Sâm giúp bao người đổi đời, biến kẻ chân đất thành đại gia. Món lợi từ núi rừng khiến bao kẻ sẵn sàng bán mạng đi săn lùng. Cũng lắm kẻ ma lanh chọn đường trộm cắp. Và rồi, để bảo vệ “núi vàng”, những đại gia Ngọc Linh lập nên trận địa các loại bẫy. Được những lão làng bản địa dẫn đường, PV đã “đột nhập” trại sâm bí mật, cheo leo trên đỉnh Ngọc Linh.
Rùng mình liên hoàn bẫy
Cái nóng rát tháng Năm phả vào mặt chúng tôi. Núi rừng Trà My cũng khô khốc. Đoàn người nhễ nhại cố bươn lên ngọn núi làng Tắk Ngo ở xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, nơi bạt ngàn rừng sâm đang chờ đón. 10h trưa, đoàn người mới ở lưng chừng núi Tắk Ngo, xung quanh cây cối rậm rạp bí hiểm. Chúng tôi cố dò dẫm nhích đôi chân mệt lừ theo chân già Hồ Văn Suốt (70 tuổi) trú xã Trà Linh. Ở cái tuổi cao niên, nhưng già Suốt vẫn thoăn thoắt như con sóc của rừng.
“Đi rừng là chuyện dễ. Nhưng đi rừng Ngọc Linh, đi lên các khu rừng sâm đó mới là cái khó”, già Suốt lên tiếng nhắc nhở.
“Dừng lại!!!”, tiếng già Suốt thét lớn khiến tôi khựng người. Mặt tôi lộ rõ sự sợ sệt, căng thẳng. Từ đầu đoàn, ông chẳng nói chẳng rằng tiến lại gần. Trong đầu tôi mông lung lo lắng phải chăng mình vừa phạm phải một điều luật nào đó của núi rừng. Tôi sẽ bị trách phạt, sẽ bị đuổi xuống núi chăng?
Bẫy chông được cắm bạt ngàn trên đường lên rừng sâm bí mật. |
“Cẩn thận chứ! Cái hầm chông kia kìa”, giọng già Suốt ngắt đôi mạch suy nghĩ. Tôi liếc mắt theo tay của già Suốt nhìn về đám lá rừng phía trước mặt. Đám lá khô trên hoàn toàn không có gì đặc biệt cho đến khi già Suốt quơ tay vào. Sau đám lá khô lộ rõ một hầm chông nhọn chi chít. Cũng không cần già Suốt phải chỉ thêm, tôi mường tượng ngay, chỉ cần bước thêm 5, 7 bước nữa thôi sẽ sập bẫy. Những mũi chông nhọn hoắt sẵn sàng xuyên thấu tất cả mọi thứ.
Rùng mình lấy lại tinh thần, tôi xin lỗi già Suốt vì tự ý rẽ sang con đường bên cạnh, không tuân thủ sự chỉ đường của già. Và rồi đoàn lại tiếp tục đi lên cao. Sau màn “cảnh cáo” đúng nghĩa, chúng tôi căng mắt quan sát, không chút lơ đễnh. Con đường dẫn lên trại sâm bí mật quả thực không đơn giản chỉ là rừng núi cheo leo, nguy hiểm mà đó còn là những cạm bẫy “thiên la địa võng”.
Phải nhờ sự chỉ dẫn của già Suốt, chúng tôi mới phát hiện ra nó. Bẫy chi chít khắp nơi, bẫy giăng đầy đất, bẫy muôn hình vạn trạng. Những trận địa bẫy, ma trận chông thò, liên hoàn chông cắm giăng mắc khắp nơi. Trong đó, nguy hiểm nhất là bẫy chông. Chông được vót từ nứa, sắc lẹm sẵn sàng xé toạc đôi chân hoặc tước đoạt tính mạng bất cứ ai lỡ sa vào. Chông được cắm thành từng hố rồi phủ lá lên ngụy trang. Chông được găm tràn lan, bạt ngàn không theo bất cứ quy tắc nào trên đường đi, lối mòn.
“Loại bẫy chông này gây sát thương cao. Nếu giẫm phải chông đâm thấu bàn chân. Bẫy chông dùng để bắt kẻ gian vào rừng sâm”, già Suốt giải thích.
Theo quan sát của chúng tôi, không chỉ bẫy chông, các loại bẫy thò, bẫy bật cũng xuất hiện khắp nơi. Đáng sợ nhất phải kể đến bẫy thò. Đây là loại bẫy đơn giản dùng thanh nứa uốn cong làm lực bắn nên khi bị tên găm vào người nạn nhân rất khó sống. Người dân chỉ dùng loại bẫy này để săn bắt thú rừng.
Vượt qua ma trận bẫy, chúng tôi lên cao hơn. Khu rừng sâm trồng bí mật mờ ảo ẩn hiện sau 4 lớp lưới B40 rào chặt. Tại đây, nhiều cán bộ trại sâm đang làm việc. Cả rừng sâm nơi đỉnh núi hiện ra trước mắt. Sâm mọc thành hàng, chen chúc dưới tán cây lớn. Cố lặng người chúng tôi nghe mùi sâm thơm thoảng giữa đại ngàn.
Máu và nước mắt người trồng sâm
Dẫu có liên hoàn bẫy chống “sâm tặc”, nhưng thực tế cuộc chiến bảo vệ sâm của người dân làng Tắk Ngo gian nan hơn rất nhiều. Họ phải thâm quầng đôi mắt canh sâm mỗi đêm. Cũng có người vô tình giẫm đúng bẫy của mình. Có người gào khóc khi sâm bị trộm. Để thành đại gia từ sâm họ phải đánh đổi cả máu lẫn nước mắt.
Để bảo vệ vườn sâm của mình, những đại gia Ngọc Linh phải đánh đổi bằng cả máu và nước mắt. |
Theo một cán bộ trại sâm xã Trà Linh, hàng loạt bẫy chi chít ấy nhiều lúc vẫn vô nghĩa trước những “sâm tặc” tinh ranh. “Bởi 1kg sâm trồng từ 6 năm tuổi trở lên có giá hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Nhiều kẻ bất chấp tính mạng đột nhập vào trại sâm, vào những vườn sâm được đặt chông, bẫy. Những kẻ này thừa hiểu sự nguy hiểm nhưng vẫn liều mạng đi nhổ trộm”, vị cán bộ này nói.
Đơn cử chẳng đâu xa. Tháng 3/2017, Công an huyện Nam Trà My đã bắt giữ một loạt đối tượng nhổ trộm hơn 500 gốc sâm của một người dân ở xã Trà Linh này. Đáng buồn thay, kẻ cầm đầu nhóm lại là một cán bộ của ban Quản lý Rừng phòng hộ Sông Tranh tên Phan Quốc Duân (28 tuổi), trú xã Trà Dương, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Là cán bộ, Duân được phân công nhiệm vụ bấm tọa độ, vẽ sơ đồ, cắm mốc khu vực rừng phòng hộ ở hai xã Trà Linh và Trà Nam (huyện Nam Trà My). Bấy lâu lăn lộn với núi rừng Duân hiểu rõ hơn ai hết đường đi, nước bước các trại sâm. Hiểu hết các loại bẫy của người dân. Đêm đến, Duân lẻn vào nhổ trộm khoảng 500 gốc sâm, ước tính hơn 300 triệu đồng. Theo lời Trung tá Nguyễn Xuân Thìn, Phó trưởng Công an huyện Nam Trà My, chỉ tính riêng xã Trà Linh từ năm 2014 đến nay đã xảy ra 8 vụ trộm sâm, thiệt hại cho người dân lên đến cả tỷ đồng.
“Nào phải chuyện trộm sâm không đâu. Người trồng sâm trên đỉnh Ngọc Linh hết chống kẻ gian bất chấp nguy hiểm thì lại khốn khổ vì lũ chuột”, anh Hồ Văn Toán, công nhân trại sâm Trà Linh thở dài. Chuột, được người dân bản địa quen gọi là “chuột sâm”. Chống người trộm sâm khó 1 chống lũ chuột khó 10. Có trại sâm chỉ trong 1 đêm chuột cắn sạch, phá nát cơ nghiệp.
Cuộc chiến với loài “chuột sâm” này còn liên quan đến những bí mật của núi rừng. Anh Toán tiết lộ, “chuột sâm” là loại chuột rất lạ, không giống lũ chuột ở đồng bằng ăn lúa, sắn, bắp, đậu. Lũ chuột núi Ngọc Linh chỉ ăn một loại duy nhất là sâm Ngọc Linh. Chúng tàn phá từ củ, cây, cành, lá... của sâm. Việc bảo vệ vườn sâm khỏi chuột rừng là vô cùng khó khăn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bao nhiêu năm qua, để ngăn chặn, bắt loài chuột tinh khôn này bà con vẫn dùng những biện pháp thủ công. Người dân dùng bẫy đặt vào rừng sâm, dưới những hốc đá, cành cây, khu vực chuột ẩn nấp, đường chuột chạy để bắt. Tuy nhiên, trải qua thời gian dài, loài chuột cũng dần tinh khôn hơn. “Chuột sâm” biết né bẫy, tiếp tục đi phá.
“Chỉ bực mình là chúng phá hoại quá khủng khiếp chứ loài chuột là một đặc sản ở vùng sâm này đấy”, một người dân cho biết. Cũng theo lời người này, có thời điểm xuất hiện các loại thuốc hóa học, sinh học để diệt chuột. Tuy nhiên, cách làm này nhanh chóng bị người dân phản ứng, lên án. Bà con không đồng tình và cho rằng điều này sẽ gây hại đến núi rừng. Người dân chấp nhận thức trắng đêm, chia nhau canh giữ để bảo vệ tài sản của mình thay vì những cách làm như vậy.
Đặt máy báo động chống đột nhập Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng trại sâm gốc Tắc, Ngo, trung tâm Sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My thông tin, ngoài những biện pháp thủ công như đặt bẫy và canh giữ trại sâm, mới đây, đơn vị đã bắt đầu đầu tư, lắp đặt các loại máy báo động hiện đại. Khi có người đột nhập máy sẽ báo hiệu cho công nhân biết. |
Huy Cường - Nhâm Thân