Nguyên đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh cho rằng, việc tiêm thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, cần phải có chế tài xử lý mạnh, cao nhất là xử lý hình sự mới đủ sức răn đe.
Vụ phát hiện tiêm thuốc an thần cho hàng nghìn con lợn trước khi giết mổ tại cơ sở giết mổ Xuyên Á đóng trên địa bàn huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh khiến dư luận vô cùng bức xúc. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi Xuyên Á được xem là cơ sở giết mổ lớn nhất ở TP HCM, số lượng giết mổ trung bình khoảng 5.000 con heo/ ngày, chiếm hơn 50% tổng lượng heo giết mổ tại thành phố.
Trước mức độ nguy hại, ngày 2/10, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã có công văn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với đoàn Thanh tra khẩn trương tiêu hủy toàn bộ số lợn xác định bị tiêm thuốc an thần đã được cơ quan chức năng phát hiện tại cơ sở giết mổ Xuyên Á.
Lãnh đạo TP HCM cũng yêu cầu Sở NN&PTNT, Ban quản lý ATTP công khai danh tính 13 thương lái vi phạm, đồng thời có biện pháp kiểm soát chặt sản phẩm thịt heo từ nguồn các thương lái này trong thời gian tới.
UBND thành phố cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu hình thức xử phạt và tạm dừng hoạt động cơ sở giết mổ Xuyên Á để chấn chỉnh theo định hướng cơ sở giết mổ tập trung hiện đại của thành phố.
Sở Tư pháp được giao nghiên cứu, kiến nghị bổ sung quy định các mức xử phạt nghiêm đối với các hành vi tương tự của thương lái, chủ cơ sở giết mổ.
Liên quan đến vấn đề này, nguyên đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh cho rằng, số heo bị tiêm thuốc an thần nếu không tiêu hủy sẽ được tiêu thụ ra thị trường với số lượng rất lớn. Nếu người dân ăn phải thịt lợn có tồn dư thuốc an thần sẽ anh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Theo y tế, nếu ở nồng độ cao có thể gây ra bệnh đường ruột, co giật chân tay và một số các bệnh khác…
Nguyên đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh |
“Đây là một việc rất nguy hiểm, tại sao để xảy ra tình trạng này” – ông Vinh nói và cho hay, rất may lực lượng chức năng đã mật phục và phát hiện được vụ việc.
Cũng theo ông Vinh, người ta nói rằng, việc tiêm thuốc an thần vào heo sẽ khiến thịt heo mềm ra, hồng lên bắt mắt dễ bán ra thị trường. Chính vì vậy, như tiêm thuốc an thần vào lợn quá gần thời điểm giết mổ, chắc chắn sẽ còn tồn dư một lượng không nhỏ trong thịt lợn, việc rất nguy hiểm cho người tiêu dùng.
Ông Vinh cũng cho rằng, việc làm này rất nguy hiểm nhưng trong cơ sở giết mổ có nhiều người làm nhưng nhưng sao vẫn lặng thinh để việc tiêm thuốc an thần vào heo tiến hành.
Ngoài ra, các cơ quan thanh tra, kiểm tra có thường thường xuyên không và như thế nào?. Bên cạnh đó, tại sao một cơ sở giết mổ lại mua thuốc an thần dễ như thế, việc quản lý thuốc an thần như thế nào?
“Cuối cùng khổ nhất vẫn là người dân khi ăn phải thịt lợn tiêm thuốc an thần, việc này không những có thể sinh bệnh tật cho những người ăn phải mà có khi còn ảnh hưởng đến giống nòi. Khi bị bệnh, khổ cả gia đình, xã hội, bệnh viện quá tải… dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Cá nhân tôi rất bất bình trong việc hàng ngàn con heo bị tiêm thuốc an thần trước khi giết thịt” – ông Vinh nhấn mạnh.
Phải xử lý thật nặng mới đủ sức răn đe
Theo thông tin báo chí, trước đó, ngay khi phát hiện vụ việc, cơ quan chức năng cũng đã lập biên bản hành chính, ra quyết định xử phạt từ 30-35 triệu đồng đối với chủ của 13 lô hàng vi phạm trong vụ việc này; trong đó, có 11 chủ hàng bị phạt mức bình quân 32,5 triệu đồng/trường hợp, do thành khẩn khai báo và 2 trường hợp bị phạt kịch khung là 35 triệu đồng do không thừa nhận hành vi từ đầu. Tổng cộng mức phạt dành cho 13 chủ hàng là 427,5 triệu đồng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mức độ xử phạt này còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm.
Liên quan đến vấn đề này, nguyên đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh cho rằng, một vụ việc gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của rất nhiều người, hơn nữa lại với số lượng rất lớn mà lại xử phạt 30 – 35 triệu đồng là quá nhẹ.
“Theo tôi phải có chế tài xử phạt mạnh, phải xử lý hình sự và phải tìm được gốc của vấn đề. Ngoài ra, còn phạt những chỗ quản lý thuốc an thần, bán đi đâu, tiêu thụ như thế nào nếu phát hiện thấy sai phạm” – ông Vinh nói.
Cũng theo ông Vinh, bên cạnh đó, cần xử lý cả những người thấy mà không tố cáo mà còn tiếp tay cho hành vi này. Phải xử lý thật nặng. Có rất nhiều mức để xử lý nhưng mức cao nhất vẫn là xử lý hình sự. Những người vi phạm không những phải chịu trách nhiệm hình sự mà con chịu trách nhiệm về chi phí tiêu hủy những con lợn bị tiêm thuốc an thần mới đủ sức răn đe.
“Không phải làm theo phong trào mà phải kiểm tra thường xuyên để không xảy ra những trường hợp tương tự. Bởi thấy lợi nhuận cao nên nhiều người dùng mọi thủ đoạn khiến nguy hại đến sức khỏe cộng đồng nên chúng ta phải thật nghiêm khắc” – ông Vinh nhấn mạnh.
Tiểu Phương (ghi)