+Aa-
    Zalo

    Nghiêm trị người đuổi đánh tài xế gây tai nạn rồi bỏ chạy

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Theo luật sư, hành vi đuổi đánh tài xế nếu không thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng thì bị coi là vi phạm

    (ĐSPL) - Theo luật sư, hành vi đuổi đánh tài xế nếu không thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng thì bị coi là vi phạm, bởi nạn nhân hoặc người đi đường không có thẩm quyền xử lý tài xế gây tai nạn giao thông.

    Vào tối ngày 10/12, tài xế Đinh Mạnh Hùng (công tác tại Ban Kinh tế Trung ương) lái xe biển xanh gây tai nạn giao thông rồi bỏ chạy với tốc độ cao theo hướng đường Nguyễn Trãi (đoạn gần Ngã Tư Sở, quận Thanh Xuân) - Tôn Đức Thắng (Đống Đa, Hà Nội). Trước sự việc đó, nhiều người đi đường đã hô hoán, truy đuổi và yêu cầu tài xế dừng xe lại nhưng bất thành. Chỉ khi tới ngã năm Ô Chợ Dừa - Xã Đàn, do gặp đèn đỏ và bị nhiều chiếc xe khác ép sát vào lề đường, chặn đầu nên người tài xế mới buộc phải dừng xe lại. Sau khi ra khỏi xe, tài xế đã bị đám đông đánh dẫn đến bị thương nặng, phải nhập viện cấp cứu.

    Ngày 11/12, lãnh đạo công an quận Thanh Xuân cho biết cơ quan đang điều tra nguyên nhân sự việc. Vào tối cùng ngày, Ban kinh tế trung ương đã phát đi thông báo thừa nhận tài xế Hùng là cán bộ của đơn vị, đồng thời Ban kinh tế trung ương sẽ tiếp tục phối hợp với Công an quận Thanh Xuân làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định đối với lái xe Hùng.

    Tài xế lái xe biển xanh gây tai nạn bỏ trốn bị vây đánh phải nhập viện - Ảnh: Cắt từ Clip

    Hành vi gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn của tài xế Đinh Mạnh Hùng không còn quá "xa lạ" khi trong thời gian qua, liên tiếp xảy ra những vụ tài xế lái xe gây tai nạn rồi "cao chạy xa bay" bỏ mặc nạn nhân khiến dư luận vô cùng bức xúc.

    Tại phần lớn các bang của Mỹ, hành vi gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn đều phải “đối mặt” với trách nhiệm hình sự tùy vào tính chất nghiêm trọng của từng vụ, ngoài ra bất kể tội nặng hay nhẹ đều dẫn đến kết quả là bị treo hoặc thu hồi bằng lái xe, nặng nhất là "tước bằng vĩnh viễn". Còn tại Việt Nam, tài xế lái xe gây tai nạn rồi bỏ trốn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào yếu tố lỗi của các bên, mức độ nguy hiểm của hành vi cũng như tổn hại sức khỏe gây cho người bị hại.

    Cụ thể, theo quy định tại Nghị định Số: 46/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì hành vi gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn nếu không cấu thành tội phạm theo quy định tại luật hình sự thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 6 triệu đồng. Ngoài bị xử phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe từ 01-03 tháng.

    Người tài xế gây tai nạn giao thông chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự khi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà "gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác"

    Liệu chăng mức xử lý trên có "quá nhẹ" dẫn tới việc "khuyến khích" tài xế sau khi gây tai nạn, sẵn sàng lựa chọn phương án "tẩu thoát" càng nhanh càng tốt?

    Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Quách Thị Thu Thủy  - Giám đốc Công ty Luật Thanh Thiên Trường phân tích, theo quy định của pháp luật Việt Nam, tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ có cấu thành vật chất. Đối với những tội phạm được cấu thành vật chất thì hậu quả là yếu tố bắt buộc, là điều kiện cần và đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự với tội phạm đó. Vì vậy, đối với tội gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn thì việc xem xét hậu quả xảy ra là yếu tố bắt buộc để xác định hành vi có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không.

    Luật sư Quách Thị Thu Thủy  - Giám đốc Công ty Luật Thanh Thiên Trường

    Đồng thời, luật sư khẳng định: "Quy định trên hoàn toàn không khuyến khích việc gây tai nạn rồi bỏ trốn, bởi hành vi bỏ trốn cũng là một trong những dấu hiệu của tội phạm”.

    Ngoài các biện pháp xử lý sẽ được áp dụng đối với tài xế lái Đinh Mạnh Hùng, có nhiều ý kiến cho rằng, trong vụ việc này, những người tham gia đuổi đánh tài xế cũng phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

    Liên quan tới vấn đề này, Luật sư Thủy nhận định: "Hành vi đuổi đánh tài xế của nạn nhân hoặc những người vi phạm nếu không thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng thì bị coi là vi phạm. Bởi lẽ, khi người tài xế gây tai nạn, người tài xế phải chịu trách nhiệm pháp lý, tuy nhiên trách nhiệm xử lý thuộc về cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không thuộc trách nhiệm của người dân hoặc nạn nhân".

    Luật sư phân tích thêm, trường hợp hành vi đuổi đánh của nạn nhân hoặc người dân dẫn đến gây thương tích cho người tài xế thì tùy vào mức độ hậu quả gây ra cho người tài xế mà phải chịu trách nhiệm về hành vi này, đó có thể là trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự và kèm theo là việc bồi thường thiệt hại (trách nhiệm dân sự) cho người bị hại. Trường hợp hành vi đuổi đánh tài xế dẫn đến người tài xế gây tại nạn cho người khác, những người đuổi đánh cũng có thể bị xem xét trách nhiệm liên quan do lỗi của mình gây ra.

    Trong vụ việc gây tai nạn rồi bỏ trốn của tài xế Nguyễn Mạnh Hùng, khi bị truy đuổi, tài xế đã tiếp tục đâm vào những người đang đi trên đường. Đây có thể được coi là hệ quả tất yếu trong việc "tháo chạy" khỏi sự "rượt đuổi" của đám đông. Bày tỏ quan điểm về điều này, luật sư Thủy nói: “Dựa trên yếu tố tâm lý, trường hợp tài xế vừa gây tai nạn lại xong ngay lúc đó lại bị người xung quanh đuổi đánh sẽ dẫn đến tâm lý hoảng loạn, không giữ được bình tĩnh và dẫn đến người tài xế đó có thể tiếp tục gây tai nạn liên hoàn cho người khác do không làm chủ được tay lái. Đây là thực tế xảy ra khá phổ biến trong thời gian qua, nhiều người dân chưa kiểm soát được cảm xúc cũng như chưa ý thức được mức độ nghiêm trọng của hành vi dẫn đến có hành động đuổi đánh tài xế dẫn đến hậu quả đáng tiếc xảy ra.”

    Nên chăng cần có quy định pháp luật để điều chỉnh một cách hiệu quả những vấn đề này hay không, Luật sư Thủy cho rằng: " Pháp luật nên có những quy định cụ thể hơn nữa về vấn đề này để ngăn ngừa tình trạng trên xảy ra cũng như cần có những chế tài nghiêm khắc để xử lý trường hợp vi phạm, tránh những hậu quả đáng tiếc cho xã hội."

     

     

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nghiem-tri-nguoi-duoi-danh-tai-xe-gay-tai-nan-roi-bo-chay-a173848.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan