(ĐSPL) - Với “kinh nghiệm” hơn 1 tuần sống trong tình cảnh “khát nước sạch”, nhiều hộ gia đình đã có phương án để đối phó với việc thiếu nước.
[mecloud]vZzPJHruaU[/mecloud]
Tin tức báo Đời sống & Pháp luật đã đăng tải, ngày 13/8 vừa qua, đường ống dẫn nước sạch từ Sông Đà về Hà Nội đã gặp sự cố vỡ lần thứ 13 khiến hơn 70.000 hộ dân thuộc nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội bị ảnh hưởng.
Từ đó tới nay, nhiều khu vực vẫn đang sống trong tình trạng “khát nước sạch” khiến cuộc sống của các hộ gia đình bị đảo lộn.
Ghi nhận của PV báo Đời sống & Pháp luật, sáng 21/8, nhiều hộ gia đình sống trong ngõ 102/20 đường Pháo Đài Láng (Quận Đống Đa) vẫn phải nghĩ trăm phương ngàn kế để có nước sạch.
Với “kinh nghiệm” hơn 1 tuần sống trong tình cảnh “khát nước sạch”, nhiều hộ gia đình đã có phương án để đối phó với việc thiếu nước.
“Nồi, niêu, xoong, chậu… bất kể thứ gì có thể dùng tích trữ nước thì nhà cô đều lấy để dùng sạch. Cô cũng bảo ban các em dùng tiết kiệm nước hơn, tắm ít đi, nước sạch thì được ưu tiên dùng vào việc nấu nướng và ăn uống. Sau đó thì mới đến nước sinh hoạt.” – Bà Dung (giáo viên đã nghỉ hưu) chia sẻ về cách ứng phó với tình trạng thiếu nước.
“Nước từ nhà máy chảy tới vẫn còn rất yếu, nhiều hộ gia đình còn không có một giọt nào. Chúng tôi phải lấy máy bơm dẫn trực tiếp từ ngoài đường bơm lên bể nước dự trữ của gia đình. Nhà nào không có bể dự trữ thì đành chịu, phải xin nước của hàng xóm” – Ông Quân cho hay.
Một phương án nữa được nhiều người dân áp dụng đó là mua nước từ những chiếc xe bồn chuyên dùng để rửa đường. Tuy nhiên, giá nước từ những chiếc xe này không phải rẻ.
[mecloud]IgxM7QYoY5[/mecloud]
Theo ghi nhận, tại tổ dân phố số 20 Phương Liệt (ngõ 61 - Nguyễn Văn Trỗi - Hà Nội), người dân đã phải mua nước với giá "cắt cổ" từ chiếc xe bồn chuyên dùng để rửa đường.
Nước từ các xe téc được công ty nước sạch phát miễn phí nhưng chỉ tiện với các hộ gia đình sống gần đường lớn, bởi xe không vào được trong ngõ.
“Với các hộ trong ngõ, xách được 2 xô nước sạch từ đường lớn vào nhà thì khéo chỉ còn 1 xô, số còn lại đã bị vung vãi hết” – theo bà Dung.
Dù đã tính rất nhiều phương án để ứng phó, tuy nhiên các hộ gia đình vẫn phải “oằn mình” sống trong tình cảnh thiếu nước.
“Một hai ngày thì còn chịu được, chứ hơn 1 tuần thiếu nước như này thì không ổn. Bản thân tôi đã nghỉ hưu nên có thể ở nhà cả ngày trực chờ mua nước, lấy nước từ công ty mang đến, nhưng nhiều nhà đi làm cả ngày, tối về không có nước sinh hoạt thì làm thế nào” – Bà Dung băn khoăn.
Trước đó, ngày 19/8 vừa qua, tại buổi họp báo về tình hình nước sạch sau sự cố vỡ đường ống nước sông đà lần thứ 13, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng cho hay, các đơn vị phân phối nước sạch đã chở khoảng 200 xe téc đến những vùng còn bị mất nước trong thời gian qua.
Theo ông Lê Hồng Quân, Trưởng Phòng cấp thoát nước (Sở Xây dựng), trong thời gian tới, sự cố vỡ ống còn nhiều khả năng tiếp tục xảy ra, thời gian khắc phục có thể kéo dài cùng việc giảm áp lực tuyến ống nên sẽ ảnh hưởng đến công tác cấp nước sạch cho người dân Thủ đô.
Như vậy, trong vài ngày tới, người dân Thủ đô sẽ tiếp tục phải nghĩ thêm nhiều phương án mới để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch.
Với tình hình khan hiếm nước sạch hiện nay, phía cơ quan chức năng đề nghị bà con phải sử dụng bể chứa, có phương án dự trữ nước.
Xuân Tùng
[mecloud]nDXeFYuJUE[/mecloud]