Theo thông tin từ hãng tin RT, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova mới đây cho biết, nước này có cả kho biện pháp đối phó rộng rãi về chính trị cũng như kinh tế để ứng phó với khả năng bị tịch thu tài sản đang bị đóng băng ở phương Tây.
Bà Zakharova chỉ ra rằng Nga có một lượng tiền và tài sản “đáng kể” của phương Tây thuộc thẩm quyền của mình. Do đó, các biện pháp đối phó này có thể bao gồm cả việc tịch thu tài sản của phương Tây ở Nga để đáp trả.
“Tất cả những điều đó có thể dẫn đến chính sách và hành động trả đũa của Nga. Các biện pháp đối phó chính trị và kinh tế rất phong phú”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga nói với các phóng viên trong cuộc họp báo thường kỳ vừa diễn tra trong tuần này. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh Nga sẽ không tiết lộ bản chất của các hành động trả đũa.
Ngay sau khi chiến sự Nga – Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã phong tỏa khoảng 300 tỷ USD tài sản của ngân hàng trung ương Nga, phần lớn trong số đó đang được nắm giữ ở châu Âu.
Kể từ đó, Kiev và các đồng minh phương Tây đã nảy ra ý tưởng tịch thu tài sản này và sử dụng chúng để viện trợ cho chính phủ Ukraine. Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính cảnh báo rằng bất kỳ động thái nào như vậy có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng của các thể chế kinh tế phương Tây cũng như vị thế của đồng euro như một đồng tiền dự trữ toàn cầu, đồng thời sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài rút lui.
Tuần trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý chuyển một phần lợi nhuận từ tài sản của Nga đang bị phong tỏa cho Ukraine. Phần lớn số tiền này sẽ được bổ sung vào khoản viện trợ quân sự gửi đến Ukraine.
Cụ thể, EU đã thông qua một gói viện trợ mới cho Ukraine trị giá 2 tỷ USD từ quỹ của EU và 1,6 tỷ USD từ lợi nhuận của tài sản bị đóng băng của Nga. Số tiền này dự kiến sẽ được phân bổ đến Ukraine vào cuối tháng 7. 90% trong số tiền 1,6 tỷ USD sẽ dành cho quốc phòng, 10% để tái thiết.
Quan chức cấp cao EU đồng thời bác bỏ những lo ngại về tác động tiềm ẩn của động thái này đối với hệ thống tài chính toàn cầu, khẳng định khối đã thực hiện điều đó “phù hợp với luật pháp quốc tế và đảm bảo sự ổn định của thị trường tài chính”.
Theo RT