+Aa-
    Zalo

    Nhiều bệnh nhân ngộ độc rượu phải cấp cứu: Chuyên gia cảnh báo tình trạng "no giả"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận 2 trường hợp nhập viện do bị ngộ độc rượu có tuổi đời còn rất trẻ, một trường hợp là nữ giới.

    Liên tiếp các trường hợp nhập viện vì ngộ độc rượu

    Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận 2 trường hợp nhập viện do bị ngộ độc rượu. Đáng lưu ý là cả hai bệnh nhân có tuổi đời còn rất trẻ, một trường hợp là nữ giới, theo Nhân Dân.

    Nữ bệnh nhân 19 tuổi ở Hà Nội đã uống cocktail với bạn ở quán vào tối 10/1. Do uống nhiều nhưng không ăn nên khi về nhà cảm thấy mệt mỏi, đau đầu. Nghĩ đó là do cảm giác của rượu nên cô gái đã đi ngủ luôn, không ăn gì lót dạ. Đến đêm, bệnh nhân xuất hiện tình trạng mệt mỏi, nôn nhiều nên gia đình đưa vào viện kiểm tra.

    Một trường hợp khác là nam thanh niên 25 tuổi, uống rượu với bạn từ tối hôm trước, không ăn cơm. Sau khi uống rượu về lại đi ngủ luôn, sáng sớm hôm sau không thể dậy được, người mệt mỏi nên được gia đình đưa vào viện cấp cứu vì cho rằng bị ngộ độc rượu.

    canh bao ngo doc ruou 2
    Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Nhân dân.

    TS BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, cả hai trường hợp này đều nhập viện trong tình trạng nhiễm toan chuyển hóa, đường huyết giảm. "Mặc dù bệnh nhân tỉnh đã tỉnh nhưng vẫn mệt. Chúng tôi đang xét nghiệm định lượng kiểm tra methanol trong rượu", bác sĩ Nguyên cho hay.

    Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nam (61 tuổi, Bắc Ninh) nhập viện trong tình trạng ngừng tim phổi.

    Trước khi nhập viện, bệnh nhân uống nhiều rượu. Sau khi thực hiện các khám xét lâm sàng và xét nghiệm, các bác sĩ khoa Hồi sức nội và chống độc đã nhanh chóng tiếp cận, nghĩ đến khả năng ngừng tuần hoàn, toan chuyển hóa khả năng do ngộ độc methanol. Bệnh nhân đã được thở máy, lọc máu liên tục, điều chỉnh toan kiềm, điện giải, định lượng độc chất, kết quả cho thấy bệnh nhân bị ngộ độc methanol cấp (cồn công nghiệp) mức độ nặng (nồng độ methanol 78,13 mg/dl).

    Sau khi thực hiện các biện pháp điều trị theo phác đồ, bệnh nhân diễn biến ổn định, được rút ống nội khí quản, cắt các thuốc vận mạch, chức năng các tạng hồi phục dần. Sau 1 tuần điều trị nội khoa tích cực, bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch.

    Các bác sĩ chia sẻ, đây là một trong số ít các bệnh nhân ngộ độc methanol cấp tính, ngừng tuần hoàn đã được điều trị thành công, ra viện không để lại biến chứng gì.

    Không được may mắn như những bệnh nhân trên, bệnh nhân N.T.H. (25 tuổi, trú Tuyên Quang) được chuyển từ tuyến dưới lên cấp cứu khi đã hôn mê sâu, với chỉ số đường huyết giảm rất sâu, chỉ còn 0,7mmol/l, trong khi với người bình thường, chỉ số này phải trên 4mmol/l. Bệnh nhân được chẩn đoán hôn mê do ngộ độc rượu và hiện vẫn đang phải thở máy. Theo gia đình bệnh nhân, trước đó, H. tham gia liên hoan với bạn bè và trở về nhà vào đêm khuya, theo Đại Đoàn Kết.

    Cần tìm hiểu nguồn gốc, xuất xứ rượu

    BS Nguyên cho hay, ngộ độc rượu có thể xảy ra trong các tình huống uống rượu chứa methanol, rượu không rõ nguồn gốc. Rất nhiều trường hợp, đặc biệt là người trẻ tuổi, uống nhiều rượu nhưng không ăn, gây ra tình trạng "no giả" gây ra cảm giác bụng no nhưng rỗng, không có năng lượng.

    "Sau khi uống rượu, mọi người thường tiếp tục bỏ bữa, đi ngủ luôn. Khi đó, gia đình khi thấy người uống rượu say ngủ cũng thường không đánh thức. Điều đó rất nguy hiểm vì người bệnh có thể bị rơi vào tình huống giảm sâu các chỉ số đường huyết. Một số trường hợp đường huyết bằng 0 do rượu gây hạ đường máu, dẫn tới bất tỉnh, tổn thương não", BS Nguyên cảnh báo.

    Ngoài ra, nhiều trường hợp do uống quá nhiều rượu, cơ thể không thể dung nạp được dẫn tới nôn nhiều, từ đó gây ra tình trạng tụt huyết áp, suy thận, mất nước, thậm chí là gây ảnh hưởng dạ dày, thực quản…

    canh bao ngo doc ruou
    TS BS Nguyễn Trung Nguyên. Ảnh: Tổ quốc.

    BS Nguyên cảnh báo, ngoài việc hạn chế uống rượu, việc ăn đầy đủ khi uống rượu cũng rất quan trọng, nên ăn đồ có nguồn gốc từ tinh bột. Trường hợp uống nhiều, mất khả năng kiểm soát thì cần phải dừng lại ngay, không uống thêm.

    Với trường hợp say rượu, để tránh ngộ độc và nguy hiểm đến tính mạng, những người thân chung quanh cần phải kê gối thấp cho bệnh nhân nằm nhằm làm nôn hết rượu ra.

    "Nếu bệnh nhân ngủ thì cần đánh thức dậy, cho ăn cháo loãng để tránh bị hạ đường huyết. Nếu bệnh nhân lâu không tỉnh hoặc không ăn uống được gì hoặc cứ ăn vào là nôn thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời", bác sĩ Nguyên cảnh báo.

    Đồng thời, khi người thân say rượu không nên cho uống những loại thuốc có tác dụng bổ gan để giải độc rượu. Không nên uống thêm vitamin B1, B6, acid folic… để làm giảm đau đầu khi say, bởi sẽ có hại cho gan.

    Paracetamon, aspirin và một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt khi uống với rượu sẽ kích ứng niêm mạc dạ dày, gây chảy máu đường tiêu hoá.

    Khi say rượu, không nên uống các loại thuốc chống nôn vì sẽ làm giữ chất độc lại trong cơ thể, gan không thể lọc chất độc kịp càng tổn hại nghiêm trọng, lâu ngày sẽ xơ gan, ung thư gan. Nên uống nhiều nước ấm để không bị mất nước khi nôn liên tục.

    Nước chè xanh đậm giúp khử độc cồn cấp tính, hoặc uống sữa nóng, nước gừng tươi (thái lát đun sôi kỹ) để máu lưu thông, hóa giải nhanh chất cồn. Ngoài ra, người say rượu không nên tắm ngay vì dễ bị hạ đường huyết, giảm thân nhiệt có thể gây đột quỵ, trụy tim mạch.

    Linh Chi(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhieu-benh-nhan-ngo-doc-ruou-phai-cap-cuu-chuyen-gia-canh-bao-tinh-trang-no-gia-a563591.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan