(ĐSPL) - Sử dụng nước tẩy uế bồn cầu khi tẩm đường vào yếu sào, gà chảy nước giá 25.000 đồng/kg, biến yến trắng thành yến huyết từ... phân hữu cơ,.. là những thông tin thị trường đáng lưu ý trong tuần qua.
Sử dụng nước tẩy uế bồn cầu khi tẩm đường vào yếu sào
Khi tẩm đường vào yến sào, các loại dung dịch công nghiệp chuyên dùng để tẩy uế bồn cầu như nước Oxy già hay nước Javen, được sử dụng khá nhiều. (Ảnh minh họa). |
VTV đăng tải thông tin, trong một con hẻm thuộc địa bàn Quận 6, TP. HCM, có những bí mật rợn người về yến sào chưa bao giờ được kể.
[mecloud]gRssEWIZMZ[/mecloud]
Sau khi ngâm đường, những sợi yến vụn sẽ tăng ít nhất 25\% trọng lượng. Nhưng trọng lượng đó dường như vẫn quá ít so với kỳ vọng của tư thương. Để tối đa hóa lợi nhuận, những sợi yến dài sẽ được nhúng chìm hẳn vào đường, sau đó đến công đoạn vô khuôn, tạo hình. Những sợi yến dài nhất được để ở mặt ngoài, những sợi yến vụn sẽ được nhét vào bên trong, sau đó đóng khuôn rồi mang đi sấy. Tại nơi sấy, yến sẽ được quạt liên tục trong vòng 8 tiếng, rồi bỏ vào khay.
Tẩm đường vào yến đã trở thành một nghề có chia vai vế, đẳng cấp về độ tinh vi. Với những người chuyên gia công yến, không khó để hô biến 1 kg đường có trị giá chỉ 30.000 đồng thành 1 kg yến trị giá tới 30 triệu đồng. Nếu không may bị phát hiện gian dối, tư thương có thể sẽ nói họ tẩm đường vào để người tiêu dùng đỡ phải thêm đường khi chưng yến. Khủng khiếp hơn, khi tẩm đường vào yến, các loại dung dịch công nghiệp chuyên dùng để tẩy uế bồn cầu như nước Oxy già hay nước Javen, được sử dụng khá nhiều.
Theo một số nhà kinh doanh yến, hiện nay trên thị trường, cứ 10 điểm kinh doanh yến thì có từ 8 đến 9 điểm bán yến tẩm đường. Tỷ lệ đường dao động từ 5-60\%. Khi chưng yến lên, đường sẽ phản ứng hóa học với các chất dinh dưỡng trong yến và vô hiệu hóa nhiều chất dinh dưỡng quý. Như vậy, người tiêu dùng vừa phải trả tiền cao gấp trăm lần để mua đường, vừa phải ăn yến kém chất lượng.
Phát hãi thịt gà chảy nước 25.000 đồng khắp chợ Hà Nội
Thịt gà giá siêu rẻ 25.000 đồng được bày bán la liệt tại chợ. |
Thông tin trên Vietnamnet, tại khu vực gần cuối chợ Dịch Vọng (Cầu Giấy, HN), rất nhiều các sạp bán thịt gà công nghiệp, không cánh, không chân, bằng mắt thường, ai cũng thấy thịt gà có màu khá nhợt nhạt. Nhiều miếng thịt gà còn chảy nước, ruồi bâu đầy.
Theo một chủ sạp thịt gà, gà nguyên con, tức gà còn đùi, cổ, không có cánh, chân giá 35.000 đồng/kg, đùi gà giá 40.000 đồng/kg, rẻ nhất là lườn gà giá chỉ 30.000 đồng/kg mua lẻ, khách mà khéo mặc cả giá chỉ còn 27.000 đồng/kg. Chưa kể, mua 5kg trở lên tiểu thương chỉ lấy 25.000 đồng/kg.
Thắc mắc tại sao giá gà lại rẻ vậy, chị Thương - một tiểu thương bán tại chợ, giải thích là do nhập được giá thấp. Cánh, chân cắt riêng xuất đi nhà hàng, phần còn lại bán lẻ ở chợ. “Em yên tâm đi, chị ngày nào chẳng bán ở chợ này cả tạ gà, khách vẫn mua ầm ầm, có ai kêu sao đâu”.
Tại chợ này có đến hàng chục người như chị Thương, chuyên bán thịt gà giá siêu rẻ từ sáng sớm đến 11h trưa.
Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra e ngại về chất lượng loại gà này nhưng vẫn liều mình mua về ăn.
Ngần (sinh viên năm 3 Đại học Thương mại Hà Nội) hỏi mua 1 kg thịt gà. Lúc chủ hàng cân lên đến 1,4kg, Ngần cũng đồng ý mua hết luôn mà không yêu cầu bỏ bớt.
“Em trọ gần đây nên ngày nào cũng đi chợ này. Năm ngoái, giá thịt gà loại này chỉ 35.000 đồng/kg, khéo mua thì chỉ 30.000 đồng. Tuy nhiên, năm nay giá rẻ hơn mấy nghìn. Có hôm, em đi chợ vào tầm gần 11h trưa, lúc đó giá chỉ còn có 25.000 đồng/kg”, Ngần chia sẻ.
Do gà rẻ nên cách ngày Ngần lại mua về cho cả phòng ăn, có hôm mọi người ăn nguyên thịt gà cũng thấy no. Còn khi đắt, cả tháng Ngần mới dám mua 1-2 lần, mỗi lần cũng chỉ khoảng 3 lạng.
Tuy nhiên, Ngần cũng thừa nhận, nhiều hôm mua về thấy thịt gà hơi có vấn đề, ngửi có mùi, nhưng khi nấu chỉ cần rửa sạch, nêm nếm ít ra vị cộng chút sả, gừng vào nữa là thơm phức, hấp dẫn ngay.
Tương tự, cô Nguyễn Thị Tâm (Nghĩa Hưng, Nam Định), chuyên cấp dưỡng cho đội thợ xây làm việc ở khu vực Cầu Giấy khoe rằng, dạo này mọi người được ăn thịt gà trừ bữa. Nhiều hôm sáng mỳ tôm gà, tối lại thịt gà xào sả ớt, gà rán,... “Thấy giá rẻ tôi cũng hơi nghi ngờ về chất lượng, không biết họ lấy gà từ đâu mà lại rẻ như vậy. Ở quê tôi, loại rẻ nhất là công nghiệp lông trắng vẫn còn sống giá đã 35.000 đồng/kg. Tuy nhiên, mấy hôm rồi ăn thấy không ai bị sao nên tôi cứ mua, mọi người thấy rẻ cũng thích”, cô Tâm cho hay.
Biến yến trắng thành yến huyết từ... phân hữu cơ
Huyết yến là loại tổ yến có màu đỏ, có giá cao nhất trong số các màu vì số lượng rất ít. Màu yến rất tự nhiên, vân yến nổi rõ. (Ảnh minh họa). |
Để thỏa mãn lòng tham, tư thương tiếp tục qua mặt người tiêu dùng bằng nhiều cách hô biến yến trắng thành yến huyết - loại yến được bán với giá hàng trăm triệu đồng.
Hiện tại, tất cả các điểm kinh doanh yến sào đều bán yến huyết đều không được kiểm định chất lượng. Hơn nữa, giá cả mỗi nơi một khác nhưng cứ cần là có, miễn trả giá cao. Tại sao yến huyết được bày bán tràn lan trong khi khái niệm về yến huyết còn rất mập mờ và ngay những người thợ có kinh nghiệm cũng khẳng định, yến huyết vô cùng hiếm?
Theo VTV, một tư thương kinh doanh yến tại quận Tân Bình, TP. HCM cho biết: "Với cách thứ nhất, đầu tiên, mình phải xịt tổ yến cho ẩm, sau đó bỏ vào thùng xốp. Mình sẽ đào một cái hố để cho thùng xốp vào cái hố đó và ủ phân hữu cơ lên. Ủ khoảng hai tháng, tổ yến sẽ chuyển sang màu hồng do trong phân hữu cơ có chứa NH3 phản ứng với Oxy có trong không khí, tạo ra Nitrit. Nếu mình để thêm một tháng thì toàn tổ yến sẽ chuyển từ màu trắng sang màu đỏ".
[mecloud]u80VpCdf5m [/mecloud]
"Còn, theo cách thứ 2, nếu không làm vệ sinh ở nơi chế biến, làm tổ thì trên thành tường sẽ có phân chim và NH3. NH3 phản ứng với Oxy sẽ tạo thành màu đỏ dưới chân tổ. Lâu ngày, tổ yến sẽ đỏ từ dưới chân tổ lên trên, dần dần sẽ đỏ toàn tổ" - tư thương này cho biết thêm. Theo cách này, nếu lỡ có bị pháp luật sờ gáy, tư thương sẽ lấp liếm rằng, sự hình thành yến huyết tại nhà yến của họ hoàn toàn tự nhiên chứ họ không nhuộm màu hay tác động gì.
