+Aa-
    Zalo

    Muốn bán hàng rong, cơm bụi phải "đi thi"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Chủ cơ sở và người kinh doanh thực phẩm phải có kiến thức an toàn thực phẩm và phải "thi". Với quy định này, làm sao để đảm bảo tính khả thi khi đặc thù ở Việt Nam có hàng vạn hộ bán cơm bụi, hàng ngàn người bán hàng rong?

    (ĐSPL) - Chủ cơ sở và người kinh doanh thực phẩm phải có kiến thức an toàn thực phẩm và phải "thi". Với quy định này, làm sao để đảm bảo tính khả thi khi đặc thù ở Việt Nam có hàng vạn hộ bán cơm bụi, hàng ngàn người bán hàng rong?

    Người bán hàng rong cũng phải viết... "bài thu hoạch"

    Chuyện có đến mấy bộ, ngành cùng quản lý, cùng chịu trách nhiệm về một mâm cơm của người dân mà vẫn không hiệu quả lại trở thành đề tài "nóng" khi chỉ còn ít ngày nữa lại có thêm một thông tư liên tịch chính thức có hiệu lực thi hành.

    Theo Thông tư liên tịch số 13/2014 về phân công quản lý an toàn thực phẩm giữa ba Bộ là Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (có hiệu lực từ ngày 26/5), thì chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất kinh doanh sẽ phải trải qua kiểm tra kiến thức an toàn thực phẩm, phải trả lời được 80\% câu hỏi ở hai phần kiến thức chung và kiến thức chuyên ngành mới được cấp xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến quan ngại, với quy định trên, làm sao để đảm bảo tính khả thi khi đặc thù ở Việt Nam có hàng vạn hộ bán cơm bụi, hàng ngàn người bán hàng rong? Nếu những đối tượng này cũng thuộc diện phải lấy giấy xác nhận thì rất khó khả thi.

    Theo tìm hiểu của PV Báo ĐS&PL, để đáp ứng một trong những điều kiện cần và đủ, được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm thì chủ cơ sở sẽ được mời đến chính quyền địa phương học kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, theo phản ánh của chị Hương - chủ một cơ sở chuyên bán phở (phố Hàn Thuyên, Hà Nội) thì sau mỗi lớp học đó, mỗi người phải đóng 200.000 đồng. Không những thế, kiến thức được học mang tính chất "cưỡi ngựa xem hoa" nên nhiều người cũng thờ ơ với lớp học này.

    Trao đổi với PV Báo ĐS&PL, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra sở Y tế Hà Nội cho biết: "Từ một tháng nay, Chi Cục An toàn thực phẩm Hà Nội đã triển khai, tập huấn về kiến thức an toàn thực phẩm cho các cơ sở. Thực tế, từ trước đến nay, theo Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn thì chủ cơ sở, những người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm sẽ phải trải qua lớp tập huấn về kiến thức an toàn thực phẩm và kiểm tra sức khoẻ định kỳ. Đó là một trong những điều kiện cần và đủ đi kèm với các điều kiện khác (thẩm định cở sở - PV) thì cơ sở đó mới được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Với quy định tại Thông tư số 13/2014, sau một đợt triển khai, tập huấn xong thì phải có "bài thu hoạch" là hướng tới mục tiêu thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng. Nếu chưa đạt thì, chủ cơ sở kinh doanh phải học lại, thi lại cũng là bình thường".

    "Thông tư cũng nêu, chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm sẽ phải có giấy xác nhận đủ kiến thức về an toàn thực phẩm. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) sẽ là các cơ quan đầu mối, tổ chức việc cấp giấy xác nhận", ông Cường cho hay.

    Cũng theo ông Cường, việc tập huấn kiến thức, hướng dẫn cho dân biết quy định về an toàn thực phẩm; giải thích cho người dân hiểu và thay đổi hành vi để khi chế biến thực phẩm họ biết cách làm an toàn hơn. Vì lâu nay vẫn tồn tại thực tế, thực phẩm "ướp" hàn the, rau vừa phun thuốc trừ sâu hôm trước, hôm sau đã được đem bán ngoài chợ.

    Từ 26/5, người bán hàng rong phải trải qua “cuộc thi” về ATVSTP:
    Có bao nhiêu người bán hàng rong trải qua đợt kiểm tra kiến thức an toàn thực phẩm?. ảnh TL.

    Được "giấy an toàn thực phẩm" lo "giấy phép con"?

    Đại diện Cục An toàn thực phẩm cho rằng, quy định đó là giúp người kinh doanh thay đổi hành vi kinh doanh thiếu trung thực. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, quy định này không thực chất và có nguy cơ trở thành một "giấy phép con".

