Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng 5 trại tị nạn dự kiến có thể chứa hàng ngàn người Triều Tiên, The New York Times dẫn nguồn tin cho biết.
Một tài liệu rò rỉ từ China Mobile xuất hiện trên Weibo cho thấy công ty viễn thông này đã được chính phủ liên lạc để kiểm tra "dịch vụ internet khả thi" tại 5 địa điểm thuộc tỉnh Cát Lâm gần biên giới. "Bởi vì tình hình biên giới Trung Quốc-Triều Tiên đã có nhiều chuyển biến nhanh chóng, chính quyền quận Trường Bạch dự kiến sẽ thành lập 5 trại tị nạn", báo cáo cho biết.
Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng họ không biết các báo cáo về trại tị nạn, nhưng không phủ nhận kế hoạch xây dựng chúng.
Trung Quốc lên kế hoạch xây 5 trại tị nạn gần biên giới Triều Tiên. Ảnh: Getty |
Những người đào tẩu khỏi Triều Tiên thường trốn sang Trung Quốc vì khu vực biên giới rộng lớn. Chỉ riêng tỉnh Cát Lâm có biên giới dài 200 km với Triều Tiên và gần như chỉ bị chia cắt bởi dòng sông Đồ Môn hẹp, có độ cạn đủ để lội qua vào mùa Hè hoặc đi bộ vào mùa Đông.
Những năm 1990, thời điểm nạn đói ở Triều Tiên xảy ra nạn đói nghiêm trọng nhất, có tới 300.000 người Triều Tiên đã trốn sang Trung Quốc, phần lớn vượt qua sông Đồ Môn. Một lý do khác cho việc xây dựng các trại tị nạn ở Cát Lâm cũng có thể là khu vực này gần với địa điểm thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên, Punggye-ri.
Các trại tị nạn có thể cho thấy một sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Trong quá khứ, Bắc Kinh nói rằng họ không công nhận những người đào thoát khỏi Triều Tiên là người tị nạn mà là những người di cư kinh tế bất hợp pháp. Những người này sau đó bị bắt giữ và nhiều người thậm chí còn bị đưa trở lại Triều Tiên - nơi họ chắc chắn sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt nghiêm khắc vì đã bỏ trốn.
"Những người Triều Tiên đã vượt biên trái phép do tình trạng khó khăn về tài chính ở quê nhà. Họ không thực hiện các thủ tục nhập cư thông thường và cũng làm gián đoạn trật tự công cộng ở khu vực biên giới của chúng tôi", một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát biểu cách đây 2 năm.
PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo Bussiness Insider)