+Aa-
    Zalo

    Nam thanh niên 9X kể chuyện buôn trâu xuyên biên giới

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Gặp biến cố, mất mát lớn khi mới 16 tuổi, Nguyễn Văn Nam đã tự đứng lên và thay đổi cuộc đời bằng nghề buôn trâu.

    Gặp biến cố, mất mát lớn khi mới 16 tuổi, Nguyễn Văn Nam đã tự đứng lên và thay đổi cuộc đời bằng nghề buôn trâu. Những người như anh đang đóng góp vào nhịp sống sôi động tại khu vực buôn bán gia súc nhộn nhịp nhất Việt Nam.

    Chợ trâu bò Yasonthon tại Thái Lan.

    Biến cố cuộc đời

    Nguyễn Văn Nam (SN 1996) sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Trù Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An), nơi có truyền thống buôn bán trâu, bò nổi tiếng của tỉnh. Bố Nam và các anh cũng làm nghề buôn trâu để mưu sinh và lo cho gia đình. Từ nhỏ, Nam đã được nghe, được nghe mọi người trong gia đình kể chuyện buôn trâu, chọn trâu và tuổi thơ của cậu bé cũng chứng kiến những phiên chợ trâu bò gần nhà.

    Đến năm Nam 16 tuổi, bố đột ngột qua đời. Lúc này, cậu học sinh, một đứa trẻ vị thành niên phải đối mặt với mất mát lớn. “Bố qua đời, rồi có những sự cố phát sinh nên khiến tâm lý tôi chán nản, không còn muốn học hành gì cả. Thấy hai anh trai nối nghiệp bố cũng đi buôn trâu nên tôi gác lại chuyện học đi cùng các anh”, Nam tâm sự.

    Ban đầu, Nam theo hai anh đi đến các tỉnh lân cận rồi ra các tỉnh phía Bắc để chọn và mua trâu, học cách chọn trâu chất lượng, cách tính toán để kiếm lời. Những ngày long đong từ phố thị đến miền quê, từ đồng bằng lên miền núi đã dạy cho Nam nhiều bài học về cuộc sống. Và cũng từ đó, cậu như tạm quên đi nỗi buồn.

    Bẵng đi một thời gian, bằng những kiến thức học được từ các anh trai và nhiều lái buôn khác, Nam bắt đầu nghĩ cách tự thân vận động để làm ăn riêng. Nam cho biết, khó khăn lớn nhất của nghề buôn trâu là phải chọn được trâu khỏe, nhìn trâu phải ước lượng được bao nhiêu thịt để nhân chia tính toán có lời. “Khi nhìn con trâu thì mình phải đánh giá được tình trạng sức khỏe, cân nặng của nó rồi nhân với giá thị trường để xem giá mình mua còn lời lãi ra sao”, Nam chia sẻ.

    Nam vừa chọn được trâu ở Thái Lan. 

    Những chuyến hàng xuyên biên giới

    Khi đã nắm được kiến thức, có kinh nghiệm trong việc chọn trâu, buôn trâu, Nam đã đầu tư làm ăn lớn hơn. Nam bắt đầu tự mình đi mua trâu ở các tỉnh phía Bắc rồi bán lại cho các thương lái Trung Quốc. Nhưng không phải tất cả đều suôn sẻ. Khi việc làm ăn bắt đầu ổn định thì lại gặp khó khăn do thị trường.

    Năm 2017, khi nhu cầu thịt trâu, thịt bò tại thị trường trong nước và Trung Quốc tăng mạnh, nhiều người đổ xô đi buôn trâu, bò. Thế nhưng, do phát triển ồ ạt về số lượng nên sau một thời gian, thị trường lại đảo chiều: cung cao hơn cầu, khiến Nam cũng như nhiều lái buôn vỡ nợ vì ế ẩm. “Mỗi chuyến hàng năm đó thường bị lỗ từ 50 đến 100 triệu đồng khiến nợ nần chồng chất nên tôi phải nghỉ một thời gian dài”, Nam nói.

