Đó là nhận định của PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội liên quan tới vụ việc hàng nghìn con heo ở lò mổ tại TP. HCM bị phát hiện tiêm thuốc an thần combistress.
Chiều 29/9 vừa qua, Phòng 7, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49B), Bộ Công an tại TP.HCM đã phối hợp với các cơ quan chức năng lập hồ sơ xử lý 13 lò mổ tiêm thuốc mê cho hơn 4.600 con heo.
Cụ thể, trước đó, khoảng 22h30 ngày 28/9, qua kiểm tra khu giết mổ gia súc Xuyên Á (ở huyện Củ Chi), lực lượng chức năng bắt quả tang 2 người đàn ông dùng kim tiêm thuốc gây mê vào heo. Tại hiện trường, cảnh sát phát hiện hàng chục lọ thuốc combistress (loại 50 ml) và lactated ringers (loại 500 ml) đã pha thuốc an thần.
Theo lời khai của chủ lò mổ, trước đó, 5.231 con heo đã được đưa về khu vực này để giết mổ. Và tại thời điểm bị cảnh sát bắt quả tang, nhân viên đã tiêm thuốc vào 4.626 con heo.
Gần 5.000 con heo bị phát hiện tiêm thuốc an thần tại lò mổ. Ảnh: Thanh niên |
Theo Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ NN&PTNT, qua xác minh ban đầu, trên các lọ thuốc an thần đều ghi cảnh báo sử dụng trước 24h.
Liên quan tới việc tìm hiểu việc heo được tiêm combistress nhằm tác dụng gì, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, combistress đôi khi vẫn được dùng trong trị bệnh hoặc vận chuyển gia súc, gia cầm đi đường dài. Tuy nhiên, trong trường hợp của vụ việc trên, các gian thương sử dụng combistress nhằm mục đích bảo toàn lượng nước đã bơm vào heo, tránh việc nước bị “thất thoát” cho đến khi heo được giết mổ và bán thịt ra ngoài thị trường.
“Sau khi bơm nước vào heo, nếu để heo vận động, chạy nhảy bình thường thì lượng nước đó lại sẽ bị heo nôn, ói, hoặc bài tiết ra ngoài. Như việc, việc bơm thuốc an thần để cho heo ngủ đã được các gian thương vận dụng để bảo toàn lượng nước đã bơm vào. Heo ngủ và giữ nước này trong cơ thể. Người tiêu dùng sử dụng loại thịt này thì sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe” - PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh phân tích.
Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, trong vụ việc này, người tiêu dùng sẽ là nhóm người chịu hệ quả trực tiếp nếu các loại thịt này được đưa ra thị trường, trong khi đó, thịt độc hại lại không thể được nhận biết bằng trực quan. Do vậy, vấn đề không phải là cảnh báo người tiêu dùng nhận biết thịt độc thế nào, mà phải là sẽ xử phạt những chủ cở sở, người thực hiện hành vi tiêm thuốc an thần này ra sao.
Theo tư liệu của Viện Thú y - Học viện Nông nghiệp, với heo tồn dư thuốc an thần mà những người bị bệnh mãn tính, trẻ em, người bị bệnh tim ăn phải có thể gây tụt huyết áp, trầm cảm.
Đặc biệt, khi lượng thuốc này tồn đọng lâu ngày trong người sẽ có nguy cơ gây mục xương, ung thư tủy, giảm hồng cầu rất nguy hiểm. Triệu chứng càng nghiêm trọng hơn đối với người già và trẻ em.
Theo cơ quan điều tra, lò mổ trên được đầu tư xây dựng dây chuyền giết mổ, rồi cho 20 chủ lò giết mổ heo thuê lại để đưa heo về đây làm thịt, cung cấp cho thương lái tung ra thị trường tiêu thụ. Trước khi giết mổ, có ít nhất hơn 10 chủ lò tiêm thuốc nói trên cho heo. Sau đó, số thịt heo này được cung cấp cho một số chợ đầu mối ở TP.HCM, phân phối cho các chợ. Được biết, số heo bị giữ lại không đưa vào giết mổ để cung cấp cho thị trường tương đương một nửa số heo tiêu thụ mỗi ngày tại TP.HCM. |
Thái Sơn