Tạp chí Nhà đầu tư dẫn thông tin thời sự mới nhất từ Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tính đến thời điểm hiện tại, tiến độ thi công đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP.Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội đã đạt 99,54%. Công tác xây dựng và lắp đặt thiết bị tại 8 ga trên cao của dự án đã hoàn tất.
Ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, cho biết, hiện tại tất cả gói thầu thành phần của dự án đã hoàn thành trên 99%.
"Các công tác thi công còn lại chủ yếu là thử nghiệm, test các hệ thống thẻ vé, hệ thống kỹ thuật của nhà ga cũng như test toàn bộ công tác vận hành đoàn tàu. Cuối cùng là các bước như phê duyệt phòng cháy chữa cháy, phê duyệt van an toàn hệ thống,… thì chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo nhà thầu hoàn thiện theo các yêu cầu của cơ quan chức năng. Và chúng tôi hy vọng tuyến này sẽ được đưa vào khai thác sớm nhất để phục vụ người dân theo đúng kế hoạch", ông Hiếu thông tin.
Liên quan đến việc đưa dự án đi vào vận hành thương mại, theo đại diện Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, hiện đơn vị đã lập kế hoạch chi tiết, cụ thể, cố gắng bám sát mốc thời gian theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là đưa dự án vào khai thác cuối năm 2023. Tuy nhiên, các mốc thời gian có thể được điều chỉnh dựa vào kết quả đánh giá làm sao khi dự án đi vào vận hành phải đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thi, Trưởng phòng Quản lý dự án 1 (BQL dự án Đường sắt đô thị Hà Nội), song song với việc kiểm tra, đánh giá các vấn đề về an toàn hệ thống của tuyến thì hiện tại, MRB cũng đang có chương trình đào tạo cho toàn bộ nhân viên điều hành nhà ga.
"Sau khi hoàn thành 2 nội dung chính này, chúng tôi sẽ tiến hành vận hành thử, sau vận hành thử khoảng 8 tuần thì chúng tôi sẽ đưa ra kết luận cuối cùng trước khi đưa vào vận hành chính thức. Dự kiến tháng 12 năm nay chúng tôi sẽ đạt được chứng chỉ đánh giá an toàn hệ thống của tư vấn Pháp, sau đó mất thêm 8 tuần vận hành thử nữa.
Tiếp theo, các bộ, ngành, đơn vị thứ 3 sẽ đưa ra quyết định cũng như ký biên bản nghiệm thu cuối cùng trước khi vận hành theo quy định của pháp luật Việt Nam. Như vậy, dự kiến khoảng tháng 4/2024, chúng tôi sẽ đưa đoạn trên cao vào vận hành thương mại", ông Thi nói thêm.
Theo chuyên trang Giáo dục Thủ đô, Dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km, đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm, trong đó đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5 km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - ga Hà Nội) dài 4 km. Dự án được khởi công từ năm 2009.
Dự án nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao nằm trên dải phân cách đường bộ, được hỗ trợ bằng 572 phiến dầm hình chữ U làm bằng bê tông cốt thép dự ứng lực. Những phiến dầm này có chiều dài 25 mét, chiều rộng 5,2 mét, với trọng lượng lên đến 157 tấn.
Hành khách có thể tiếp cận nhà ga trên cao bởi 4 lối lên xuống từ 4 hướng trên vỉa hè ở hai bên đường. Hệ thống thang bộ, thang cuốn và thang máy tiện lợi cho cả người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và trẻ em.
Hệ thống thu vé được lắp đặt hoàn thiện tại tầng trung chuyển của 8 ga trên cao.
Tên gọi chính thức của 8 nhà ga được đặt theo vị trí địa lý mà tuyến đi qua, bao gồm: Ga Nhổn, Ga Minh Khai, Ga Phú Diễn, Ga Cầu Diễn, Ga Lê Đức Thọ, Ga Đại học Quốc gia, Ga Chùa Hà, Ga Cầu Giấy. 4 ga còn lại như: Ga Kim Mã, ga Cát Linh, ga Văn Miếu, ga Hà Nội vẫn đang được triển khai.
Vân Anh(T/h)