+Aa-
    Zalo

    Nghi vấn nguyên nhân khiến trực thăng chở Tổng thống Iran rơi

    (ĐS&PL) - Theo truyền thông Iran, chiếc trực thăng chở Tổng thống Ebrahim Raisi có thể đã gặp trục trặc về kỹ thuật trước khi gặp nạn.

    Theo thông tin trên báo Dân trí, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn trực thăng hôm 19/5. Trực thăng đã "hạ cánh khó khăn" sau khi gặp sự cố do sương mù dày đặc gần thành phố Jolfa, cách thủ đô Tehran khoảng 600km về phía tây bắc.

    Trực thăng chở Tổng thống Iran cất cánh gần biên giới Iran - Azerbaijan ngày 19/5/2024. Ảnh chụp màn hình IRNA

    Trực thăng chở Tổng thống Iran cất cánh gần biên giới Iran - Azerbaijan ngày 19/5/2024. Ảnh chụp màn hình IRNA

    Hãng thông tấn IRNA của Iran ngày 20/5 đưa tin trực thăng chở Tổng thống Raisi bị rơi "do trục trặc kỹ thuật". Tuy nhiên, cơ quan này không nêu rõ thông tin chi tiết về sự cố của trực thăng.

    Cùng ngày, cựu Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói rằng, bằng cách áp đặt các lệnh trừng phạt đối với ngành hàng không của Iran, Mỹ phải chịu trách nhiệm về vụ tai nạn. Bình luận của ông được hãng thông tấn chính thức của Iran IRNA đưa tin.

    Theo một số nhà quan sát Iran, các lệnh trừng phạt quốc tế trong nhiều thập niên khiến phi đội máy bay của Iran bị suy yếu và đây có thể là nguyên nhân dẫn đến thảm kịch hôm 19/5.

    Iran đã phải chịu các lệnh trừng phạt quốc tế nghiêm ngặt kể từ Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Trong đó, các biện pháp trừng phạt kéo dài suốt nhiều thập niên của Mỹ đã ngăn cản Iran mua máy bay và phụ tùng mới của phương Tây.

    Sanam Vakil, chuyên gia về Trung Đông tại Chatham House, nhóm nghiên cứu có trụ sở tại London, cho biết ngành hàng không Iran từ lâu đã phải hứng chịu các lệnh trừng phạt.

    "Iran đã chứng kiến rất nhiều sự cố hàng không, không chỉ trực thăng mà cả các vụ tai nạn máy bay, và tôi nghĩ điều này chắc chắn liên quan đến các lệnh trừng phạt", bà Vakil nhận định.

    Bà Vakil nói rằng mặc dù bà không có thông tin chi tiết về các tình huống xung quanh vụ tai nạn hôm 19/5, nhưng các thông tin được công bố cho thấy hai trong số các nhà lãnh đạo hàng đầu của Iran, gồm tổng thống và ngoại trưởng, đã ngồi trên một trực thăng cũ kỹ.

    Theo báo Lao động, nhà phân tích hàng không Mỹ Kyle Bailey nói với Al Jazeera, việc thiếu liên lạc từ phi công hoặc thành viên khác của tổ bay chứng tỏ có "vấn đề nghiêm trọng về khả năng kiểm soát".

    Ông Bailey lưu ý, nếu một chiếc trực thăng gặp sự cố kỹ thuật nghiêm trọng giữa chuyến bay, nhiệm vụ đầu tiên của phi công là “giữ cho máy bay tiếp tục bay, sau đó là liên lạc”.

    Ông Bailey nói thêm: “Về cơ bản, chúng tôi không thấy bất kỳ thông tin liên lạc nào, có lẽ do phi công quá tập trung vào việc hạ cánh trực thăng hoặc giữ nó bay trên bầu trời”.

    Nhà phân tích cũng giải thích: “Rất có thể cánh quạt ở đuôi đã bị đứt ra sau khi cánh quạt chính va vào đuôi”.

    Ông cho biết, điều này có thể là do lực khí động học được tạo ra khi phi công đang điều khiển để hạ cánh trực thăng hoặc có thể do vấn đề kỹ thuật.

    Ông nói, một khả năng khác là cánh quạt đuôi bị hỏng.

    “Nếu chúng ta thấy chuyển động xoắn ốc trong đó máy bay trực thăng quay 360 độ, theo chiều kim đồng hồ hoặc ngược chiều kim đồng hồ, điều đó có thể cho thấy cánh quạt ở đuôi bị hỏng và trực thăng sẽ mất kiểm soát”.

    Theo ông Bailey, điều kiện thời tiết bất lợi và địa hình đồi núi cũng có thể góp phần gây ra vụ tai nạn chết người.

    Chiếc trực thăng bị rơi là trực thăng Bell 212 do Mỹ sản xuất.

    Hãng Bell Helicopter (nay là Bell Textron) đã phát triển loại trực thăng này vào cuối những năm 1960 như một bản nâng cấp chiếc UH-1 Iroquois của quân đội Canada.

    Thiết kế mới sử dụng hai động cơ trục tuabin thay vì một, mang lại khả năng chuyên chở lớn hơn.

    Theo tài liệu huấn luyện của quân đội Mỹ, trực thăng ra mắt vào năm 1971 và nhanh chóng được cả Mỹ và Canada sử dụng.

    Trực thăng được thiết kế để chở các thiết bị và hàng hóa chữa cháy trên không cũng như để chở vũ khí.

    Chiếc trực thăng đặc biệt này đã được cấu hình lại để chở 15 người, bao gồm một phi công.

    Các lệnh trừng phạt đã gây khó khăn cho Iran trong việc mua các bộ phận hoặc máy bay mới.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/nghi-van-nguyen-nhan-khien-truc-thang-cho-tong-thong-iran-roi-a425339.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan