+Aa-
    Zalo

    NAFTA-TPP: Trump "bên trọng-bên khinh" hay chuyện nguyên tắc là không nguyên tắc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa làm thiên hạ bất ngờ khi quyết định không rút nước Mỹ khỏi Hiệp định mậu dịch Tự do Bắc Mỹ ký kết với Canada và Mexico năm 1994.

    Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa làm thiên hạ bất ngờ khi quyết định không rút nước Mỹ khỏi Hiệp định mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) ký kết với Canada và Mexico năm 1994.

    Ông Trump sẽ chỉ đàm phán lại với hai nước láng giềng này về NAFTA.

    Từ bên trọng, bên khinh giữa NAFTA-TPP

    Khi còn vận động tranh cử tổng thống, Trump không tiếc lời phê phán NAFTA, cho rằng NAFTA gây thiệt hại to lớn đối với Mỹ và cam kết sẽ đưa nước Mỹ ra khỏi NAFTA - tương tự như với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

    Có hiệu lực từ năm 1995, NAFTA cho tới nay vẫn là thỏa thuận mậu dịch tự do lớn nhất mà Mỹ đã từng ký kết với bên ngoài.

    Cái gì cũng đều có hai mặt của nó, tức là nước Mỹ cũng phải trả giá cho NAFTA, nhưng rõ ràng cái lợi mà thỏa thuận này đưa lại cho nước Mỹ còn lớn hơn rất nhiều và đáng kể hơn rất nhiều.

    Tất cả những ai ở Mỹ hay ở bên ngoài nước Mỹ chống NAFTA thì đều thuộc diện không hiểu biết gì về NAFTA hoặc cuồng tín chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đến mức coi mậu dịch tự do như kẻ thù. Ở đây rõ ràng có chuyện bên trọng, bên khinh.

    TPP vốn chưa có hiệu lực chính thức khi ông Trump tuyên bố Mỹ không còn tham gia Hiệp định này nữa, tức là bản thân ông và nước Mỹ chưa trải nghiệm trên thực tế TPP tác động như thế nào tới nước Mỹ, mức độ lợi và hại ra sao, cán cân giữa tích cực và tiêu cực nghiêng ngả về đâu.

    Trong khi đó, NAFTA đã có hiệu lực từ hơn một phần tư thế kỷ với sự bộc lộ ra hết và rất rõ ràng mọi thích hợp hay bất cập, lợi hay hại, tác dụng hay phản tác dụng đối với nước Mỹ. NAFTA giống như quyển sách mở trong khi TPP mới chỉ là trang giấy trắng.

    Ông Trump đang mềm với Trung Quốc, nhưng lại tỏ ra cứng rắn với các đối tác lâu năm là Mexico và Canada (Ảnh minh họa: CNN)

    Chuyện bên trọng bên khinh này còn thấy ở trên phương diện khác. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump phê trách Trung Quốc nặng nề hơn và đe dọa Trung Quốc mạnh mẽ hơn nhiều so với phê phán và dọa dẫm Mexico và Canada.

    Trong quan hệ trao đổi thương mại song phương với Mỹ, Trung Quốc xuất siêu nhiều hơn gấp vài chục lần Canada và Mexico. Hai nước láng giềng phương Bắc và phương Nam này lại vốn luôn có quan hệ hợp tác tốt đẹp và tin cậy với Mỹ chứ không xa xôi và nhiều khúc mắc như giữa Trung Quốc và Mỹ, lại gắn kết với Mỹ còn cả về lịch sử và văn hóa chứ không hoàn toàn cách biệt như Trung Quốc.

    Vậy mà bây giờ ông Trump tỏ ra rất thân thiện và tranh thủ Trung Quốc trong khi "làm găng" với Mexico về chính trị và với Canada về thương mại. Vừa mới đây thôi, Mỹ đã quyết định áp dụng thuế quan trừng phạt xuất khẩu gỗ của Canada sang Mỹ và cáo buộc Canada trợ giá mặt hàng sữa xuất khẩu sang Mỹ gây tổn hại cho kinh tế và lao động Mỹ.

    Còn Trung Quốc thì không bị Mỹ coi là thao túng tiền tệ nữa và cũng chẳng lo bị Mỹ trừng phạt thuế quan nữa. Chuyện bên trọng bên khinh này cũng còn có thể thấy giữa quan hệ của Mỹ với Trung Quốc và quan hệ của Mỹ với Nga.

    Đến "nguyên tắc là không nguyên tắc"

    Ở đây còn có chuyện trong nội bộ đội ngũ cố vấn thân cận nhất của ông Trump hình thành hai phe phái ganh đua nhau kịch liệt. Một phe do cố vấn Stephen Bannon và Peter Navarro đứng đầu chủ trương bảo hộ thương mại tối đa và triệt để. Một phía là vợ chồng cô con gái rượu của ông Trump Ivanka Trump và Jared Kushner cùng với cố vấn Gary Cohn chủ trương ngược lại.

    Trên phương diện này, ông Trump không thể bên trọng bên khinh được nên đã ngả về bên này trong chuyện này và lệch về phe kia trong chuyện khác. Hiện tượng thì như vậy. Trong thực chất, Trump tư duy và hành xử theo kiểu "nguyên tắc là không nguyên tắc", tức là không để bị ràng buộc hay chi phối bởi bất cứ tiêu chí cố định nào.

    Cam kết khi tranh cử "Nước Mỹ trước hết" của ông Trump nghe cảm nhận thấy rất cụ thể, nhưng trong thực chất lại rất chung chung, lập luận và vận dụng kiểu gì cũng được.

    Ông Trump đảo ngược thái độ đối với Trung Quốc vì cần Bắc Kinh đối phó Triều Tiên và vì đã nhận ra rằng Mỹ không thể muốn làm gì với Trung Quốc thì cũng được, với Mexico và Canada vì có nhu cầu dùng việc này để xoa dịu áp lực đối nội và vì cho rằng Mỹ có thể trịch thượng được như thế đối với hai nước láng giềng.

    Không nhất quán về nguyên tắc như thế, ông Trump có thể dễ dàng tiến thoái, hành động rồi sửa sai, nói ra rồi cải chính, nhưng sẽ rất khó gây dựng được lòng tin ở đối tác.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nafta-tpp-trump-ben-trong-ben-khinh-hay-chuyen-nguyen-tac-la-khong-nguyen-tac-a188614.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan