Báo tin tức đưa tin, với người Dao nơi đây, bánh chưng không chỉ là món ăn truyền thống mà còn là lễ vật dâng cúng tổ tiên và các dịp lễ trong năm. Riêng vào dịp Tết nguyên đán cổ truyền của dân tộc, các gia đình lại cùng nhau chuẩn bị nguyên liệu, tập trung gói bánh chưng dâng cúng tổ tiên và làm món ăn trong mấy ngày Tết, tạo nên không khí vô cùng rộn ràng, ấm áp trong tiết trời Xuân.
Bánh chưng truyền thống của người Dao ở bản Sưng cũng sử dụng các nguyên liệu như: lá dong, gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn… với hai loại nhân mặn và ngọt.
Đặc biệt, nguyên liệu để sử dụng gói bánh hầu hết đều từ bàn tay của người dân bản nơi đây nuôi trồng hay lấy từ tự nhiên trên mảnh đất đang sinh sống.
Theo thông lệ mọi năm, cả dàn ông hay phụ nữ Dao ở đây đều tham gia gói bánh. Chính vì vậy, họ rất thành thạo, khéo léo trong việc gói những chiếc bánh chưng truyền thống.
Tiếng nói cười, hay những ánh mắt trao nhau trong khi tay vẫn đang gói bánh chưng đã tạo nên bức tranh thắm đượm tình xuân, tình của đoàn kết, tình của đồng bào hay hơn cả là giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống.
Khác với người Dao ở bản Sưng, Tết cổ truyền của người Dao ở Khai Trung cũng mang những nét đặc trưng rất độc đáo, tạo dấu ấn riêng.
Báo Yên Bái tin tức đưa tin, chiếm tỷ lệ gần 70% dân số toàn xã, Người Dao đỏ ở xã Khai Trung, huyện Lục Yên vốn có bản sắc văn hóa riêng biệt và độc đáo, nên Tết của người Dao đỏ cũng mang rất nhiều nét đặc trưng cho đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc mình.
Vui đón Tết cổ truyền dân tộc với nhiều mong ước, đồng bào Dao nơi đây cũng không quên nhắc nhau đoàn kết, xây đắp cuộc sống no ấm, hạnh phúc.
Để chuẩn bị đón một Tết đầy đủ, vui vẻ, trước Tết 05 tháng, bà con dân tộc Dao đỏ đã nuôi lợn, gà, chuẩn bị thóc, gạo để dành riêng cho ngày Tết. Đến khoảng ngày 20 tháng Chạp, hầu hết các gia đình người Dao đỏ đều gác lại công việc làm ăn để chuẩn bị đón Tết.
Người Dao đỏ Khai Trung cũng có tục cúng ông Công, ông Táo như người Kinh, nhưng không cúng vào ngày 23 tháng Chạp mà làm chung với lễ cúng tất niên. Chiều 30 Tết, người Dao đỏ làm lễ quét nhà, lau dọn bàn thờ tổ tiên, quét đi những điều không may mắn của năm cũ. Cả gia đình cùng tập trung dọn dẹp, làm cơm để cúng tất niên.
Mâm cỗ ngoài bánh chưng, loại bánh gù đặc trưng của người Dao, thịt lợn, thịt gà, rượu, thường có thêm đĩa bánh dày, bánh rán hoặc bánh nếp gói trong lá chít. Trên bàn thờ người Dao đỏ lúc nào cũng có nước, rượu và hương đốt liên tục.
Ngoài ra, tất cả quần áo, đồ dùng trong ngày Tết đều phải lấy ra ngoài trước đêm giao thừa. Ba ngày Tết phải kiêng không được mở rương hòm vì người Dao quan niệm, làm như vậy, mới giữ lại được những thứ mình làm ra. Họ bắt đầu ăn Tết từ ngày 25 tháng Chạp, anh em trong họ thay phiên nhau ăn Tết mỗi nhà một ngày khác nhau.
Ngay từ chiều 30 Tết, sau khi chọn được giờ tốt và hướng xuất hành hợp với họ nhà mình, người Dao đỏ chuẩn bị một bó hoa tươi, thường là hoa đào, hoa mơ hoặc hoa mận.
Rồi sau đó đem đặt sẵn trên đường theo hướng sẽ xuất hành đầu năm cho buổi sáng ngày mùng 1 Tết, để khi quay trở về nhà, chủ nhà sẽ lấy bó hoa hôm trước, đồng thời nhặt thêm vài viên đá nhỏ với ý niệm tượng trưng cho của cải, tiền bạc, cho sự sinh sôi nẩy nở tươi tốt trong năm mới.
Phương Linh (T/h)