Ngày 9/6, những nhân chứng từng sinh sống trên quần đảo Hoàng Sa trước năm 1974 đã đến thăm, gặp gỡ thân mật với lãnh đạo UBND huyện Hoàng Sa (TP Đà Nẵng).
Chuyến thăm nhân dịp các nhân chứng này tham dự chương trình cầu truyền hình trực tiếp "Tổ quốc nhìn từ biển" với khí thế tự hào dân tộc.
Ông Trần Văn Bảo (sống ở Hà Nội), có cha là Trần Văn Phước, một sĩ quan Hải quân thời Pháp thuộc từng sống cùng bố, mẹ và hai người em trên đảo Hoàng Sa từ năm 1938-1940 (lúc này ông mới 2 tuổi). Trong chuyến thăm, ông Bảo đã miêu tả lại tình hình trên đảo Hoàng Sa lúc bấy giờ.
Ông Bảo nhớ lại: “"Tôi rất vinh dự vì đã từng sinh sống tại Hoàng Sa cách đây đã 3/4 thế kỷ. Bố tôi được người Pháp phân bổ làm trưởng trạm vô tuyến đầu tiên tại Hoàng Sa. Lúc đó tôi mới 5 tuổi, tôi là những công dân người Việt sinh đầu tiên sống ở Hoàng Sa. Lúc chúng tôi ra đảo rất nhiều người trên đảo đã chạy ùa ra bế ẳm anh em tôi. Hành động đó xua tan đi những lo sợ lạ lẫm khi xa đất liền. Khi đó, đảo Hoàng Sa đã xây dựng cột ăng ten vô tuyến điện, đường xá đã hình thành rất thẳng thắn, nhà cửa có khoảng 10 nóc nhà rất quy củ".
Ông Trần Hòa, từng đi lính Việt Nam Cộng hòa ở Hoàng Sa (sống tại TP Hồ Chí Minh), cũng nhớ lại: "Chúng tôi ra Hoàng Sa đã thấy trên đảo được xây dựng rất khang trang, những dải san hô kéo dài 800-900 mét, trên đảo đã có cầu tàu. Lúc đến Hoàng Sa tôi là một y tá mới 19-20 tuổi". Đặc biệt, ông Hòa còn nhớ lại hình ảnh ông và đồng đội công tác trên đảo Hoàng Sa từng cứu, cưu mang một gia đình ngư dân Trung Quốc khi gặp bão.
"Khoảng tháng 10/1973, Hoàng Sa xuất hiện bão. Chiều hôm đó sóng rất lớn, có một chiếc tàu cá của ngư dân Trung Quốc đang hướng tới Hoàng Sa. Chúng tôi đã ra cứu, kéo họ vào Hoàng Sa để tránh bão. Hôm đó bão dữ dội và hôm sau tàu của họ hoàn toàn bị đánh tan. Theo quy định, chúng tôi chỉ được cấp 7 lạng gạo/ngày và đã chia phần gạo của mình để nuôi sống gia đình Trung Quốc này. Gia đình họ có 5 người, gồm cả phụ nữ lẫn trẻ em. Chúng ta đã từng cưu mang ngư dân Trung Quốc thế mà giờ đây họ có thể nhẫn tâm đâm chìm cả tàu cá của chúng ta ", ông Trần Hòa bùi ngùi tâm sự.
Đặc biệt, chuyến thăm này còn có anh Nguyễn Hoàng Sa, có cha là trung sĩ Nguyễn Thành Trọng đã hi sinh trên chiến hạm Nhật Tảo (HQ10) vào 19/1/1974, khi Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam. Lúc bấy giờ mẹ anh mang thai anh được 7 tháng. Ngày 23-3-1974, anh ra đời và mẹ anh đã đặt tên là Nguyễn Hoàng Sa để tưởng nhớ đến người chồng đã anh dũng hi sinh, bảo vệ chủ quyền của tổ quốc. Hiện anh đã có vợ, hai con và làm nghề thợ nhôm kính ở Thới Lới - Cần Thơ.
Trong buổi gặp này, các nhân chứng đã trao tặng huyện Hoàng Sa những kỷ vật, tài liệu thiêng liêng về chủ quyền Hoàng Sa vẫn còn được lưu giữ đến tận ngày nay.
Sau đây là chùm ảnh ghi lại những khoảnh khắc xúc động của buổi gặp gỡ hôm nay và những kỷ vật quý mà các nhân chứng sống trao tặng cho huyện đảo:
Các nhân chứng chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo UBND huyện Hoàng Sa. |
Chứng minh nhân dân của anh Nguyễn Hoàng Sa, có cha là trung sĩ Nguyễn Thành Trọng hi sinh trên chiến hạm Nhật Tảo (HQ10) vào 19/1/1974. |
Trung sĩ Nguyễn Thành Trọng chụp ảnh lưu niệm tại Hoàng Sa trước khi hi sinh trên chiến hạm Nhật Tảo (HQ10) vào 19/1/1974. |
Bút tích của ông Nguyễn Thành Trọng trên nhật trình HQ10 do một người bạn còn giữ được mang đến gửi lại cho gia đình anh Nguyễn Hoàng Sa |
Trích lục khai tử của cha anh Nguyễn Hoàng Sa ông Nguyễn Thành Trọng |
Một kỷ vật của ông Nguyễn Thành Trọng do anh Nguyễn Hoàng Sa cung cấp |
Giấy báo tử cho gia đình ông Nguyễn Thành Trọng sau trận hải chiến Hoàng Sa với hải quân Trung Quốc. |
Ông Trần Văn Bảo (ngoài cùng bên phải) đang kể về kỷ niệm những ngày sinh sống trên đảo Hoàng Sa cùng gia đình với Chánh văn phòng UBND huyện Hoàng Sa Lê Phú Nguyện. |