HIV là bệnh gì?
HIV (Human Immunodeficiency Virus) là virus tấn công hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Virus HIV tồn tại nhiều nhất trong máu, tinh dịch, dịch âm đạo, sữa của người bệnh nhiễm HIV. Khi đạt đủ số lượng sẽ lây truyền bệnh từ người này sang người khác.
Ngoài ra, virus này còn có thể có trong nước bọt, nước tiểu, nước mắt hay mồ hôi. Tuy nhiên, HIV tồn tại trong những thể trên thường rất ít và không đạt đủ ngưỡng để có khả năng lây nhiễm khi tiếp xúc.
Đây được xem là cơ sở để khẳng định HIV không dễ lây truyền qua các con đường tiếp xúc bình thường.
HIV lây nhiễm qua đường nào?
- Lây truyền HIV qua đường máu:
Virus HIV có nhiều trong máu cũng như trong các chế phẩm của máu như hồng cầu, tiểu cầu, huyết tương,... Do đó, HIV có thể lây truyền qua máu và các chế phẩm của máu có nhiễm HIV.
Cụ thể:
Lây truyền HIV bằng các dụng cụ xuyên chích qua da như: Dùng chung bơm kim tiêm, kim xăm trổ, kim châm cứu, các dụng cụ xăm lông mi, xăm mày, lưỡi dao cạo râu...
Dùng chung hoặc dùng khi chưa được tiệt khuẩn đúng cách các dụng cụ phẫu thuật, dụng cụ khám chữa bệnh... có xuyên cắt qua da như các loại dao, kéo,..
Lây truyền qua các vật dụng dính máu của người khác như chung bàn chải đánh răng.
Lây truyền qua các tiếp xúc trực tiếp với máu ở khác, như bị dính máu của người nhiễm HIV vào nơi có các vết thương hở, xây xát.
Lây truyền qua truyền máu và các sản phẩm của máu hoặc ghép các mô, các tạng... bị nhiễm HIV hoặc qua các dụng cụ truyền máu, lấy máu... không được tiệt trùng đúng cách.
- Lây truyền HIV qua đường tình dục:
Bệnh HIV là một trong các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, bằng các dịch thể (máu, dịch tiết sinh dục) của người nhiễm HIV xâm nhập vào cơ thể bạn tình không nhiễm HIV.
Tất cả các hình thức quan hệ tình dục với một người nhiễm HIV đều có nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, mức độ nguy cơ lây nhiễm bệnh là khác nhau, nguy cơ cao nhất là qua đường hậu môn, sau đó qua đường âm đạo và cuối cùng là qua đường miệng. Theo đó, người nhận tinh dịch có nguy cơ lây nhiễm HIV cao hơn.
- Lây truyền HIV từ mẹ sang con:
Con đường lây nhiễm HIV từ mẹ sang con có thể xảy ra trong 3 trường hợp:
Trong quá trình mang thai, virus HIV từ máu của mẹ nhiễm HIV thông qua nhau thai để vào cơ thể của thai nhi.
Khi sinh: Virus HIV từ nước ối, dịch tử cung, dịch âm đạo của người mẹ nhiễm bệnh xâm nhập vào trẻ khi sinh qua niêm mạc mắt, mũi, hậu môn hoặc da xây xát của trẻ trong quá trình đẻ. Trong quá trình này, virus HIV có thể từ trong máu mẹ thông qua các vết loét ở cơ quan sinh dục mà dính vào cơ thể (niêm mạc) của trẻ sơ sinh.
Khi cho con bú: Virus HIV có thể lây qua sữa hoặc qua các vết nứt ở núm vú người mẹ, nhất là khi trẻ đang có tổn thương ở niêm mạc miệng.
HIV không lây truyền qua đường nào?
- Virus HIV không lây truyền qua muỗi
Muỗi có thể là nhân vật trung gian lây truyền bệnh sốt xuất huyết nhưng với HIV thì không, bởi các nghiên cứu đã cho thấy virus HIV không sống và sinh sản trong cơ thể muỗi.
Thực tế, khi bị muỗi đốt, máu từ cơ thể người đi vào cơ thể muỗi nhưng muỗi không thể quay sang cơ thể người. Chúng chỉ tiết vào cơ thể người một ít nước bọt có chứa chất chống đông máu để máu chảy được vào cơ thể muỗi. Do HIV không tồn tại và sinh sản trong cơ thể muỗi nên nó không có trong nước bọt của muỗi và không đi vào cơ thể người.
- Hôn không lây nhiễm HIV
Các nhà nghiên cứu khoa học đã phân tích thành phần các chất dịch của cơ thể và kết luận, nước bọt của người mang virus HIV chỉ có một lượng HIV vô cùng nhỏ nên không thể truyền HIV được. Hôn chỉ lây nhiễm HIV trong 2 trường hợp là cả 2 cùng bị loét, xước da ở trong miệng, chảy máu chân rǎng...
Bệnh HIV là căn bệnh nguy hiểm và hiện nay chưa có thuốc để điều trị nhưng để lây truyền được bệnh thì virus HIV phải đi vào đường máu của người đó.
Vì thế các tiếp xúc thông thường như ôm ấp, dùng chung bể bơi, ở cùng nhà, làm việc cùng nhau,.... không làm lây nhiễm HIV.