(ĐSPL) - Mấy ngày gần đây, giới nhạc sỹ và ca sỹ đang xôn xao việc nhạc Việt bị tranh chấp ở nước ngoài. Theo đó, công ty Đông Hải ở Việt Nam có thể sẽ bị khởi kiện do bán và khai thác lại một số bài hát đã được công ty Huyền Hoặc (ở Đài Loan) mua độc quyền và khai thác trên vùng lãnh thổ Đài Loan.
Sự tranh chấp này đã khiến dư luận đặt câu hỏi, vấn đề bản quyền và quyền sở hữu các sản phẩm âm nhạc chưa được chúng ta quan tâm đúng mức hay tâm lý dùng "hàng chùa" đã được các công ty khai thác âm nhạc sử dụng triệt để mà không phải trả bất cứ một khoản phí nào dẫn tới bị kiện?
Đơn yêu cầu luật sư của nhạc sỹ Vũ Quốc Việt và Lý Hải. |
Khai thác bài hát đã “có chủ”?
Theo tìm hiểu của nhóm PV báo Đời sống và Pháp luật, công ty Huyền Hoặc có trụ sở tại TP. Đài Trung, Đài Loan (Trung Quốc) do ông Tsao Sheng Ching làm chủ. Công ty này đã ký hợp đồng mua tác phẩm, hình ảnh, âm thanh, âm nhạc độc quyền với nhiều nhạc sỹ, ca sỹ Việt Nam. Hiện nay, tại TP. Đài Trung có khoảng 45.000 người Việt, nhu cầu giải trí bằng karaoke nhạc Việt rất cao.
Vì thế, từ tháng 11/2013 đến nay, công ty Huyền Hoặc đã ký hợp đồng sử dụng tác phẩm âm nhạc với khoảng hơn 100 ca sỹ - nhạc sỹ Việt Nam để sử dụng tác phẩm âm nhạc của họ độc quyền trên lãnh thổ Đài Loan. Tuy nhiên vào khoảng giữa năm 2014, Huyền Hoặc phát hiện Công ty TNHH TM & DV Đông Hải tại TP.HCM (gọi tắt là Đông Hải) đã ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng tác phẩm âm nhạc của một số trong các ca sỹ - nhạc sỹ mà Huyền Hoặc từng ký hợp đồng cho Công ty Gao-Le Audio & Video Equipment Co. Ltd (công ty Gao Le) mà chưa được sự đồng ý của các ca sỹ - nhạc sỹ trong cuộc cũng như của công ty Huyền Hoặc khiến công ty này và các nghệ sỹ chịu thiệt hại. Vì vậy, công ty Huyền Hoặc đã tổ chức một cuộc họp tại Việt Nam để làm rõ vấn đề này.
Đại diện của ca sỹ Bằng Cường cho biết, có ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng tác phẩm âm nhạc với công ty Đông Hải, nhưng phạm vi sử dụng các tác phẩm của Bằng Cường chỉ ở Việt Nam chứ không phải ở Đài Loan. Các nghệ sỹ khác cùng chung ý kiến khi cho rằng, có ký hợp đồng với công ty Đông Hải nhưng vẫn nghĩ rằng chỉ phát hành ở phạm vi trong nước. Công ty Đông Hải đã không thông báo khi phổ biến tác phẩm của họ ra nước ngoài.
Theo luật sư đại diện pháp lý cho công ty Huyền Hoặc, đang cân nhắc khả năng sẽ khởi kiện công ty Đông Hải tại Việt Nam. Công ty của ông Ching cũng đã khởi kiện công ty Gao Le ra tòa án Đài Loan. Hiện, công ty Huyền Hoặc đã nhận được đơn ủy quyền của các nghệ sỹ Vũ Quốc Việt, Phạm Trưởng, Bằng Cường, Tống Gia Vỹ, Lý Hải... để giải quyết tranh chấp với công ty Đông Hải.
Các nghệ sỹ Việt Nam cũng đã có đơn gửi Cục Bản quyền tác giả - Văn phòng đại diện tại TP.HCM để xác định, họ đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả với công ty Huyền Hoặc để đơn vị này độc quyền sử dụng, khai thác các nhạc phẩm (79 tác quyền và 87 tác phẩm âm nhạc) trong thời hạn 5 năm trên lãnh thổ Đài Loan. Công ty của ông Ching tại Đài Loan kinh doanh các sản phẩm âm nhạc mua của các ca sỹ, nhạc sỹ Việt Nam dưới dạng đĩa CD, MV, karaoke. ông Ching cho biết, ở Đài Loan có nhiều người Việt sinh sống, vì vậy nhu cầu về ca khúc karaoke nhạc Việt khá cao. Vì thế, việc công ty khác khai thác bài hát mà Huyền Hoặc mua bản quyền là vi phạm pháp luật.
Trong buổi họp báo ngày 12/11/2014 tại Việt Nam, ông Tsao Sheng Ching cho biết, trong danh mục 3.511 ca khúc mà công ty Đông Hải ủy quyền cho Gao Le thì có khoảng 1.000 ca khúc đã là độc quyền của công ty Huyền Hoặc.
