Ngày 7/4 (giờ địa phương), Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bỏ phiếu quyết định đình chỉ vai trò của Nga trong Hội đồng nhân quyền. Kết quả cuộc bỏ phiếu là 93 phiếu ủng hộ, 24 phiếu chống và 58 phiếu trắng.
Được biết, dự thảo của nghị quyết nói rằng Đại hội đồng có thể "đình chỉ các quyền thành viên trong Hội đồng Nhân quyền đối với một thành viên của Hội đồng nếu thành viên này vi phạm nghiêm trọng và có hệ thống các quyền con người".
Đồng thời, dự thảo nghị quyết nói thêm rằng hội đồng dành "sự quan tâm đặc biệt" đến các báo cáo về "vi phạm và lạm dụng nhân quyền và có hệ thống" và "vi phạm luật nhân đạo quốc tế" do Nga thực hiện trong chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Đại hội đồng cần 2/3 số quốc gia có mặt bỏ phiếu tán thành và bỏ phiếu loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Biện pháp này sẽ đình chỉ tư cách thành viên của Nga trong Hội đồng và sẽ tiến hành xem xét lại vấn đề nếu Liên hợp quốc cho là phù hợp.
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc đã đưa ra yêu cầu đình chỉ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào hôm 5/4, đây là điều mà bà và các quốc gia thành viên Liên hợp quốc khác đã thúc đẩy.
Trong khi đó, trước cuộc bỏ phiếu ngày 7/4, Đại sứ Ukraine tại Liên hợp quốc Sergiy Kyslytsya cũng đã lên tiếng kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc ủng hộ nghị quyết đình chỉ Nga trong Hội đồng nhân quyền.
Đáp lại động thái này, Phó đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Gennady Kuzmin đề nghị các quốc gia thành viên bác bỏ nghị quyết, nói rằng việc này sẽ đặt ra một "tiền lệ nguy hiểm". Đại diện Nga nhận định cuộc bỏ phiếu về việc đình chỉ Moscow tham gia Hội đồng Nhân quyền "là một nỗ lực của Mỹ nhằm duy trì vị trí thống trị và toàn quyền kiểm soát của mình để tiếp tục nỗ lực duy trì chủ nghĩa thực dân trong quan hệ quốc tế".
Ông Louis Charbonneau, Giám đốc Liên hợp quốc tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, tuyên bố việc đình chỉ hoạt động của Nga là "một thông điệp rõ ràng". Ông Charbonneau nhấn mạnh: "Đại hội đồng đã gửi một thông điệp rõ ràng tới giới lãnh đạo của Nga rằng một chính phủ mà quân đội thường xuyên vi phạm các quyền thì không có quyền tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Những hình ảnh khủng khiếp từ Bucha đã khiến mọi người trên khắp thế giới phải bàng hoàng".
Minh Hạnh (Theo CNN)