    Khi PV đề cập đến lo ngại sẽ nảy sinh tình trạng giấy phép con, một cán bộ thanh tra y tế cho rằng, sẽ rất khó đảm bảo đủ 100\% người sản xuất, kinh doanh thực phẩm có thi và xác nhận kiến thức. Điều đáng bàn là, hiệu quả của lớp tập huấn kiến thức đến đâu, bởi hầu hết những người tham gia đều là các bà bán phở, cơm bình dân, thậm chí bán xôi, chè,... Tuy nhiên, vị thanh tra này cho rằng,  từ việc "thi" mà nghĩ đến "giấy phép con" là cách nghĩ... tiêu cực!

    Về vấn đề này, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cũng thẳng thắn thừa nhận, sẽ rất khó đảm bảo đủ 100\% người sản xuất, kinh doanh thực phẩm tham gia tập huấn về kiến thức an toàn thực phẩm. Theo đó, các phường, xã sẽ mời người sản xuất, kinh doanh thực phẩm tham gia tập huấn chung, còn các doanh nghiệp có đông nhân viên thì giảng viên trực tiếp đến doanh nghiệp hướng dẫn về an toàn thực phẩm, rồi cấp xác nhận đã tập huấn kiến thức tập thể cho họ.

    Trao đổi với PV, TS. Nguyễn Văn Khải cho rằng, việc có thêm một văn bản dưới luật (Thông tư 13) để chấn chỉnh và kiểm soát lĩnh vực an toàn thực phẩm cũng là điều nên làm vì bản chất là để phục vụ người dân, lo cho sự an toàn trong từng miếng ăn của người dân được tốt hơn. Tuy nhiên, theo quy định Thông tư 13 sẽ bắt buộc từ ông chủ bán cơm bụi, bún ốc cho đến chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh lớn, nhỏ phải hoàn thành việc học và thi kiến thức về an toàn thực phẩm như một quy định quan trọng sẽ lại như quy định kiểu bán thịt trong tám tiếng hồ cách đây chưa lâu. Vì rằng, nếu quy định chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm sẽ phải có giấy xác nhận đủ kiến thức về an toàn thực phẩm, rồi từ đó cấm hay phạt những cơ sở chưa có loại giấy này kinh doanh thì đó sẽ là một hình thức "giấy phép con". Và, bắt buộc hàng vạn hộ bán cơm bụi, bún đậu mắm tôm vỉa hè góc chợ phải học và "thi", phải có giấy chứng nhận, thì e rằng sẽ nảy sinh tiêu cực.

    Trao đổi với báo chí, ông Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng cho rằng, cái quan trọng để quản lý an toàn thực phẩm là mô hình chuẩn nhưng Việt Nam lại  chưa có. Nếu cứ hướng dẫn chung chung, người dân rất khó triển khai. Ngay như siêu thị là khu vực dễ kiểm soát do hàng hóa đều có dán nhãn, có hóa đơn chứng từ nhưng vẫn có hàng kém chất lượng trà trộn vào. Vậy làm sao có thể kiểm soát hàng vạn cửa hàng cơm bụi, gánh hàng rong?

    Nhiều ý kiến cho rằng, đây không phải là lần đầu tiên có một văn bản trong lĩnh vực an toàn thực phẩm có nguy cơ khó khả thi khi thực hiện. Trước đó, quy định về vệ sinh thức ăn đường phố, hàng rong, quy định về cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thực phẩm đối với nhà hàng, quán ăn... cũng được triển khai nhưng vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn "nóng".   

    Tréo ngoe, "giẫm chân nhau"

    Theo quy định tại Thông tư này, cả ba bộ Y tế, Công Thương và Nông nghiệp sẽ "cát cứ riêng" những lĩnh vực mà mình chịu trách nhiệm. Nhưng, chắc chắn sẽ khó mà tách bạch được những phần việc của mình và đương nhiên rồi sẽ lại chồng chéo và "giẫm chân nhau". Ví dụ, cùng là mặt hàng rượu thì rượu bổ do bộ Y tế quản lý, rượu bia thông thường giao bộ Công Thương; hay cùng mặt hàng sữa thì sữa bổ sung vi chất là việc của bộ Y tế, còn lại giao bộ Công Thương quản lý. Và như vậy, đến lúc trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát, xử lý của từng bộ ngành sẽ theo kiểu "sư nói cũng phải, vãi nói cũng hay"!

    NGÂN GIANG

    Xem thêm clip: Ngư dân Lý Sơn quyết tâm bám biển, bảo vệ chủ quyền

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/muon-ban-hang-rong-com-bui-phai-di-thi-a32360.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan