừa rồi.
Một số ngân hàng báo lợi nhuận giảm trong quý III/2021 là BIDV (-1%), Sacombank (-8%), VPBank (-4%), VIB (-8%) và VBB (-21%).
Tính đến 30/9/2021, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng trong hệ thống không có quá nhiều biến động so với đầu năm, có những ngân hàng tăng nhưng cũng có ngân hàng giảm. Theo thống kê của Nhà Đầu Tư, hiện chỉ có 6 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 2% là: VPBank (4%), SHB (2,2%), ABBank (2,9%), VBB (2,65%), PGBank (2,7%) và KienLongBank (2%). Một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu gần 2% gồm: MSB, NamABank, VietABank hay NCB.
Tuy nhiên, một điều đáng chú ý, trong kỳ, tỷ lệ nợ xấu ở nhóm ngân hàng quy mô lớn đang tăng nhanh, đặc biệt nợ nhóm 4, 5 (nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn).
Tỷ lệ nợ xấu tại Vietcombank đã tăng gần gấp đôi đầu năm lên mức 1,1%, trong đó, nợ xấu nhóm 4 tăng 14 lần, nhóm 5 tăng 45% và chiếm tới 60% tổng nợ xấu.
Vietinbank cũng tăng tỷ lệ nợ xấu gần gấp đôi so với thời điểm đầu năm lên mức 1,66%. Nợ nhóm 4 tăng gấp 10 lần và chiếm 64% tổng nợ xấu.
Trong nhóm các "ông lớn" ngân hàng quốc doanh, chỉ có BIDV là tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ, hiện ở mức 1,61% nhưng nợ xấu nhóm 5 cũng chiếm tới 76% tổng nợ xấu.
Nợ xấu nhóm 5 tăng mạnh sẽ gây áp lực lớn lên chi phí dự phòng rủi ro của các ngân hàng vào cả quý IV/2021.
Vì vậy, trong quý III/2021, hầu hết các ngân hàng đều gia tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng như: NCB (tăng 66 lần), TPBank (tăng gấp 3,2 lần), ACB (tăng 4 lần), LienVietPostBank (tăng 2,5 lần), SeABank (tăng 2,1 lần), MB Bank (tăng 2,1 lần).
Thậm chí, để có chốt chặn sớm, nhiều ngân hàng đã tích cực trích lập dự phòng rủi ro ngay từ quý II/2021, đặc biệt nhóm ngân hàng có quy mô vừa và lớn.
Việc tăng hoặc giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới biến động lợi nhuận quý III/2021 của các ngân hàng. Tuy nhiên, việc làm này lại giúp giảm sốc cho các ngân hàng trong quý IV và cả những năm tiếp theo (2022, 2023).
Bạch Hiền (t/h)