Chỉ chưa đầy 2 tháng, LienVietPostBank đã phát hành thành công 6.000 tỷ đồng trái phiếu. Trong khi nợ xấu của ngân hàng này tăng hơn 500 tỷ đồng so với năm 2019.
Từ 1/9/2020, Nghị định 81 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp chính thức có hiệu lực, sẽ cao nâng cao tiêu chuẩn, giới hạn về phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp đã “tranh thủ” phát hành trái phiếu để gom về hàng nghìn tỷ đồng làm vốn. Trong đó có thể kể đến Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).
Chỉ trong chưa đầy 2 tháng (từ 8/7 đến 1/9), LienVietPostBank đã phát hành thành công 6.000 tỷ đồng trái phiếu thông qua 8 đợt phát hành. Có những đợt phát hành thông tin trái chủ không được công bố. Còn một số đợt phát hành thì trái chủ là Công ty chứng khoán.
Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên 2020 diễn ra vào tháng 6 đã thông qua kế hoạch chuyển giao dịch cổ phiếu từ UpCom sang niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE). Trong năm 2020 nhằm nâng cao hình ảnh và nhận diện thương hiệu của ngân hàng trong cộng đồng nhà đầu tư trong nước, quốc tế, nâng cao tính thanh khoản của cổ phiếu, đem lại lợi ích tối đa cho Cổ đông.
Bên cạnh đó, cổ đông cũng đã thông qua tờ trình về phương án tăng vốn thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu trong năm nay.
Theo đó, LienVietPostBank sẽ phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 10% trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm phát hành (97.694.831 cổ phần tương đương 976.948.310.000 đồng). Vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức năm 2019 là 10.746 tỷ đồng.
Việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp LienVietPostBank đầu tư nâng cấp hệ thống mạng lưới, phát huy lợi thế cạnh tranh về bán lẻ, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác quản trị điều hành và cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, phát triển ngân hàng số theo xu hướng 4.0; đồng thời bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn để phục vụ tăng trưởng tín dụng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cấp hạ tầng và cơ sở vật chất của Ngân hàng.
LienVietPostBank đang giao dịch trên sàn UpCom với mã CK LPB để “chờ ngày” lên sàn HoSE. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cổ phiếu LPB của LienVietPostBank luôn thấp hơn mệnh giá. Điều này nghịch lý với kết quả kinh doanh của LienVietPostBank.
Theo báo cáo tài chính quý II/2020 của ngân hàng này, tổng tài sản của LienVietPostBank đạt gần 214.000 tỷ đồng, hoàn thành vượt kế hoạch năm (210.000 tỷ đồng). Huy động vốn thị trường 1 đạt gần 167.000 tỷ đồng. Trong đó, huy động vốn cá nhân đạt gần 95.500 tỷ đồng, tăng hơn 9.300 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Cho vay thị trường 1 tăng trưởng hơn 11.550 tỷ đồng, đạt 76% kế hoạch tăng trưởng năm 2020. Thu dịch vụ của ngân hàng đạt 319 tỷ đồng, cao hơn 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2019. Về lợi nhuận trước thuế, kết thúc 30/6/2020, LienVietPostBank đạt 1.004 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh khả quan, song vì sao cổ phiếu LPB luôn trong tình trạng thấp hơn mệnh giá?
Cũng theo báo cáo tài chính quý II/2020 của LienVietPostBank, nợ xấu của ngân hàng tăng mạnh so với năm 2019.
Cụ thể, quý II/2019, nợ xấu của LPB là gần 2030 tỷ đồng. Tuy nhiên, quý II/2020 con số này là 2.505 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn lên đến gần 1.740 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo dữ liệu của PV, năm 2019 LienVietPostBank từng mang gần 3.100 tỷ đồng trái phiếu dùng làm tài sản đảm bảo tại một ngân hàng khác.
Còn trong tháng 3/2020, LPB tiếp tục mang 1.000 tỷ đồng trái phiếu làm tài sản đảm bảo tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam.
Giang Nam