(ĐSPL) - Là lao động tự do nhưng Hồng luôn khoe khoang có nhiều mối quan hệ rộng, có thể xin được vào ngành Công an.
Theo báo An ninh thủ đô, ngày 21/12, chỉ huy Phòng CSKT, CATP Hà Nội cho biết, đơn vị đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Bích Hồng (SN 1985, trú ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội), về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đối tượng Nguyễn Thị Bích Hồng khi bị bắt quả tang khi đang viết giấy, nhận tiền của bà Nguyễn Thị L - Ảnh: báo ANTĐ |
Báo Công an nhân dân thông tin, trước đó, tổ công tác thuộc cơ quan này đã bắt quả tang Nguyễn Thị Bích Hồng tại quán cà phê trên phố Nguyễn Khánh Toàn, quận Cầu Giấy, khi Hồng đang nhận số tiền 39,5 triệu đồng của bà Nguyễn Thị L., trú tại Yên Lạc, Vĩnh Phúc để xin cho con bà L. vào ngành Công an.
Khám xét khẩn cấp nơi ở của Hồng, còn thu giữ 13 bộ hồ sơ xin việc cho các cá nhân vào ngành Công an và các ngành khác; nhiều mẫu hồ sơ xin việc, xin đi học và nhiều sổ tay, giấy biên nhận, chứng từ chuyển tiền liên quan đến việc lừa đảo xin việc của Hồng…
Mặc dù chỉ là lao động tự do, không có chức năng tuyển dụng người vào ngành Công an, nhưng Hồng đã dùng thủ đoạn tạo dựng lòng tin với nhiều người là có mối quan hệ rộng, có thể xin được vào ngành Công an và một số ngành khác. Bằng cách này, Hồng khai nhận đã nhận 950 triệu đồng của 2 bị hại là bà Nguyễn Thị L. và bà Lê Thị Minh H., đều trú tại tỉnh Vĩnh Phúc để xin cho con cháu bà L. và bà H. vào ngành Công an.
Ngoài ra, trong máy tính xách tay và điện thoại di động của Hồng còn chứa danh sách 28 cá nhân ở nhiều tỉnh thành phố đã nộp hồ sơ và tiền cho Hồng để nhờ xin việc.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đang điều tra mở rộng, làm rõ hành vi lừa đảo của Nguyễn Thị Bích Hồng.
Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ năm 2009): 1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.” Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)