Giữa lúc dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, đội ngũ y, bác sĩ đang chạy đua với thời gian và căng mình ứng phó, một chủng virus Corona mới, bất giác, các y, bác sĩ nhớ lại trận chiến cách đây 17 năm và nỗi ám ảnh kinh hoàng mang tên đại dịch SARS và món quà “đặc biệt” năm ấy.
Món quà đáng nhớ
Trong ký ức của PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng, Phó Trưởng khoa Virus, viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, ngày Quốc tế phụ nữ của 17 năm trước quả thực đáng nhớ vô cùng!
Bác sĩ Nguyễn Lê Khánh Hằng. |
PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng xúc động khi nhắc đến thành công bước đầu trong cuộc chiến với chủng virus Corona mới này. Nhớ lại cuộc chiến của 17 năm trước, khi viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng nhận nhiệm vụ tương tự đối với chủng virus Corona “lạ”, góp phần cùng các y, bác sĩ đẩy lui đại dịch SARS, Phó Trưởng khoa Virus chia sẻ: “Thời điểm ấy, hiểu biết về an toàn sinh học quá ít, trang thiết bị lại không được như bây giờ, mà mức độ nguy hiểm của chủng virus Corona đó còn cao hơn rất nhiều so với chủng gây ra COVID-19 này. Đứng trước một bệnh dịch lây lan qua đường hô hấp với tỉ lệ tử vong khá cao, cảm giác nghiên cứu chỉ vì ranh giới giữa sự sống và cái chết.
Nhận ra sự nguy hiểm, bác sĩ Carlo Urbani đại diện cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là một trong những người tiên phong, đi vào vùng dịch (bệnh viện Việt - Pháp) để khuyến cáo cho bệnh viện, đây là một bệnh dịch lây qua đường hô hấp và rất nguy hiểm. Ông đề nghị bệnh viện Việt - Pháp báo cáo với bộ Y tế về việc cảnh báo có thể là bệnh dịch, thậm chí phải cảnh báo toàn cầu. Cuối cùng, bản thân ông cũng bị phơi nhiễm, sau đó qua đời”.
“Chúng tôi tiếp xúc với bác sĩ Carlo Urbani vào đúng ngày 8/3, khi ông mang mẫu bệnh phẩm từ bệnh viện Việt - Pháp đến. Những mẫu bệnh phẩm hôm đó được ông gói trong một chiếc hộp bánh gato Hải Hà - Kotobuki. Ông bảo: “Đây là quà cho các chị em!”. Lúc đó, chưa ai biết được mức độ nguy hiểm của những mẫu bệnh phẩm bên trong hộp bánh. Sau đó khoảng 2 ngày, bác sĩ Carlo Urbani trở về Thái Lan, chúng tôi không nhận được thông tin gì về ông cho đến khi ông qua đời. Tức là ông đã bị nhiễm bệnh từ bệnh viện Việt - Pháp.
Đó là một ký ức đặc biệt đối với tôi! Minh chứng cho sự khốc liệt của đại dịch SARS. Bởi, bản thân bác sĩ Carlo Urbani là một nhân viên y tế kỳ cựu, một đại diện của WHO, rất nhiều kinh nghiệm, nhưng vẫn trở thành nạn nhân... Điều đó chứng tỏ, đối với những vụ dịch, cái gì xuất hiện lần đầu tiên cũng thật nguy hiểm...”, PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng nhắc đến dòng ký ức buồn.
“Cũng chính từ những kinh nghiệm quý báu trong cuộc chiến với đại dịch SARS năm 2003, chúng tôi mới có thể sẵn sàng tâm thế và nhanh chóng “bắt” được con virus Corona chủng mới gây ra dịch COVID-19 này, tạo tiền đề cho cuộc chiến khống chế dịch”, PGS. Khánh Hằng nói.
Bác sĩ Carlo Urbani. |
Và có cả những áp lực...
Theo ThS.BS Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Phó Chủ tịch hội truyền nhiễm Việt Nam, đại dịch SARS 2003 ở Việt Nam bắt đầu từ bệnh nhân người Mỹ gốc Hoa, Johnny Cheng, có biểu hiện nhiễm trùng hô hấp bình thường, nhưng bệnh viện Việt - Pháp khi ấy cũng nhận thấy biểu hiện bệnh hơi khác so với bệnh thông thường, mặc dù đã lấy mẫu xét nghiệm virus nhưng không tìm ra. Sau vài ngày, nhân viên của bệnh viện bắt đầu có biểu hiện sốt, ho, số nhân viên y tế trở thành bệnh nhân ngày một tăng. Tuy nhiên, ban đầu chưa biết đặt tên là gì, nên mới gọi là hội chứng hô hấp cấp tính nặng, hội chứng có nghĩa là chưa tìm ra nguyên nhân.
Thời điểm 2003, ông đang là Trưởng khoa Cấp cứu, viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, bệnh viện Bạch Mai (nay là bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương), vào ngày 8/3, các bác sĩ của bệnh viện Việt - Pháp đã mời ông sang hội chẩn cho y tá Nguyễn Thị Lượng. “Khi bước vào bệnh viện Việt - Pháp, các bác sĩ thông báo và chuẩn bị phòng cách ly, sử dụng quần áo bảo hộ, găng tay, khẩu trang để vào thăm khám. Sau khi hội chẩn, tôi cũng như các chuyên gia, bác sĩ khác, nhận định đây là bệnh “lạ”, từ trước đến nay chưa gặp. Hướng điều trị khi ấy là dùng thuốc kháng sinh chống bội nhiễm, dùng thuốc để hỗ trợ hô hấp và theo dõi”, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà nhớ lại.