Như vậy, người tiêu dùng bỏ hàng trăm triệu đồng ra mua yến huyết giả, để phải đối mặt với nguy cơ bị ung thư. Trong khi đó, người kinh doanh yến huyết giả vẫn "bình chân như vại", ngồi đếm tiền và theo dõi cái chết đến từ từ với đồng loại của mình mà chẳng lo phải tù tội.
Cách đây 4 năm, cơ quan Giám sát kỹ thuật và Chất lượng tỉnh Triết Giang, Trung Quốc đã phát hiện lượng Nitrit quá mức cho phép trong những tổ yến huyết tại ít nhất 491 đại lý tổ yến. Cụ thể, mức Nitrit trung bình là 4.400 mg/kg, vượt hơn 6.000\% ngưỡng an toàn. Lập tức, nhà chức trách đã triển khai một đợt kiếm tra độc hại của yến huyết tại nhiều tỉnh thành trên toàn Trung Quốc. Lượng yến huyết nhiễm độc Nitrit cao ở Trung Quốc được nhập từ Malaysia. Đây cũng là thị trường cung cấp yến nhập chính cho Việt Nam.
Theo Tổng cục Hải quan, từ năm 2014 đến nay, có hơn 11 tấn yến được nhập chính thức vào Việt Nam. Trên thực tế, theo nhiều người kinh doanh mặt hàng này, lượng yến nhập lậu gấp ít nhất 5 lần lượng yến được nhập theo đường chính ngạch, trong đó có nhiều yến huyết.
Chiêu bán cua 1 kg còn 400 gram ở vỉa hè TP HCM
Một điểm bán cua trên đường Nguyễn Văn Linh (quận 7) chào hàng với giá 75.000 đồng/kg. |
Thông tin trên báo Tri thức trực tuyến, tại các tuyến đường ở TP HCM như Nguyễn Văn Linh (quận 7) Xa lộ Hà Nội, Đỗ Xuân Hợp (quận 9), quốc lộ 13 (Thủ Đức)... vào mỗi buổi chiều, rất nhiều điểm bán cua với giá rẻ xuất hiện. Trong khi giá cua loại 2 hiện bán tại các chợ 220.000-250.000 đồng/kg thì ở những điểm này, cua Cà Mau chỉ được bán với giá 75.000-120.000 đồng.
Một điểm bán trên đường Nguyễn Văn Linh (quận 7) treo bảng giá niêm yết 75.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi có khách mua, chủ hàng cho biết giá đó để gây chú ý với người đi đường. Còn mức bán ra thực tế là 120.000 đồng/kg. "Thật ra cũng có cua 75.000 đồng/kg, nhưng là loại ốp, không có thịt", người bán nói.
PV mua 1 kg, được người bán khẳng định "bao cân đủ", nhưng khi mang về, cân lại thì chỉ còn 650 gram. Càng cua được chằng buộc đến 2 lớp dây vải dày nặng đến 250 gram. Như vậy, 1 kg cua ban đầu thực tế chỉ còn 400 gram.
Chủ một đại lý chuyên cung cấp hải sản tươi sống ở chợ đầu mối Bình Điền (quận 8) cho biết, hiện nay, phần lớn cua bán trên địa bàn TP HCM có xuất xứ miền Tây. Các vựa lớn thường buộc càng bằng sợi vải nhỏ hoặc dây nylon. Tuy nhiên, khi đến tay tiểu thương, vì lợi nhuận nên nhiều người đã buộc thêm lớp dây vải dày có ngâm nước, bùn, đất, để gia tăng trọng lượng.
Anh Quốc Hùng, chủ một quán hải sản bình dân ở TP Phan Thiết, Bình Thuận chia sẻ, với cua, ghẹ, để tránh rụng càng, các vựa hải sản thường dùng dây để buộc. Nhưng vùng biển từ Nha Trang đến Phan Thiết luôn sử dụng dây thun nhẹ, mỏng chứ không ai dùng dây vải.
Anh Hùng nói thêm, hiện tại, ở Phan Thiết, người bán cũng ít dùng dây buộc cua. Các hàng quán luôn có bể nuôi, khách ăn đến chọn tại bể, quán bắt, cân và chế biến luôn. “Chỉ khi cần vận chuyển chúng tôi mới sử dụng dây thun để buộc càng cua, ghẹ”, anh Hùng nói.
