(ĐSPL) - Trong khi các trường đại học trên địa bàn Hà Nội đều ghi nhận và đánh giá cao những thông tin mà báo Đời sống và Pháp luật phản ánh về những tiêu cực trong quá trình học và thi đang diễn ra phổ biến, thì với một thái độ ngược lại hoàn toàn, trường đại học Ngoại thương lại phủi bỏ thiện chí hợp tác từ phía báo để làm rõ những tiêu cực tại trường này. Vậy tại sao?
Áp dụng công nghệ tiên tiến... vẫn "lọt"!
Sau khi đăng tải loạt bài điều tra độc quyền về những đường dây và hệ thống tổ chức học hộ - thi thuê ở hàng loạt trường đại học, PV báo Đời sống và Pháp luật đã nỗ lực liên hệ và làm việc với đại diện các trường đại học để cung cấp thông tin hai chiều nhằm mục đích hạn chế và ngăn chặn những tiêu cực trong học và thi cử đang diễn ra với mức độ phức tạp và khá phổ biến như hiện nay.
Làm việc với PV bản báo, đại diện các trường như: Đại học Kinh tế quốc dân, đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội; đại học Công nghiệp Hà Nội;... ghi nhận và đánh giá cao thông tin từ phía báo chí, đồng thời với tinh thần trách nhiệm cao, các trường này đều bày tỏ thiện chí cùng hợp tác với báo Đời sống và Pháp luật bóc gỡ và dẹp bỏ tiêu cực nhức nhối này.
Lãnh đạo trường đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ khó khăn trong việc ngăn chặn vấn nạn thi thuê trong trường mình. |
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, TS. Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thừa nhận, việc học hộ và thi hộ vốn đã xảy ra ở trường, thực tế nhà trường đã rất nỗ lực tìm các biện pháp ngăn chặn tình trạng này, nhưng rất khó làm triệt để vì thủ đoạn và cách thức của các đối tượng tổ chức và tham gia học hộ, thi thuê ngày một tinh vi.
"Mặc dù nhà trường đã áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất như dùng thẻ từ, quẹt vân tay và các biện pháp khác nhưng vẫn lọt. Nhưng tiêu cực vẫn diễn ra có sự bắt nguồn từ cán bộ coi thi, trong đó không ngoại trừ có những trường hợp có sự tiếp tay của chính cán bộ trong nhà trường. Việc khám phá ra những đường dây học hộ, thi thuê của PV báo Đời sống và Pháp luật rất công phu, sau khi nhận được thông tin từ phía báo nhà trường đã chấn chỉnh và quan trọng hơn, nhiều lỗ hổng trong quá trình kiểm soát thi cử của nhà trường đã được nhìn thấy để khắc phục", TS. Hóa cho hay.
Thậm chí, theo TS. Hóa trong năm 2013, nhà trường đã phát hiện ra 4 trường hợp thi hộ và mới đây nhất phát hiện một trường hợp học hộ "trọn gói". Trường hợp này đã thuê hẳn một người học hộ từ khi đầu vào đến khi ra trường và chỉ bị phát hiện khi cán bộ coi thi kiểm soát chặt hơn bằng nguyên tắc nghiệp vụ tra hỏi trực tiếp mới phát hiện được.
"Đây là bức xúc của xã hội, là vấn nạn của nền giáo dục cần dẹp bỏ nhằm triệt phá những tiêu cực trong học tập, thi cử và tránh thiệt thòi cho những sinh viên học tập nghiêm túc. Ngay sau khi báo chí cung cấp thông tin, nhà trường đã tiến hành xây dựng một quy chế thi cử mới nhằm bịt những lỗ hổng đang tồn tại", TS. Hóa khẳng định.
Đại diện cho trường đại học Kinh tế quốc dân, ông Phạm Quang Trung, Phó Hiệu trưởng trường cho biết, trước đây, nhiều trường hợp thi thuê, học hộ bị nhà trường phát giác và áp dụng hình thức kỷ luật rất nặng để răn đe, nhưng thực tế, vẫn chưa thể chấm dứt được thực trạng đáng buồn này. Đặc biệt, sau khi tiếp nhận thông tin trên báo Đời sống và Pháp luật, nhà trường chắc chắn sẽ áp dụng nhiều biện pháp mạnh hơn để giảm thiểu tối đa vấn nạn này. Lãnh đạo nhà trường cho hay, sẽ tập trung đưa ra những biện pháp mang tính vĩ mô, bao quát chung, hướng tới toàn sinh viên trong trường, chứ không tập trung vào từng trường hợp nhỏ lẻ.
