Nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chưa hài lòng với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng bộ Giao thông Vận tải (GTVT) hôm nay, đặc biệt về BOT, những bất cập của đường sắt…
Theo chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong 3 ngày từ 4-6/6. Bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể là người đầu tiên trả lời chất vấn của ĐBQH.
ĐBQH Tô Thị Bích Châu (TP.Hồ Chí Minh) giơ biển tranh luận đã thẳng thắn nói: “Câu trả lời của Bộ trưởng chưa làm tôi hài lòng”. Lý do là, trong báo cáo của bộ GTVT chỉ có 3 dòng nói về giao thông đường sắt, có hai ý định hướng. “Vấn đề ở đây tôi đặt ra giải pháp và giải pháp hết sức cụ thể. Vì những ngày vừa qua liên tục tai nạn giao thông đường sắt xảy ra, tuy nhiên giải pháp trả lời của Bộ trưởng vẫn chưa làm cho tôi hài lòng”, ĐBQH Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh.
Trước đó, vị ĐBQH đoàn TP.Hồ Chí Minh có một câu hỏi về việc cử tri cho rằng chất lượng đường sắt hiện nay quá tải. “Đề nghị Bộ trưởng cho giải pháp cụ thể để tập trung nâng cao chất lượng hạ tầng phục vụ đường sắt và giảm tối đa tai nạn giao thông đường sắt”, ĐBQH Tô Thị Bích Châu hỏi.
ĐBQH Tô Thị Bích Châu giơ biển tranh luận.
Phần trả lời của Bộ trưởng mà vị ĐBQH đoàn TP.Hồ Chí Minh chưa hài lòng, trong đó đáng chú ý là việc Bộ trưởng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giao thông đường sắt mà đặc biệt đường sắt Bắc – Nam. Bộ trưởng thừa nhận, ngành giao thông vận tải tham mưu kém, đường sắt Bắc - Nam hiện nay rất lạc hậu, có những đoạn đường sắt đã hình thành 70 - 80 năm nhưng chúng ta vẫn chưa có giải pháp để nâng cấp.
“Chúng tôi xin nhận trách nhiệm của ngành trong công tác tham mưu để chúng ta nâng cao chất lượng đường sắt”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn.
ĐBQH Dương Trung Quốc (tỉnh Đồng Nai) nói: “Phải chăng đầu tư làm đường bộ dễ chia sẻ lợi ích, trong khi đường sắt đầu tư lớn?”. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời: “Đường sắt là loại hình vận tải đặc biệt, không có tuyến đường thứ hai để tránh, vì khi chạy bám sát đường ray, nên cần quản lý chặt chẽ để tránh đường giao cắt, vật nuôi, con người có thể xâm phạm, phạm vi an toàn dẫn đến tai nạn.
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, đặc biệt sau khi đất nước thống nhất, tình hình kinh tế nước ta vô cùng khó khăn, chúng ta vừa quản lý vận hành nhưng chưa làm tốt công tác quản lý hành lang, có giải pháp để bảo đảm an toàn giao thông tuyệt đối cho tuyến đường sắt. Do đó, khi phát hiện ra một loạt, như 5.719 đường giao cắt chúng ta đã tập trung hết sức cao độ. Hiện nay, đường này rất lạc hậu, trách nhiệm của chúng ta tôi nghĩ rằng sẽ thực hiện những giải pháp cấp bách để bảo đảm an toàn và hoạt động…”.
ĐBQH Dương Trung Quốc bày tỏ chưa hài lòng với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ở câu hỏi ông nêu ra.
ĐBQH Dương Trung Quốc giơ biển tranh luận, khẳng định: “Tôi không tán thành Bộ trưởng cho rằng lý do là do tham mưu kém của ngành đường sắt. Tôi là người viết lịch sử ngành Đường sắt Việt Nam. Gần như bị bỏ rơi thì đúng hơn, chính vì thế tôi có một câu hỏi mà Bộ trưởng chưa trả lời kèm theo đó là, phải chăng đầu tư vào đường bộ dễ chia sẻ lợi ích hơn, có thể cắt nhỏ ra, nhiều hợp đồng, v.v... đường sắt không những lớn mà chúng ta phải làm tổng thể. Cho nên đó là lý do làm cho chúng ta ít quan tâm đến đường sắt, không mang lại những lợi ích cho những nhóm lợi ích”?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể bày tỏ: “Điều đáng tiếc là trong thời gian vừa qua chúng ta chưa thông qua được một dự án nào về đường sắt làm mới, do đó chúng ta chưa triển khai.
