Tạo ra nhiều giống mới cho năng suất, chất lượng cao, ứng dụng rộng rãi trên thị trường, các doanh nghiệp Việt đang chứng tỏ sự lớn mạnh của mình trong việc lai tạo, sản xuất và kinh doanh giống.
Lương công nhân giống bằng viện trưởng
Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình (TSC) là một trong những DN sống tốt và giàu có nhờ làm giống. Những giống lúa mà TSC nghiên cứu, chọn tạo cho năng suất cao, chất lượng gạo thơm ngon được trồng rộng rãi, chiếm đến 60\% diện tích lúa của cả tỉnh Thái Bình.
Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc TSC, khoe rằng, nếu doanh thu của công ty năm 2013 là 35 tỷ đồng thì năm nay, con số này dự kiến đạt 400 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2003 mới 4,8 triệu đồng thì 10 năm sau, con số này lên tới 60 tỷ đồng. Năm ngoái, TSC nộp ngân sách hơn 20 tỷ đồng. Thu nhập của lao động tại công ty trung bình đạt hơn 10 triệu đồng/tháng, cao hơn cả lương của viện trưởng một viện nghiên cứu về cây lương thực thực phẩm (khoảng 8 triệu đồng).
Là một tập đoàn chuyên sản xuất tôm giống, ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Điều hành Tập đoàn Việt - Úc, cho hay, 7-8 năm nay, ngành thủy sản chưa sản xuất được giống gì mới, nhất là giống tôm thẻ chân trắng. Trong khi, tôm chân trắng chiếm hơn một nửa trong số 4 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam năm nay.
Kinh phí đầu tư cho nghên cứu và chuyển giao KH-CN trong nông nghiệp mới được khoảng 0,21\% GDP nông nghiệp. Hiện tại, nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân chỉ đáp ứng khoảng 55-60\% so với nhu cầu. |
Vì thế, công ty tập trung vào sản xuất con tôm giống, cung cấp 15 tỷ con tôm post trong năm nay, chiếm 22\% tổng sản lượng tôm thẻ chân trắng giống ở Việt Nam. Hiện Việt - Úc đang đầu tư nghiên cứu, lai tạo về tôm giống bố mẹ, mà thế giới mới có Đài Loan, Hawaii (Mỹ), Thái Lan sản xuất được, nhằm nâng tầm vị thế ngành tôm Việt Nam.
Ông Hàng Phi Quang, Tổng giám đốc Giống cây trồng miền Nam, cũng cho hay, năm nay, công ty này dự kiến đạt doanh thu 700 tỷ đồng, trong đó hoạt động ươm tạo khoa học đóng góp tới 60\% doanh thu. Với 5 nhà máy chế biến hạt giống gắn liệu với vùng nguyên liệu, hàng năm công ty cung cấp 15.000-16.000 tấn hạt giống ra thị trường và xuất khẩu sang các nước trong khu vực.
Đó là những doanh nghiệp điển hình thành công trong lĩnh vực lai tạo, sản xuất và kinh doanh giống trên cả nước. Tại Hội nghị công tác giống cây trồng, vật nuôi, diễn ra ngày 5/12, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng, vai trò của doanh nghiệp trong lĩnh vực giống ngày càng nổi bật, không chỉ nhân giống mà chọn tạo giống. Chẳng hạn, trong hơn 100 giống lúa thì có tới 61 giống là của doanh nghiệp. Lượng giống của doanh nghiệp trên đồng ruộng cũng cao.
Sớm công nghiệp hóa ngành giống
Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận xét, Việt Nam nghiên cứu đưa ra nhiều loại giống, nhưng ít giống có điểm đột phá, có đặc tính vượt trội.
Hơn nữa, việc sản xuất giống chậm được công nghiệp hóa và chuyển giao vào thực tế cho người dân. Những giống đạt tiêu chuẩn, xác nhận thấp. Tại ĐBCSL, mới có 30\% diện tích lúa sử dụng giống xác nhận, còn 70\% người dân vẫn dùng giống tự mình để dành.
Ngoài ra, Bộ trưởng Phát chỉ rõ, trong lĩnh vực giống, Việt Nam chậm áp dụng công nghệ sinh học. Công tác quản lý nhiều bất cập, quy trình phức tạp, kém hiệu quả.
Tại hội nghị, ông Đặng Quốc Tuấn kiến nghị, Nhà nước cần tạo điều kiện về chính sách để Việt Nam phát triển 8-10 tập đoàn hàng đầu về kinh doanh giống để nâng cao khả năng cạnh tranh, đồng thời tạo sân chơi lành mạnh cho các DN bằng cách đưa ra những chuẩn mực theo nhu cầu của thị trường để các công ty phải tự đáp ứng. Theo ông Trần Mạnh Báo, công nghiệp hóa ngành giống là xu hướng tất yếu, bởi doanh nghiệp nước ngoài quản trị tốt, công nghệ tốt, trình độ cao lại làm thương hiệu giỏi, nếu Việt Nam không nâng cao chất lượng sản phẩm dễ bị thua thiệt.
Hơn nữa, Pháp lệnh về Giống cây trồng ra đời đã 10 năm nay, bị nhiều luật khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai chi phối nên cần sớm sửa đổi và lâu dài cần nâng lên thành luật.
Bộ trưởng Cao Đức Phát đồng tình và cho rằng, cần sớm đổi mới, hướng tới chọn tạo giống có năng suất, chất lượng vượt trội ở tầm quốc tế, hạn chế nhập khẩu giống thương phẩm từ nước ngoài. Đồng thời, xây dựng các chương trình nghiên cứu dài hơi. Các địa phương chấn chỉnh ngay công tác quản lý giống; đổi mới trung tâm giống; hỗ trợ đắc lực cho các DN.
“Sắp tới, Bộ sẽ kiến nghị sửa đổi Pháp lệnh giống cây trồng, nghị định, thông tư và các tiêu chuẩn liên quan để các thành phần kinh tế tham gia, giảm đến mức tối thiểu rủi ro do luật pháp gây ra”, Bộ trưởng nói.