Về việc bổ sung quy định liên quan đến lương và các khoản có tính chất lương đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN), ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, điều này không cần thiết.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư xung quanh những kiến nghị mới đây về việc bổ sung quy định liên quan đến lương và các khoản có tính chất lương đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vào Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó tổng giám đốc công ty cổ phần Thép Việt - Đức, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, điều này không cần thiết.
- Cho đến thời điểm này, vẫn có ý kiến lo ngại rằng, nếu Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) không bổ sung quy định cụ thể về lương và các khoản có tính chất lương đối với DNNN, có thể sẽ có khoảng trống trong các quy định pháp lý về vấn đề này, thưa ông?
- Thực tế, một số người lo ngại, nếu không khống chế thì lãnh đạo DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước có thể tự trả lương cho mình và cho một số ít người “thân cận” với mức thu nhập khủng, là một trong những hình thức tham ô, tham nhũng.
Tôi cho rằng, tư duy này cũ rồi, không còn phù hợp vì không khuyến khích được lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động cống hiến, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.
Hiện nhiều doanh nghiệp phải trả lương cho chuyên gia, nhân viên kỹ thuật nước ngoài với mức rất cao, kèm thêm nhiều chế độ ưu đãi khác. Vậy tại sao lại khống chế tiền lương trả cho người Việt có kinh nghiệm, trình độ, kỹ năng, kỹ xảo, năng suất, hiệu quả tương đương chuyên gia, kỹ thuật viên nước ngoài?
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó tổng giám đốc công ty cổ phần Thép Việt - Đức, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. |
Cần phải thay đổi tư duy trả lương, thu nhập và chế độ đãi ngộ cho người lao động trong khu vực DNNN theo nguyên tắc lương phải trả theo năng lực, theo hiệu quả công việc và không nên khống chế trần mức lương.
- Nhưng để DNNN tự trả lương, ông có lo ngại quỹ lương phình to, thu nhập doanh nghiệp giảm, đóng góp vào ngân sách giảm?
- Trong trường hợp người lao động được hưởng lương cao, thì họ phải đóng thuế thu nhập cá nhân, nên ngân sách vẫn thu được thuế, chứ không mất đi. Hơn nữa, DNNN còn bị điều chỉnh bởi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh cũng được Quốc hội thông qua ngày 26/11. Theo đó, DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước phải hoàn thành các tiêu chí như tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA), nộp ngân sách nhà nước, tăng trưởng, doanh thu, lợi nhuận… ở mức độ nào mới được chi lương bao nhiêu, chứ không tự tung, tự tác được.
Chúng ta đang chuyển đổi theo cơ chế thị trường, thì việc trả lương cũng phải theo cơ chế thị trường trên nguyên tắc làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít; lương trả theo năng suất lao động, hiệu quả công việc, năng lực làm việc của từng cá nhân, chứ không được cào bằng, và càng không được khống chế.
- Tuy nhiên, nhiều người vẫn suy luận rằng, DNNN đạt hiệu quả cao, lợi nhuận lớn là do được hưởng đặc quyền, đặc lợi, được hưởng nhiều chính sách ưu tiên, ưu đãi, nên việc trả lương cao hơn bình thường là vô lý?
- Suy nghĩ này trước đây có thể đúng, nhưng bây giờ không còn phù hợp. Bởi tất cả các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong những năm gần đây không còn có bất cứ sự phân biệt đối xử nào giữa các thành phần kinh tế. Mọi thành phần kinh tế đều phải cạnh tranh bình đẳng trước pháp luật theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013.
Hơn nữa, Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh được xây dựng trên tinh thần, ngoài một số rất ít ngành nghề, lĩnh vực đặc biệt, Nhà nước chỉ đầu tư, kinh doanh những lĩnh vực, ngành nghề mà khu vực ngoài nhà nước không tham gia, nên DNNN làm gì có đặc quyền, đặc lợi.
- Vậy có thể hiểu, xã hội không nên “dị nghị” mỗi khi báo chí công bố lãnh đạo DNNN nào đó có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng?
- Giả sử doanh nghiệp nào đó được cơ quan quản lý nhà nước giao kế hoạch lợi nhuận 100 tỷ đồng, họ đạt 150 tỷ đồng, do năng lực của ban lãnh đạo, do sự cố gắng của người lao động, thì có thể phân chia số tiền 50 tỷ đồng vượt kế hoạch theo tỷ lệ nào đó, một phần thuộc về cổ đông, Nhà nước, phần còn lại thuộc về người lao động trong doanh nghiệp. Với cơ chế này thì lãnh đạo doanh nghiệp có thể hưởng lương rất cao và đây mới là cơ chế thị trường, mới khuyến khích mọi người lao động làm việc, cống hiến.
Vấn đề là phải công khai, minh bạch theo đúng tinh thần của Nghị định 61/2013/NĐ-CP về Quy chế giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Ngoài ra, lãnh đạo hưởng lương cao, thì người lao động cũng được hưởng lương cao, tùy thuộc vào mức độ đóng góp, hiệu quả công việc, năng suất lao động… Nếu làm được như vậy thì lãnh đạo DNNN hưởng lương cả trăm triệu đồng mỗi tháng cũng không ai dị nghị, so bì, tị nạnh.