Người Lao Động đưa tin, ngày 17/7, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đồng Nai cho biết trên địa bàn vừa ghi nhận một trường hợp tử vong nghi bị bệnh dại. Đó là ông T.V.P, 36 tuổi, ngụ xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, Đồng Nai.
Bước đầu xác định, gia đình ông P. có nuôi một con chó chưa được tiêm vắc xin phòng dại.
Cuối tháng 12/2022, con chó cào xước da ở vị trí cổ tay trái ông P., không gây chảy máu nên ông P. không đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại.
Vài ngày sau đó, con chó cắn vợ và 2 con nhỏ của ông P. Cả 3 đã đến trung tâm y tế huyện Trảng Bom để tiêm phòng dại. Con chó sau đó bị tiêu hủy.
Tới tháng 7, ông P. có các biểu hiện bệnh như chán ăn, nôn ói, đau cơ, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, tức ngực khó thở… phải nhập viện cấp cứu. Đến 14/7, nạn nhân đã tử vong.
Ngay sau khi nhận thông tin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai phối hợp điều tra dịch tễ và xử lý ổ dịch. Theo kết quả điều tra, đối diện nhà anh P. từng ghi nhận ổ dịch chó dại cách thời điểm anh bị cào khoảng 11 ngày. Hằng ngày chó nhà anh vẫn được thả rông không rọ mõm, có tiếp xúc với các con chó khác trong khu vực.
Cụ thể, khu vực xung quanh ấp 1, xã Sông Trầu, ghi nhận có khoảng 64 con chó và 9 con mèo. Chỉ 11 con đã được tiêm phòng vắc xin phòng dại, 62 con còn lại chưa được tiêm.
Đây là trường hợp thứ 2 của ổ dịch chó dại truyền bệnh cho người trên địa bàn xã Sông Trầu và là ổ dịch thứ 3 trên địa bàn huyện Trảng Bom tính từ đầu năm 2023 đến nay, thông tin từ Vietnamnet.
Theo hướng dẫn của WHO, vết thương được rửa và điều trị kịp thời sau khi bị cắn là một quyết định sống còn. Các vết cắn cần phải được rửa sạch ngay lập tức bằng xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong khoảng 10 - 15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục trong khoảng thời gian nêu trên. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.
Sau đó, vết thương cần được làm sạch kỹ hơn với cồn 70% hoặc cồn iod nếu có. Không nên khâu vết thương sớm, trừ vết thương ở mặt. Nạn nhân bị động vật cắn cần được đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn điều trị kịp thời.
Thời kỳ ủ bệnh được tính từ thời điểm bị chó cắn đến khi phát bệnh, đây là khoảng thời gian quý báu quyết định khả năng cứu sống người bệnh. Dấu hiệu khác lạ duy nhất là vết cắn. Vì vậy, người bị động vật cắn cần phải đi khám để tiêm phòng bệnh dại càng sớm càng tốt.
Trong vòng 10-14 ngày sau khi bị chó cắn nếu chó phát dại, chết hoặc bị mất tích hay bị giết thịt thì nên nhanh chóng đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng dại. Còn sau 14 ngày, nếu chó khỏe mạnh bình thường, không cần phải đưa nạn nhân đi tiêm phòng dại nữa.
Tiêm vaccine phòng bệnh dại sau phơi nhiễm (PEP) là bắt buộc nếu nạn nhân bị động vật bị dại hoặc nghi ngờ bị dại cắn. Đặc biệt cần nhanh chóng tiêm phòng trong các trường hợp sau đây:
+ Vết cắn gây xước da và vết thương chảy máu.
+ Màng nhầy ở da tiếp xúc với nước bọt của động vật nghi dại.
+ Con vật đã cắn người bị chết hoặc biến mất trong thời gian theo dõi hoặc có biểu hiện hành vi không bình thường, thất thường, bị ốm hoặc thay đổi tính tình.
+ Kết quả xét nghiệm chất liệu não của động vật nghi dại hoặc bị dại cho kết quả dương tính.
Ngoài ra, cần đưa thú nuôi đi tiêm phòng bệnh dại: tiêm phòng dại sớm cho chó ở khoảng 6-8 tuần tuổi và mèo ở 8 tuần tuổi. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ thú y nếu muốn tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó hoặc mèo sơ sinh hoặc khi bỏ lỡ thời gian tiêm phòng cho vật nuôi.
Thùy Dung (T/h)