Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) đang phối hợp với các đơn vị chức năng xác minh, làm việc với gia đình người phụ nữ bị ngộ độc do ăn nhầm bỏng ngô "tẩm" cần sa.
Bệnh nhân là nữ (56 tuổi, tạm trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội). Theo lời kể của người nhà, chiều tối 29/11, sau khi ăn vài miếng bỏng ngô do con đặt mua trên mạng, nữ bệnh nhân cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, nôn ra thức ăn, sau đó ý thức lơ mơ và được người nhà đưa vào Trung tâm Chống độc thuộc Bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu.
Thông tin từ bệnh viện, nữ bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, đồng tử giãn hai bên. Kết quả xét nghiệm nước tiểu phát hiện chất THC (một chất chính có trong cần sa). Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc cần sa, được cấp cứu và điều trị kịp thời nên đã qua cơn nguy kịch.
Không chỉ riêng gì sự việc này, ngày 20/11, một học sinh trong vụ ngộ độc thực phẩm tại trường Ischool Nha Trang, tử vong trên đường chuyển vào bệnh viện ở TP HCM tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trước đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) đã phát ra nhiều thông tin cảnh báo thủ đoạn trộn ma túy trong thực phẩm, đồ uống. Theo đó, để đối phó với thực trạng này cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Đầu tiên, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức, đặc biệt là qua các phương tiện thông tin đại chúng về chính sách pháp luật của Nhà nước, tác hại của ma túy và các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội về ma túy, cách nhận biết ma túy, các loại thực phẩm, đồ uống dễ bị tội phạm lợi dụng pha trộn.
Phối hợp với các cơ quan chức năng như Hải quan, Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý các loại hàng hóa là thực phẩm không rõ nguồn gốc được nhập vào Việt Nam để phòng ngừa tác hại đối với cộng đồng.
Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với cơ quan chức năng thường xuyên tăng cường phối hợp với nhà trường, chính quyền địa phương cùng với gia đình trong công tác giáo dục, quản lý, phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm ma túy.
Cục CSĐT tội phạm về ma túy tiếp tục tăng cường thường xuyên cập nhật, theo dõi, thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến tội phạm về ma túy núp bóng các loại thực phẩm, đồ uống để thông báo, chỉ đạo, hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương trên toàn quốc nhằm tuyên truyền tới toàn thể nhân dân và kịp thời phát hiện, bắt giữ, điều tra, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm; tăng cường xử điểm, xử lưu động các vụ liên quan đến tội phạm về ma túy núp bóng các loại thực phẩm, đồ uống nhằm tuyên truyền, phòng ngừa loại tội phạm này.
Hướng dẫn người dân phát hiện, cung cấp đầy đủ các thông tin cho các cơ quan chức năng về tội phạm ma túy núp dưới bóng các loại thực phẩm, đồ uống để kịp thời bắt giữ, điều tra, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Ngoài việc giáo dục, quản lý con em trong gia đình tránh xa tệ nạn ma túy, lực lượng công an đề nghị người dân thông tin kịp thời, đầy đủ khi phát hiện các thông tin liên quan đến tệ nạn, tội phạm ma túy để phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội.
Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định: Thực phẩm là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng hàng ngày cho sự phát triển của cơ thể, đảm bảo sức khỏe con người nhưng nếu thực phẩm không đảm bảo vệ sinh thì tính mạng, sức khỏe con người sẽ bị đe dọa.
Từ những vụ ngộ độc thực phẩm đáng tiếc xảy ra trong thời gian gần đây, cơ quan điều tra sẽ điều tra làm rõ từng giai đoạn, để xác định vi phạm của từng cá nhân, tổ chức liên quan, từ đó có đủ cơ sở khởi tố bị can và xác định trách nhiệm bồi thường dân sự theo quy định.
Luật sư Thơm cho biết, theo quy định tại Điều 317 Bộ luật hình sự năm 2015. Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm là hành vi chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng.
“Đây là loại tội phạm có cấu thành vật chất. Hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm, cụ thể đối với hành vi chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm theo quy định ở điểm d, khoản 1, đó là gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng”. Luật sư Thơm cho hay.
Về nguyên tắc bồi thường trách nhiệm trách nhiệm dân sự, Luật sư Thơm cho biết, nguyên tắc bồi thường được thực hiện theo khoản 1 Điều 584 BLDS 2015: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.