Tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT không ngừng tăng trong những năm qua; số lượt người thụ hưởng chính sách ngày càng lớn. công tác đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội cho người dân luôn kịp thời… Đó là kết quả tích cực từ bước đi, lộ trình phù hợp hướng tới mục tiêu bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân với các giải pháp cụ thể của ngành Bảo hiểm xã hội.
Độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế liên tục tăng và mở rộng
Trên thực tế, việc triển khai chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã có nhiều kết quả tích cực, nổi bật. Cụ thể như, độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế liên tục tăng và mở rộng.
Theo một con số thống kê từ ngành bảo hiểm, tính đến hết ngày 30/4/2022, ước tính, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt hơn 16,6 triệu người, chiếm 33,6% lực lượng lao động trong độ tuổi. Con số này tăng 521 nghìn người so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt hơn 15,3 triệu người, tăng 369 nghìn người so với cùng kỳ. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt gần 1,3 triệu người, tăng 152 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Còn số người tham gia bảo hiểm y tế hơn 85,8 triệu người, đạt tỷ lệ 86,8% dân số.
Phát biểu tại “Lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân - Truyền thông, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình”, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết: “Tốc độ tăng trưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện được giữ vững trong điều kiện khó khăn chung do tác động của đại dịch Covid-19. Điều này một lần nữa khẳng định sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương đã góp phần tạo nên sự thống nhất, đồng thuận trong việc tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; sự nỗ lực, sáng tạo, quyết tâm vượt khó của toàn ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội các cấp”.
Đẩy mạnh các chính sách ưu việt khuyến khích người tham gia
Để đạt được những kết quả tích cực đó, ngành bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố cần tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với lộ trình, giải pháp cụ thể. Đặc biệt, có các chính sách hỗ trợ mức đóng để tạo “đà” cho người tham gia, nhất là với chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Bên cạnh đó, cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để nâng cao tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hoàn thành chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Ngành bảo hiểm xã hội luôn coi đây là vấn đề cốt lõi để bảo đảm tính bền vững của chính sách.
Theo bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, việc chú trọng nâng cao hiệu quả công tác truyền thông để người dân hiểu, dân biết, dân tin, dân nghe, dân theo, dân làm trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là yếu tố rất quan trọng trong lộ trình để độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế liên tục tăng và mở rộng hơn nữa.
Bà An cũng cho rằng, một trong những điều quan trọng hơn cả là cần tập trung truyền thông sâu rộng về những giá trị, lợi ích các chính sách đem đến cho nhân dân, những thiệt thòi khi người lao động lựa chọn nhận bảo hiểm xã hội một lần. Từ đây, tạo hiệu ứng lan tỏa, lâu dài nhằm phát triển nhanh và duy trì bền vững người tham gia vào hệ thống an sinh xã hội của đất nước. Có như vậy, chắc chắn mục tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân sẽ sớm đạt được.
Giải pháp cơ bản nhằm phủ rộng BHXH tới mọi người dân
Để BHXH thực sự trở thành trụ cột của hệ thống an sinh xã hội với độ bao phủ rộng nhất, cần lưu ý xây dựng, phát triển hệ thống chính sách BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, hướng tới bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Tạo điều kiện tối đa, đơn giản thủ tục để thu hút người dân có thể tham gia loại hình BHXH tự nguyện, có chính sách hỗ trợ người nghèo, người có thu nhập thấp tham gia BHXH tự nguyện.
Đồng thời, mở rộng tối đa các diện tham gia BHXH bắt buộc đối với tất cả những người có phát sinh quan hệ lao động, có thực hiện hoặc hợp tác thực hiện hoạt động kinh doanh, dịch vụ... có phát sinh thu nhập mà Nhà nước có thể quản lý được thông qua các cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh.
Hướng tới bao phủ toàn dân tham gia BHXH, trong đó tạo lập được một tầng BHXH cơ bản bao phủ hết các đối tượng là người già, người không còn khả năng lao động, không nơi nương tựa trên cơ sở chia sẻ của các tầng BHXH khác và hỗ trợ của Nhà nước.
Cùng với việc hướng tới tạo lập tầng BHXH cơ bản, bao phủ rộng rãi dần bỏ hẳn chế độ hưởng BHXH một lần (trừ một số trường hợp đặc biệt như người nước ngoài làm việc tại Việt Nam...), lấy BHXH cơ bản làm gốc và tính thêm mức thụ hưởng căn cứ vào thời gian và mức đóng BHXH.
Thêm nữa, bảo đảm và kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng; công bằng, bình đẳng; chia sẻ và bền vững trong BHXH.
Thực hiện nguyên tắc đóng - hưởng trong BHXH, bảo đảm người có mức đóng cao hơn, thời gian đóng nhiều hơn sẽ được thụ hưởng cao hơn người có mức đóng thấp và thời gian đóng ngắn, bảo đảm tính công bằng, bình đẳng, không phân biệt thành phần, đối tượng. Tuy nhiên, với tính tương trợ xã hội, cần có sự hỗ trợ, chia sẻ mang tính cộng đồng xã hội trong BHXH.
Bên cạnh đó, sửa đổi hệ thống luật BHXH theo hướng mở rộng đối tượng tham gia, thiết kế BHXH đa tầng. Gắn việc đóng BHXH bắt buộc với các quyền lợi và nghĩa vụ khác của doanh nghiệp và người sử dụng lao động, như hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi về vay vốn, thuế,...
Một việc quan trọng khác là xây dựng bộ máy tổ chức thực hiện BHXH tinh gọn, hiệu quả phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập quốc tế. Tạo lập hệ thống tổ chức thực hiện chính sách BHXH chuyên nghiệp, hiện đại; đơn giản hóa các thủ tục hành chính để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, tham gia đóng góp và thụ hưởng các chế độ BHXH. Xử lý nghiêm mọi biểu hiện, hành vi gây phiền hà, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình tham gia, thụ hưởng BHXH.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, xử lý, tác nghiệp về BHXH; tạo lập cơ sở dữ liệu chung, thống nhất về BHXH, hướng tới thống nhất bộ mã số BHXH cá nhân với mã số căn cước của từng công dân (đề xuất xây dựng mã số căn cước công dân thống nhất, làm mã số cơ bản hình thành ngay từ khi công dân sinh ra, gắn với mã số thuế, mã số BHXH, mã số tài khoản ngân hàng...).
Thứ năm, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong hoạch định chính sách và chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong giám sát, phản biện xã hội về chính sách BHXH. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân đối với công tác BHXH.