“Ngày 10/3, tôi tuyên bố, đây có thể là một vụ dịch và xác định một điều, phải chuẩn bị sẵn sàng tinh thần có thể phải đón bệnh nhân đến chữa. Thời điểm này, Việt Nam chưa có bệnh nhân nào tử vong. Tuy nhiên, ngay lúc đó, tôi đã gợi ý trong cuộc họp giao ban với các bác sĩ phòng Cấp cứu: “Khi sang bệnh viện Việt - Pháp, tôi cảm thấy khu vực viện bí hơi, khả năng lưu thông không khí không được tốt. Nếu chúng ta tiếp nhận điều trị thì phải làm điều gì khác đi, chỉ còn cách mở cửa cho thoáng”. Kinh nghiệm đó, đến nay, lại được áp dụng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 do chủng mới của virus corona gây ra”, ông tự hào nhắc lại.
“Đến sáng Thứ Hai, sau khi giao ban, bệnh viện Việt - Pháp tổ chức một cuộc họp, thống nhất đây là bệnh dịch chưa xác định được nguyên nhân, quy mô có thể còn tăng nữa, có những bệnh nhân tiến triển nặng và chưa loại trừ khả năng có thể tử vong”, ông thuật lại.
Ngay sau đó, GS. Trần Quỵ, Giám đốc bệnh viện Bạch Mai thời điểm đó, đã chỉ đạo cho viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân. Từ ngày 11/3, bệnh viện Việt Pháp không tiếp nhận bệnh nhân đến khám. Giai đoạn đó, viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận 34 bệnh nhân, may mắn không có bệnh nhân nào tử vong tại viện.
“Cuộc chiến lúc đó quả thực cam go và khốc liệt, đặc biệt, thấy những người đồng nghiệp của chúng tôi ở bệnh viện Việt - Pháp lần lượt nhiễm dịch, có người ra đi mãi mãi, chúng tôi có chút hoang mang. Nhưng cho dù có chuyện gì, chúng tôi đã chọn ngành y, là xác định chống dịch như chống giặc, luôn phải làm hết trách nhiệm”, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà nhấn mạnh.
Thấm thoắt đã 17 năm chống đại dịch SARS trôi qua, nhưng những kỷ niệm vẫn mãi in sâu trong tâm trí ThS. Phạm Thị Ngọc Dung, nguyên Trưởng phòng điều dưỡng (hiện là chuyên gia về điều dưỡng tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) và các bạn đồng nghiệp. Với ThS. Phạm Thị Ngọc Dung, tất cả những đồng nghiệp ngày ấy tham gia phòng chống SARS, tâm trạng đều phảng phất chút ngại ngần, lo lắng xen giữa tinh thần trách nhiệm khi đứng trước người bệnh. “Giai đoạn đó, chúng tôi đã gặp không ít áp lực, biết rằng đang phải đối mặt với một dịch bệnh hết sức nguy hiểm, có nguy cơ lây nhiễm và tử vong rất cao.
Đã có rất nhiều đồng nghiệp bị phơi nhiễm, có những đồng nghiệp đã ra đi mãi mãi. Chúng tôi lại là điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân, là những người tiếp xúc trực tiếp nhiều nhất, thực hiện công tác chăm sóc bệnh nhân toàn diện, chăm sóc về chuyên môn, chăm sóc về dinh dưỡng, chăm sóc về tinh thần, và vệ sinh cá nhân cho người bệnh..., nên có nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao. Bên cạnh đó, áp lực từ phía gia đình khi người thân của họ đang phải đương đầu với sự nguy hiểm, không biết tính mạng ra sao? Có đồng nghiệp con còn chưa đầy một tuổi, có đồng nghiệp mắc các bệnh mạn tính,... nhưng tất cả vẫn không “lùi bước”. Ngoài kia, áp lực từ xã hội cũng thật đáng sợ! Mọi người xa lánh chúng tôi vì sợ tiếp xúc sẽ bị lây nhiễm. Nhiều đồng nghiệp của chúng tôi, thậm chí chồng/vợ, con cái phải nghỉ làm việc, hoặc phải nghỉ học ở nhà khi có người thân tham gia chống SARS”.
Suốt 45 ngày đêm chiến đấu với dịch SARS, là 45 ngày đêm mà nhân viên y tế và người bệnh cùng động viên nhau, giúp đỡ lẫn nhau cùng vượt qua khó khăn, áp lực, nguy hiểm.
Th.s Phạm Thị Ngọc Dung bộc bạch: “Khó khăn và áp lực là vậy, nhưng cũng không khuất phục được chúng tôi. Đội ngũ tham gia chống SARS ngày ấy đều đã xác định được trách nhiệm của mình, xác định nghề y là nghề cứu người. Chúng tôi lựa chọn làm việc trong môi trường truyền nhiễm là đã xác định phải luôn luôn đối mặt với dịch bệnh, phải tiếp xúc với các bệnh truyền nhiễm. Sau đại dịch SARS, chúng tôi cũng đã bước qua nhiều dịch bệnh có sức “tàn phá” nặng nề, lúc nào cũng trong trạng thái sẵn sàng trực chiến và hết lòng vì người bệnh. Ngay như trong giai đoạn này, đứng trước dịch COVID-19, mang sứ mệnh của một “chiến sĩ áo trắng”, những y, bác sĩ, nhân viên y tế chúng tôi, bất kể ở thế hệ nào cũng đều chuẩn bị tâm thế, đương đầu với dịch để bảo vệ sức khỏe cộng đồng”. |