Văn phòng luật sư Hà Hải (đại diện cho Huyền Hoặc) cũng đã trưng ra các đơn yêu cầu luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ông: Vũ Quốc Việt (nhạc sỹ), Bằng Cường (nhạc sỹ), Lý Hải, Tống Gia Vỹ, Lâm Vũ, Nguyễn Hoàng Duy, Akira Phan, Phạm Trưởng... Những nghệ sỹ này nghĩ rằng, họ đã bị công ty Đông Hải lạm dụng sự tín nhiệm, không tham khảo ý kiến hoặc thông báo khi phổ biến tác phẩm của họ ra nước ngoài (cụ thể ở Đài Loan). Theo các ca sỹ - nhạc sỹ này, trước đây, họ có ký hợp đồng với công ty Đông Hải nhưng vẫn nghĩ rằng, chỉ là phát hành ở phạm vi trong nước, nên khi công ty Huyền Hoặc đặt vấn đề phát hành dưới dạng karaoke ở Đài Loan thì họ đã ký kết hợp đồng.
Ông Ching (người đứng thứ hai từ phải qua) trong cuộc họp tại Việt Nam. |
Đông Hải cũng nhờ luật sư vào cuộc
Có mặt tại cuộc gặp, đại diện nhạc sỹ - ca sỹ Bằng Cường (tên thật Đỗ Hùng Cường) cho biết thêm: "Chúng tôi cũng có ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng tác phẩm âm nhạc với công ty Đông Hải, nhưng phạm vi sử dụng các tác phẩm của Bằng Cường chỉ ở Việt Nam chứ không phải Đài Loan".
Qua tìm hiểu, PV được biết, Bằng Cường chỉ hợp đồng khoảng 100 bài theo danh mục đính kèm (sáng tác hoặc trình diễn), thế nhưng công ty Đông Hải đã sử dụng khoảng 180 bài và lại bán cho một công ty khác ở Đài Loan. Luật sư An Hải, đại diện pháp lý cho công ty Huyền Hoặc cho biết: "Chúng tôi đang cân nhắc nhiều khả năng sẽ khởi kiện công ty Đông Hải tại Việt Nam về vấn đề trên. Hiện, chúng tôi đã nhận được đơn ủy quyền của các nghệ sỹ như: Vũ Quốc Việt, Phạm Trưởng, Bằng Cường, Tống Gia Vỹ, Lý Hải... để giải quyết tranh chấp với công ty Đông Hải vì công ty này xâm phạm bản quyền các tác phẩm âm nhạc của họ".
Với việc khai thác và bán một số bài hát mà công ty Huyền Hoặc đã mua độc quyền cho một công ty ở Đài Loan, công ty Đông Hải đang chịu sức ép từ phía một số nhạc sỹ, ca sỹ, dư luận ở Việt Nam và Việt kiều tại Đài Trung, Đài Loan. Để rộng đường dư luận và có thêm những thông tin mới, chúng tôi đã liên lạc với đại diện của công ty Đông Hải, một nhân viên tên Dũng - làm việc ở phòng kỹ thuật tỏ ra bất hợp tác với chúng tôi. Sau đó, nhân viên này có cho chúng tôi số điện thoại để liên lạc với người phụ trách báo chí nhưng thuê bao lại không thể liên lạc được.
Với sự giúp đỡ của một người bạn ở quận Bình Tân, TP.Hồ Chí Minh, chúng tôi đã liên lạc với bà Đỗ ánh Tuyết - Phó Giám đốc công ty Đông Hải. Bà Tuyết cho biết: "Thông qua báo chí, chúng tôi cũng biết thông tin là công ty Huyền Hoặc đang chuẩn bị kiện chúng tôi vì khai thác bài hát có bản quyền. Tôi vừa đi công tác về nên chưa nắm bắt được thông tin nhiều, nhưng cho đến nay, chúng tôi cũng chưa nhận được giấy tờ và thông tin gì từ bên công ty Huyền Hoặc và một số ca sỹ như Lý Hải, Bằng Cường...
Bản quyền là vấn đề phức tạp, vì thế chúng tôi cũng đã mời luật sư ở công ty luật Phạm và Liên danh để làm rõ vấn đề này. Chúng tôi đã chuyển toàn bộ hồ sơ gồm hợp đồng mua các ca khúc của các ca sỹ cho luật sư. Trong tháng 11 này, chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp với luật sư để có thông tin chính xác nhất cho báo chí. Theo tôi được biết, công ty Huyền Hoặc mua một số tác phẩm độc quyền của một số nghệ sỹ, nghĩa là tác phẩm của nhạc sỹ sáng tác và chúng tôi cũng nhờ luật sư để tư vấn vấn đề này”.
Không ký hợp đồng giới hạn lãnh thổ Bà Đỗ ánh Tuyết - Phó Giám đốc công ty Đông Hải cho biết: "Chúng tôi ký hợp đồng với một số ca sỹ, nhạc sỹ khai thác một số nhạc phẩm cho việc kinh doanh karaoke chứ không ký hợp đồng giới hạn lãnh thổ Việt Nam. Vì thế ở hợp đồng cũng không thể hiện việc dùng sản phẩm ở đâu. Chúng tôi sẽ làm việc kỹ với người đại diện pháp luật của công ty để có câu trả lời sớm nhất cho khán giả và truyền thông". |