Chị Hà, có thâm niên bán cua hơn 10 năm tại chợ Phước Bình (quận 9), chia sẻ, hiện nay, các hàng bán uy tín không ai sử dụng vải để buộc càng cua, vì dây vải rất dày, nặng, thấm nước.
Bán hải sản lâu năm, chị Hà và nhiều người cùng nghề không còn lạ với chiêu của các điểm bán trên. "Họ dùng sợi dây vải rất to, nhúng vào chậu bùn, sau đó buộc chằng chịt vào càng cua, để tăng trọng lượng. Con cua 2 lạng thì sợi dây cũng nặng tương đương. Thịt cua này rất bở, hôi, do bị nước bẩn, bùn thấm vào. Cuối ngày, các điểm bán này thường có chiêu ‘xả hàng’, rẻ giá nào cũng bán, bởi cua chết, thịt càng hôi. Không có lý do gì cùng một loại sản phẩm mà giá lại rẻ bất thường”, chị Hà nói.
Từng mua phải cua “nặng ký” này ở vỉa hè, bà Minh, một khách hàng cho biết, cách đây nửa tháng, bà mua cua bán ở ven đường Đỗ Xuân Hợp với giá 170.000/kg, rẻ hơn 50.000-70.000 đồng so với trong cửa hàng. 5 con bà Minh mua có cân nặng 2 kg. Tuy nhiên, về nhà chế biến, tháo sợi dây buộc nặng trịch, bà tò mò cân lại thì 5 con cua chỉ 1,2 kg. “Có sợi dây tôi cân nặng tương đương con cua”, bà Minh cho biết.
Biến thịt lợn thành thịt thú rừng
Thịt thú rừng nhìn không khác gì thịt lợn. |
Theo tin tức trên báo Người Lao Động, sáng 30/6, Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh, TP HCM đã phát hiện và xử lý một cơ sở sản xuất thực phẩm từ động vật mà không có giấy phép.
Cơ sở nói trên nằm trên đường Phạm Hùng, ấp 4A, xã Bình Hưng, do bà Nguyễn Thị Kim T (sinh năm 1982) làm chủ.
Kiểm tra khu vực tủ đông lạnh của cơ sở Đoàn kiểm tra phát hiện các loại thịt để trong khay xốp. Trong đó có cả các sản phẩm thịt đã được đóng vào bao bì hút chân không với nhãn mác đủ loại: thịt nai, đà điểu, nhím,…
Các loại thịt “thú rừng” này trông không khác gì phần thịt chưa được đóng gói mà chủ cơ sở khai là thịt lợn.
Tại khu vực in nhãn mác, bao bì của cơ sở, Đoàn kiểm tra không hề phát hiện thấy nhãn mác nào ghi “thịt lợn”. Tất cả đều là nhãn mác những loại thịt thú rừng kể trên, được quảng cáo là nguồn thịt được nuôi ở trang trại tại Sóc Trăng, nhưng lại không có địa chỉ, SĐT liên lạc.
Ngoài máy đóng gói mini, lọ đựng hóa chất, cơ quan chức năng phát hiện nhiều bao bì in các lời quảng cáo như: “thực phẩm của thế kỷ 21”, “thực phẩm của thời đại”, “từ trang trại Khánh Hòa”, “từ trang trại nuôi Sóc Trăng”… nhưng lại không in tên công ty, địa chỉ nơi sản xuất.
Qua làm việc, bà T khai nhận thịt lợn được mua từ chợ Bình Điền (quận 8) với giá 85.000 đồng/kg sau đó chia nhỏ bán cho các mối tiêu thụ ở tỉnh. Còn với các loại in trên bao bì là thịt đà điểu, nhím, nai được bán vào quán nhậu, nhà hàng với giá 95.000 – 115.000 đồng/kg.
Chủ cơ sở khai nhận, các sản phẩm thịt thú rừng trên được bán cho các nhà hàng, tiệc cưới với giá rất mềm. Còn phần thịt heo được mua buôn số lượng lớn rồi chia ra các gói nhỏ bán đi các tỉnh.
Cơ quan chức năng thu giữ tổng cộng 654 kg thịt các loại, trong đó có 92kg được đóng bao bì, dán nhãn thịt nhím, nai, 128kg in mác cánh và bao tử đà điểu. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính với chủ cơ sở và tiến hành niêm phong, lấy mẫu xét nghiệm để tiếp tục xử lý.
Ngọc Anh (Tổng hợp)