Trước đó, tại buổi làm việc với PV báo Đời sống và Pháp luật, Ths. Bùi Thị Ngân, Phó Hiệu trưởng trường đại học Công nghiệp Hà Nội cho hay, nhà trường đã thành lập rất nhiều đầu mối để quản lý học hành, thi cử và xây dựng nhiều kênh thông tin để nhận phản ánh của sinh viên, tuy nhiên có thể có những khâu sơ hở mà nhà trường không nắm được. Thực tế theo Ths. Ngân, có những trường hợp dùng thẻ giả để vào thi hộ, nhưng đã bị phát hiện.
"Nhà trường đánh giá cao việc khám phá ra đường dây học hộ, thi thuê của PV, những thông tin từ phía báo đem lại sẽ giúp nhà trường rà soát tốt nhất để tìm ra những vướng mắc cần triệt bỏ", vị Phó Hiệu trưởng trường đại học Công nghiệp Hà Nội nói.
Vì sao đại học Ngoại thương bất hợp tác?
Đáng nói, với trách nhiệm trước thông tin phản ánh, PV báo Đời sống và Pháp luật đã cố gắng liên hệ với đại diện trường đại học Ngoại thương nhằm đưa đến những thông tin về vấn nạn học hộ, thi thuê diễn ra ở ngôi trường này, nhưng điều đáng tiếc, thiện chí phối hợp của nhóm PV bản báo không nhận được sự hợp tác từ phía đại diện trường đại học Ngoại thương.
Trong buổi làm việc trên tinh thần hợp tác, cung cấp thông tin và ghi nhận những đánh giá của nhà trường trước thông tin nhận được, nhưng phòng Quản lý Đào tạo - đại học Ngoại thương bày tỏ thái độ bất hợp tác với báo chí. |
Sau khi đã cung cấp đầy đủ giấy giới thiệu, thẻ nhà báo tại phòng Giáo dục đào tạo, nhóm PV điều tra bản báo được giới thiệu xuống phòng Quản lý Đào tạo làm việc. Tại đây, tiếp PV báo Đời sống và Pháp luật là một cán bộ tự xưng là phó phòng, mặc dù chưa cần biết thông tin các PV mang đến là gì, vị này đã phát biểu ý kiến, sẽ có công văn "kiện báo" vì đưa thông tin chưa khách quan?! Đồng thời chị nữ cán bộ này cũng cho rằng, nội dung của báo phản ánh thì nên đưa sang bên công an làm rõ. Tuy nhiên, khi PV chất vấn, "kiện" việc gì thì chị phó phòng tự xưng này yêu cầu PV chờ trưởng phòng về làm việc sẽ rõ.
Khoảng 10 phút sau, bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo cũng có mặt tiếp PV với một thái độ cũng "căng" như vị phó phòng của mình. Mặc dù PV bản báo đã trao đổi buổi làm việc trên tinh thần hợp tác, cung cấp thông tin và ghi nhận những đánh giá của nhà trường trước thông tin nhận được, nhưng bà Thủy vẫn thể hiện thái độ bất hợp tác. Đáng nói, trong khi PV đang làm việc với lãnh đạo phòng thì một số nhân viên của phòng Quản lý Đào tạo liên tục đi lại và có những lời lẽ không hay với PV báo Đời sống và Pháp luật.
Nhận thấy thái độ bất hợp tác và thiếu tôn trọng báo chí từ phía đại diện trường đại học Ngoại thương, nhóm PV đã đề nghị chấm dứt buổi làm việc và sẵn sàng chờ buổi làm việc khác nếu như nhà trường có ý định hợp tác với thái độ thiện chí.
Trước đó, như báo Đời sống và Pháp luật đã thông tin, tình trạng thi hộ ở trường đại học Ngoại thương được xem là một trong những "bãi đáp" phổ biến trong đường dây học hộ, thi thuê mà PV bản báo đã cất công thâm nhập. Nhiều trường hợp thi hộ đã luồn lách "trót lọt" tại ngôi trường vốn được đánh giá là khá uy tín này. Tuy nhiên, điều khiến dư luận đặt ra câu hỏi là vì sao trước một vấn nạn gây nhức nhối xã hội là học hộ, thi thuê thì ngôi trường này lại "dửng dưng" và thiếu thiện chí hợp tác đấu tranh loại trừ? Câu hỏi đang rất cần Ban giám hiệu nhà trường làm rõ.
Sinh viên vẫn tiếp tục thuê người thi? Sau khi chấm dứt buổi làm việc với cán bộ phòng Quản lý Đào tạo của trường đại học Ngoại thương, vì thái độ bất hợp tác. PV báo Đời sống và Pháp luật tiếp tục theo dõi nạn học hộ - thi thuê trong ngôi trường uy tín này và sự thật sinh viên trường Ngoại thương vẫn tiếp tục thuê người ngoài vào thi. |