Lãnh đạo ngành đường sắt cho việc di dời đường sắt và ga Hà Nội ra khỏi nội đô sẽ gây bất tiện cho người dân trong đi lại.
Theo tin tức trên báo Thanh Niên, tại hội nghị về an toàn giao thông của thành phố Hà Nội sáng qua (8/8), thiếu tướng Phạm Xuân Bình, Phó giám đốc Công an thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải di dời tuyến đường sắt và ga Hà Nội ra khỏi nội đô để giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Đây không phải lần đầu tiên việc di dời ga Hà Nội khỏi khu vực trung tâm được đặt ra.
Sau khi ý kiến này được đăng tải trên báo chí, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cho rằng đường sắt có lợi thế lớn là an toàn, đa số các ga đều nằm trong nội đô để đáp ứng thuận tiện cho nhu cầu đi lại của người dân. Không chỉ đường sắt quốc gia, mà đường sắt đô thị đều nằm trong nội đô, để tạo thuận lợi nhất cho đi lại.
“Trách nhiệm của quản lý nhà nước phải đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện cho người dân tốt nhất có thể”, ông Minh nói.
Lãnh đạo đường sắt phản đối đề xuất di dời đường sắt và ga Hà Nội ra khỏi nội đô. Ảnh: Thanh Niên. |
Về việc đường sắt bị cho là gây ùn tắc giao thông, theo ông Minh, giao cắt xung đột đồng mức (giữa đường sắt và đường bộ) cũng rất phổ biến ở các nước châu Âu như Áo, Đức. Thậm chí, ở Áo, đường sắt đô thị có đoạn còn đi trên mặt đường song song với đường bộ. Để hạn chế các giao cắt đồng mức, giảm ách tắc giao thông, có thể nghiên cứu phương án cho đường sắt đi ngầm hoặc đi trên cao.
Báo Tuổi trẻ cũng dẫn lời ông Vũ Minh Anh cho biết, nếu di chuyển hệ thống ga trung tâm ra ngoại thành, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ phải trung chuyển một lượng lớn hành khách từ ga vào nội thành và ngược lại.
Điều này đòi hỏi phải bổ sung thêm phương tiện giao thông công cộng tốn kém và gây áp lực lớn lên hạ tầng giao thông từ cửa ngõ tới nội đô.
Ông Minh dẫn chứng, một đoàn tàu chở từ 700-1000 hành khách, với số lượng chuyến khai thác như hiện nay, nếu ga trung tâm chuyển ra ngoại thành, mỗi ngày sẽ cần vài trăm phương tiện giao thông công cộng để trung chuyển số khách này.
“Vấn đề quan trọng là trong quy hoạch của Hà Nội cũng như quy hoạch quốc gia, theo quyết định 214 của Chính phủ, đến 2020, ga Hà Nội vẫn là ga trung tâm. Việc quy hoạch cân đối hài hòa phát triển lợi ích các bên, quan trọng nhất là tạo thuận lợi cho người dân”, ông Minh nói.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông, trong quy hoạch đường sắt được Thủ tướng phê duyệt, đường sắt quốc gia vẫn có ga trung tâm là Hà Nội.
Bên cạnh đó, quy hoạch đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) và tuyến số 3 (Nhổn - ga Hà Nội) đều kết nối với đường sắt quốc gia, có điểm giao cắt trung chuyển tại ga Hà Nội.
“Các nước phát triển như Nhật, Pháp, đường sắt đô thị và đường sắt quốc gia, cao tốc đều nằm trong nội đô Tokyo, Paris, tạo thuận lợi tối đa cho người dân trong di chuyển và đi lại. Một số nước quy hoạch đường sắt nằm ngoài vành đai kết nối vào bên trong. Nhưng ở Hà Nội, hiện trạng có sẵn là ga Hà Nội nằm trong trung tâm thành phố, và quy hoạch vẫn giữ nguyên”, ông Đông nói và cho rằng giải pháp để giảm ùn tắc là giảm các điểm giao cắt, làm thêm các tuyến đường sắt đô thị trên cao.
(Tổng hợp)