    Đến cuối năm 2018, thị trường trâu, bò bắt đầu ổn định lại nhưng lượng hàng trong nước không đáp ứng đủ do khủng hoảng trước đó. Lúc này, Nam bắt đầu nghĩ đến chuyện sang Lào và Thái Lan để gom hàng. Nghĩ là làm, Nam cùng nhóm thương lái khác quyết định sang nước bạn để buôn bán trâu.

    Nam cho biết, khi mới sang nước ngoài làm ăn khó nhất là ngôn ngữ, giao tiếp để làm giá. Bên cạnh đó, việc đưa trâu từ nước này sang nước khác, thủ tục hải quan cũng rất khó khăn. Thế nhưng dần dần Nam cũng học được kinh nghiệm của đàn anh đi trước để buôn bán, chuyển hàng từ bên kia biên giới về Việt Nam rồi bán cho thương lái Trung Quốc. Mỗi chuyến hàng thuận lợi, trừ chi phí thì cũng có lãi từ 20 - 30 triệu đồng.

    Đặc biệt, vào những tháng gần Tết, nhu cầu thị trường Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu tăng cao nên Nam thường sang Thái Lan từ tháng Sáu để gom hàng. Chính vì vậy, Tết cũng là thời điểm quyết định sự thắng bại của một năm làm ăn. Mỗi chuyến hàng Tết thường kiếm được gấp đôi ngày thường. “Năm 2021 là năm Tân Sửu, hy vọng con giáp này sẽ mang đến may mắn cho những người buôn trâu, lấy nghiệp theo trâu nuôi thân”, Nam nói.

    Nam kết thúc cuộc trò chuyện ngắn đúng với phong cách dân buôn chuyên nghiệp, khi chuyến xe đang chờ đưa anh sang bên kia biên giới để chuyển hàng. Hi vọng câu tục ngữ “Con trâu là đầu cơ nghiệp” của dân gian sẽ thật đúng với chàng trai đầy bản lĩnh cũng như những người dân thuần nông ở trên mọi miền quê nghèo. Hy vọng Tết này sẽ ấm, hình ảnh con trâu vàng sẽ mang đến những niềm vui, sự đủ đầy, sung túc.

    Khám phá chợ trâu bò xứ Nghệ lớn nhất

    Việt Nam Từ lâu, chợ Ú ở xã Đại Sơn (Đô Lương, Nghệ An) đã được biết đến là chợ gia súc quy mô tầm quốc gia ở Việt Nam và là chợ gia súc lớn ở Đông Nam Á. Chợ họp mỗi tháng 6 phiên vào các ngày 1, 6, 11, 16, 21 và 26. Mỗi phiên chợ có hàng nghìn con trâu, bò được mua bán, trao đổi đưa về từ các nơi trong và ngoài tỉnh, thậm chí từ Lào, Thái Lan, Myanmar... Nhiều người dân ở xa đem trâu, bò đi bán có khi xuất phát từ chiều, từ đêm rồi gửi ở nhà dân, sáng mai đưa ra chợ sớm cho kịp phiên chợ.

    Những năm qua, nhiều người dân quanh vùng Đô Lương khấm khá nhờ biết nắm bắt thị trường để mua bán trâu bò. Đặc biệt, vào mỗi dịp cận Tết, từ trung tuần tháng 12 âm lịch, chợ trâu, bò ở chợ Ú đã náo nhiệt không khí Tết. Không chỉ có thương lái là đàn ông, phiên chợ này cũng là nơi quy tụ nhiều phụ nữ là những người buôn trâu, bò “sành điệu”. Họ có thể là những người chuyên mua đi bán lại ngay tại chợ hoặc mua về vỗ béo rồi bán ở các phiên chợ sau.

    Những ngày giáp Tết Tân Sửu 2021, sẽ thật thú vị nếu được về chợ Ú xem cảnh mua bán trâu, bò để hiểu hơn không khí làm ăn tấp nập ở một chợ gia súc lớn tầm quốc gia ở xứ Nghệ.

    Văn Bình

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ Nhật (1)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nam-thanh-nien-9x-ke-chuyen-buon-trau-xuyen-bien-gioi-a352145.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan