Được cấy ghép từ những cành linh chi đỏ, chậu linh chi bon sai để làm cảnh được bán giá từ 700.000 đồng cho đến 4 – 5 triệu đồng đang được nhiều người chơi cây ưa chuộng.
Tuy có giá đắt đỏ nhưng linh chi bon sai hiện là mặt hàng bán rất chạy tại cửa hàng của anh Kỷ ở Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội). Mỗi chậu linh chi bon sai có giá dao động 700.000 - 1 triệu đồng, tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng.
Anh Kỷ chia sẻ, một lần đến thăm người thân ở Hàn Quốc, anh thấy nhiều người đặt chậu bon sai lạ trên bàn khách và trong phòng làm việc. Anh tò mò hỏi và được biết đó là loại linh chi đỏ bon sai. Vốn có sở thích cây cảnh và đầu óc kinh doanh, anh Kỷ học hỏi kỹ thuật chăm trồng và về thử nghiệm ở Việt Nam. Không ngờ, sau nhiều lần thử nghiệm, chậu cây linh chi bon sai đầu tiên cũng thành công.
Chậu linh chi bon sai có giá trên 1 triệu đồng. Ảnh: NVCC. |
“Do khí hậu Việt Nam khác biệt so với ở Hàn Quốc nên linh chi trồng ở Việt Nam lá không to ngang mà đâm thẳng, vươn lộc nhỏ. Từ đó, kỹ thuật cấy, ghép và chăm sóc cũng có sự khác biệt”, anh Kỷ chia sẻ.
Thông thường, hình dáng chậu linh chi bon sai được thiết kế theo sở thích của khách hàng. Tuỳ vào số lượng cành, độ phức tạp kỹ thuật cắt ghép mà chậu bọn sai có giá khác nhau, dao động từ 700.000 đến 1 triệu đồng, thậm chí có chậu lên đến 5 - 6 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Lan (Cầu Giấy, Hà Nội), khách hàng mua một cây linh chi bon sai giá 4 triệu đồng để làm quà biếu sếp chia sẻ: “Tôi từng có thời gian sống ở Hàn Quốc nên cũng biết về linh chi kiểng. Tuy nhiên, nó không phổ biến ở Việt Nam và hiện có giá tương đối đắt đỏ”.
Linh chi vừa là thảo dược vừa biểu tượng cho sự trường thọ, tài lộc, may mắn, sức khỏe.Ảnh: Ngọc Lan. |
Anh Kỷ cho biết, linh chi giống đắt, kỹ thuật tạo bon sai khá phức tạp nên có giá tương đối cao. Do công đoạn cắt ghép cần kỹ thuật khó nên anh Kỷ phải nhờ tới đội thợ riêng có am hiểu về giống linh chi để thực hiện. Linh chi bon sai được trồng trên những thân gỗ tạp chất, loại gỗ được chế riêng để trồng linh chi. Khi trồng khoảng 6 tháng cho đến hơn 1 - 2 năm (tùy thuộc và chế độ chăm sóc), cây mọc dài chừng 3 - 5 cm là có thể cắt để ghép thành chậu cảnh. Sau khi hoàn thiện cắt ghép, chế độ chăm sóc cũng cần tỉ mỉ và theo dõi từng ngày.
Theo chị Kim, nhân viên tại cửa hàng cho biết, sau quá trình ghép cành thì việc chăm sóc linh chi lại hết sức đơn giản. Chị tư vấn, Linh chi phù hợp hơn với phòng nhiệt độ thường nên mỗi ngày, người chơi cây chỉ phải tưới nước 3 lần: sáng, chiều và tối. Nước được phun sương lượng vừa nhỏ tập trung vào gốc cây. Ngoài ra, nếu đặt cây trong phòng điều hòa phải nên tưới nước 5 - 6 lần/ngày. Ngoài tưới nước, ngươi chơi không phải chăm bón bất cứ thứ gì khác.
Giống linh chi đắt và kỹ thuật ghép cành khá phức tạp nên có giá cao trên thị trường.Ảnh: Ngọc Lan. |
Sau khi ghép cành, linh chi phát triển rất chậm. Trung bình 1 năm chỉ mọc được 1 – 2 phân, do đó hình dáng cây ghép gần như không thay đổi. Cây càng để tự nhiên càng đẹp. Linh chi đỏ chỉ sống một thời gian nhất định, tuy nhiên, hình dáng và màu sắc cây gần như không thay đổi.
Tuy có giá đắt đỏ nhưng khách hàng mua khá đông. Theo anh Kỷ, hầu hết là những người có điều kiện, thường sử dụng để trang trí trong gia đình, phòng làm việc hoặc làm quà biếu trong những dịp đặc biệt.
Một ngày, cửa hàng bán được 2 - 3 chậu, những dịp đặc biệt gấp 2 - 3 lần bình thường. “Linh chi phát triển rất chậm, công việc cắt ghép đòi hỏi thời gian và kỹ thuật khó nên số lượng bán có hạn. Hiện tại, cửa hàng đang ra sức để chuẩn bị hàng tết do số lượng đặt đông”, anh Kỷ cho biết thêm.
Chị Phương Anh (Đống Đa, Hà Nội), một khách hàng vừa mua 2 chậu linh chi với giá 2,9 triệu đồng chia sẻ: “Linh chi vừa là thảo dược vừa biểu tượng cho sự trường thọ, tài lộc, may mắn, sức khỏe nên tôi rất thích. Ngoài mua một chậu đặt trong phòng khách, tôi cũng chọn làm món quà tặng sếp dịp đặc biệt sắp tới”.
Theo anh Thanh, một người chơi bonsai tại Thái Bình cho biết, nấm linh chi còn gọi là nấm trường sinh, là cây thuốc quý đẹp và khá độc đáo. Loại nấm này đang là thú chơi mới của những người yêu cây cảnh. Tuy nhiên, kỹ thuật cắt ghép khá phức tạp nên hiện chưa phổ biến trên thị trường.