Mỗi địa phương ở nước ta lại nổi tiếng với một, hoặc nhiều thức đặc sản khác nhau. Ở đất cảng Quảng Ninh, bên cạnh chả mực, bánh đa cua hay các loại hải sản tươi ngon, còn một món đặc sản nữa với cái tên nghe khá lạ tai. Ngoài ra, nó còn được người dân địa phương ví von không thua kém gì cua hoàng đế, hay gọi bằng biệt danh đặc biệt, "cua hoàng đế của Việt Nam". Thức đặc sản này chính là con cù kỳ.
Cù kỳ còn có tên gọi khác là cua cù kỳ, cùm cùm hay cua đá, một loại cua biển có hai càng rất to, chân có nhiều lông, thịt săn chắc và rất thơm ngon. Loài này phân bố ở những vùng biển ấm như Malaysia, Indonesia.
Tại Việt Nam, cua cù kỳ có nhiều ở Quảng Ninh và Khánh Hòa. Sở dĩ có tên cù kỳ là bởi chúng có chiếc mai to, đôi chân co rúm lại và di chuyển rất chậm chạp, trông có vẻ kỳ lạ hơn các loại cua biển khác.
Theo báo Dân việt, loài cù kỳ có thể dễ dàng được nhận ra bởi mai màu nâu, mắt màu xanh lá cây sáng và hai càng rất to. Chúng sống trong khe đá, mảnh gỗ dọc theo các vách đá bờ biển và rừng ngập mặn, cũng như trong vỏ trai, trang trại nuôi trồng thủy sản, nhà bè và đê chắn sóng.
Cù kỳ rất chậm chạp, bám vào đá rất chắc chắn, chúng có thể phát triển đến kích thước lớn (chiều rộng lên đến 12cm), ăn các loài phù du, giáp xác nhỏ và là loài gây hại ở các trang trại nuôi trồng vẹm xanh.
Cù kỳ là món hải sản độc lạ và thơm ngon bậc nhất trong ẩm thực đặc sản Cô Tô. Cũng chính bởi vậy mà thương lái đã mang cù kỳ sang các tỉnh lân cận để buôn bán, nhưng phần lớn phải chế biến qua. Nhưng thứ hải sản này có cái lạ là khó bảo quản lạnh, lại nhanh hỏng, muốn ăn cù kỳ tươi nguyên, không có cách nào khác là hãy đến vùng biển Cô Tô.
Những người đã thưởng thức cù kỳ nhận xét, thịt cù kỳ tuy không ngọt như thịt cua, song có thể nói là ngon hơn ghẹ, giá cù kỳ lại rẻ, vì vậy được ưa chuộng. Theo khảo sát, với cù kỳ nhỏ, 1kg thường được khoảng 9 con, thì có giá từ 90.000 - 110.000 đồng/kg. Còn với cù kỳ to, 1kg được khoảng 5-6 con thì có giá 120.000 - 170.000 đồng/kg. Với cù kỳ lông, thân chúng nhiều lông hơn cù kỳ thường và hiếm hơn, khó đánh bắt hơn, giá cũng thường cao hơn, dao động từ 200.000 - hơn 300.000 đồng 1kg từ 3-5 con, theo báo Tổ quốc.
Là một trong những địa phương ở nước ta có thể dễ dàng bắt gặp cù kỳ nhất, ở Quảng Ninh, người ta chế biến cù kỳ thành nhiều món ăn khác nhau và tạo đó thành thức đặc sản không thể không thử khi ghé thăm nơi đây. Nổi tiếng và phổ biến nhất chính là món bún cù kỳ.
Theo chia sẻ từ những người dân bản địa, bún cù kỳ bắt nguồn từ những người dân làng chài ở Quảng Ninh. Họ đánh bắt được nhiều cù kỳ, thay vì đem nướng hay hấp, họ nhận thấy cù kỳ nhiều gạch, hoàn toàn có thể nấu thành món bún tương tự như bún riêu. Món bún cù kỳ thực sự hấp dẫn thực khách với mảng màu tươi non của những cọng hành, màu hồng đậm của con cù kỳ và xanh đậm của những miếng chả lá lốt xếp đều trên mặt tô bún trắng.
Với món cù kỳ sốt me, thích hợp dành cho những buổi nhâm nhi nhậu nhẹ bên biển. Thịt cù kỳ bỏ lớp vỏ bên ngoài hoặc xé nhỏ được sốt với các loại gia vị. Khi nhân viên bưng bát cù kỳ sốt me khiến bất cứ thực khách nào ngồi quanh cũng phải xuýt xoa. Những miếng thịt cù kỳ hòa quyện với nước sốt đủ vị chua, cay, mặn, ngọt được ăn kèm với mẩu bánh mì thì còn gì hoàn hảo hơn.
Anh Hoàng Anh (một người dân chuyên đi săn cù kỳ để bán cho thương lái) chia sẻ, cù kỳ ngon nhất vào tháng 3-4, lúc đó cù kỳ mang gạch (trứng), thịt chắc, dày. Tới tháng 5-6 là mùa sinh sản mạnh nhất, cho đến tháng 8, khi bắt đầu có gió mùa, cù kỳ chui sâu vào hang đá, ít chịu ra kiếm ăn. Không giống như con ghẹ chuyên kiếm ăn dưới bùn, thức ăn của loài cù kỳ là những con hà sống bám vào tảng đá.
Sau khi khai thác, cù kỳ được phân loại, con to, mình chắc được các thương lái thu mua với giá 150.000 đồng/kg. Con nhỏ hơn có giá khoảng 120.000 đồng/kg. Đến mùa, mỗi ngày thả lưới, anh Hoàng Anh thường thu về 7-10 kg cù kỳ, kiếm khoảng 1 triệu đồng. Anh nói: “Con cù kỳ đã nuôi sống gia đình em 6 năm nay. Nghề này dễ kiếm, nhưng không phải ai cũng làm được bởi nặng nhọc, vất vả vô cùng”.