Bình luận về việc đường bộ nhiều dự án để chia sẻ lợi ích thì theo quan điểm cá nhân tôi là người làm giao thông, chúng tôi rất mong muốn phát triển hài hòa các loại hình vận tải, trong đó có đường sắt. Tôi cũng nhìn nhận là đường sắt của chúng ta phát triển quá lạc hậu, đường biển, đường ven bờ, đường thủy nội địa trong thời gian vừa qua là sự đầu tư chưa đúng mức. Tôi nghĩ làm dự án đường sắt, đường bộ đều như nhau bởi vì bản thân tôi lấy tâm ra để làm, nếu tôi vi phạm, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) chất vấn về các phương tiện không đủ điều kiện mà vẫn được phép lưu hành và hỏi: “Theo Bộ trưởng có giải quyết được tình trạng này hay không”?
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương cũng tranh luận lại khi chưa "thỏa mãn" phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.
“Thứ hai là tình trạng vi phạm luật lệ giao thông rất tràn lan trong khi đó việc xử phạt chỉ đạt 15 đến 20%, số còn lại bị bỏ qua hoặc nhận tiền chung chi. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về vai trò của lực lượng cảnh sát giao thông hiện nay”, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương tiếp tục hỏi.
Tuy nhiên, sau khi nhận được câu trả lời, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương giơ biển tranh luận và nói: “Tôi không thoả mãn”.
Nhiều ĐBQH cũng đã giơ biển tranh luận và trao đổi lại với Bộ trưởng bộ GTVT vì chưa đồng tình với các nội dung trả lời. ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng: “Bộ trưởng nhận trách nhiệm về những vấn đề yếu kém của ngành đường sắt xảy ra trong thời gian vừa qua. Nhưng tôi nghĩ với những yếu kém kéo dài, liên tục xảy ra trong thời gian vừa qua, và đồng chí Bộ trưởng không đủ sức để chịu trách nhiệm, bởi vì đó là tính mạng của người dân, đó là vấn đề không phát huy được hiệu quả của ngành đường sắt để chia sẻ với các phương tiện khác, làm cho lợi thế của ngành đường sắt giảm đi rất nhiều. Tôi đề nghị và cử tri cũng mong muốn Bộ trưởng đưa ra những giải pháp vừa có tính cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài để khắc phục vấn đề này chứ không phải chỉ đơn giản là vấn đề trách nhiệm”.
ĐBQH Hoàng Quang Hàm muốn "nói lại" về vấn đề BOT.
ĐBQH Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cũng bày tỏ: “Về các dự án BOT, Bộ trưởng có nói phương án xử lý và dựa trên lợi ích của người dân. Sau khi nghe Bộ trưởng trả lời và Bộ trưởng báo cáo thì tôi không thấy như thế.
Bức xúc hiện nay nằm ở 17 dự án đặt sai vị trí. Có 3 dự án dân không đi phải trả tiền, 6 dự án làm trên đường cao tốc và làm đường chính thì đặt ở đường chính và thu cả cao tốc, tức là không đi cao tốc cũng phải trả tiền, 6 dự án không đi đường tránh phải trả tiền.
Trong báo cáo của Bộ trưởng cũng như trong giải pháp Bộ trưởng vừa nêu, tôi chỉ thấy toát lên là dân chịu thì thu, dân không chịu thì dừng, giảm giá, sau đó thuyết phục xong lại dừng, dân không chịu lại dừng. Tôi hỏi Bộ trưởng như thế đã vì lợi ích của dân chưa, tại sao dân không đi phải trả tiền. Ngày chúng ta làm 17 dự án BOT này hầu hết là chỉ định thầu”.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cũng thể hiện chưa thực sự hài lòng với những nội dung trả lời của Bộ trưởng GTVT.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) chất vấn: “Tôi rất muốn Bộ trưởng trả lời là chúng ta hoàn thiện thể chế như thế nào? Tôi rất chờ mong một điều là chúng ta phải hoàn thiện một luật nào đó, chứ không phải chúng ta chắp vá và như thế dẫn đến thiếu căn cơ. Câu trả lời của Bộ trưởng chưa căn cơ, không biết ý Bộ trưởng thế nào?”.
Riêng ý kiến của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin, Chính phủ đã chỉ đạo bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương hoàn chỉnh luật Đầu tư theo hình thức PPP, trong đó quy định toàn bộ trách nhiệm và các cơ chế chính sách trong đó để chúng ta thực hiện một cách căn cơ”.
Dương Thu/Người Đưa Tin