(ĐSPL) - Hơn 1 năm qua, 11 hộ dân huyện miền núi Sơn Hòa (Phú Yên) phải sống trong cảnh nhà bị “treo” trên đường. Mặc dù đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền các cấp, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Nhà “lơ lửng” trên không
Tuyến đường ĐT643 là dự án cấp bách có chiều dài hơn 40km, tổng mức đầu tư hơn 820 tỷ đồng, do Tổng Công ty cổ phần Tập đoàn kinh tế Xuân Thành làm tổng thầu, được khởi công từ ngày 29/4/2010. Dự kiến công trình sẽ thông tuyến vào dịp kỷ niệm 114 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 – 19/5/2014).
Để lên được nhà, 11 hộ dân phải trèo lên con dốc dựng đứng. |
Ngoài chức năng tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn từ huyện Tuy An đi Sơn Hòa, tuyến đường còn nối các huyện miền núi với đồng bằng, mở ra cơ hội phát triển kinh tế, xã hội trong khu vực. Tuy nhiên, trong quá trình thi công đã nảy sinh nhiều bất cập, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của 11 hộ dân ở thôn Phong Hậu, khiến dư luận bất bình.
Khi tuyến đường đi qua, tại vị trí Km26+800 đến Km27, đơn vị thi công đã hạ nền đường quá sâu so với nguyên trạng, làm 11 nhà dân ở mặt đường bị “treo” trên cao hơn 6m, mất lối đi.
Khốn khổ với những ngồi nhà "treo". |
Ông Lê Xuân Hương, một trong 11 hộ dân có nhà bị treo trên cao bức xúc: “Tình trạng này đã kéo dài hơn một năm nay, ngày 10/4/2013 người dân gửi đơn khiếu nại lên UBND xã và huyện, nhưng chưa được giải quyết. Đến ngày 27/9/2013, cán bộ huyện Sơn Hòa, xã Sơn Long và nhà đầu tư về xem xét thực tế, tổ chức họp dân để làm đường gom. Tuy nhiên, từ đó đến nay không thấy đường sá đâu cả, hàng ngày người dân vẫn phải bò lên nhà, xuống đường rất vất vả và nguy hiểm”Để leo lên được nhà, người lớn lo sợ trượt chân, còn trẻ em thì phải bò. Hàng hóa, nông sản sau khi thu hoạch không thể mang vào nhà vì mất lối đi. Trâu, bò và vật nuôi cũng dễ bị lộn nhào từ trên cao xuống đất. “Cực nhất là mùa nắng nóng, phụ nữ đi lấy nước, trẻ em đi học phải bò lên, bò xuống nguy hiển, lấm lem quần áo, không ít lần bị té ngã lăn cù”, Bà Lê Thị Kiều Thu than phiền.
Không chỉ khó khăn trong việc đi lại và vận chuyển nông sản, nhiều hộ ở đây còn phản ảnh, trong lúc làm đường, đơn vị thi công nổ mìn, gây nứt tường nhà, đá văng vỡ ngói. “Chúng tôi đã báo sự việc với nhà đầu tư, nhưng họ chỉ sang UBND huyện Sơn Hòa, nên giờ không biết cầu cứu ai giải quyết”, Ông Dương Văn Thiết bức xúc, nói.
Để khắc phục tình trạng này, người dân tự đào bậc thang từ mặt đường lên nhà. Hàng ngày việc đưa con đi học, đi chợ, làm đồng, mọi người phải băng ngang từ nhà này sang nhà khác, tìm chỗ thấp nhất mới xuống được đường chính.
Đường gom… chờ đường chính
Chia sẻ với tình cảnh 11 hộ dân ở đây, ông Nguyễn Thái Học, đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Phú Yên đã đến kiểm tra hiện trường, ghi nhận ý kiến người dân phản án là sự thật. “Nếu đặt trường hợp mình vào hoàn cảnh này, cũng sẽ bức xúc không kém. Chúng tôi sẽ có văn bản kiến nghị các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương sớm giải quyết để người dân ổn định cuộc sống”, ông Học, nói.
Theo người dân, khi thiết kế tuyến đường qua đoạn này, chủ đầu tư không tính đến các phương án sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Một số hộ dân đề nghị mở một đường gom để có lối đi chung. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, do trước mặt nhà của 11 hộ này bị vướng đường điện trung áp, nên phải di dời đến nơi ở mới.
Ông Ngô Thạch Phổ, Trưởng ban quản lý dự án Thủy lợi và Phòng chống thiên tai tỉnh Phú Yên, đơn vị chủ đầu tư dự án đường ĐT 643 khẳng định, trong thiết kế ban đầu, chúng tôi đã tính đến việc làm đường gom cho các hộ dân này. Theo đó, đường sẽ được ốp mái taluy, có hộ lan mềm, phía trên làm đường gom nền bê tông với mặt đường rộng từ 2 đến 3 mét. Tuy nhiên, đường gom chưa được triển khai là do phải chờ tuyến đường chính hoàn thành.