Sức Khỏe & Đời Sống dẫn lời bác sĩ CKII Nguyễn Thị Hải cho biết, sốt là một triệu chứng phổ biến trên lâm sàng. Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến sốt, chủ yếu là do virus hoặc nhiễm khuẩn như sốt virus, sốt xuất huyết, sốt phát ban lành tình khác. Dị ứng với thuốc hoặc sau tiêm phòng vaccine cũng có thể gây sốt.
Thực tế cho thấy đã có những trường hợp mắc bệnh khác nhưng lại nghĩ các triệu chứng, trong đó có sốt là phản ứng sau tiêm vaccine ngừa COVID-19 nên tự theo dõi tại nhà, khiến bệnh tình diễn biến nặng hơn.
Sốt phản ứng sau tiên vaccine ngừa COVID-19
Phần lớn là các phản ứng thông thường liên quan đến phản ứng tại vị trí tiêm và các triệu chứng "giả cúm" như đau đầu, ớn lạnh, mệt mỏi, buồn nôn, sốt, chóng mặt, đau cơ, nhịp tim nhanh…
Các triệu chứng xảy ra sớm sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19, tự khỏi và không gây ra vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe, cũng không để lại di chứng. Các phản ứng nghiêm trong do vaccine gây ra cực hiếm gặp.
Sốt do sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết xảy ra nhiều trong mùa mưa với triệu chứng ban đầu người bệnh gặp phải là sốt, có thể cao tới 39 – 40 độ C. Ngoài ra, người bệnh còn bị mệt mỏi, đau đầu vùng thái dương, mỏi các cơ, khớp, nôn.
Sốt do virus
Sốt virus do nhiều loại virus gây ra, phổ biến nhất là virus đường hô hấp, thường gặp lúc thời tiết giao mùa. Đây là thời điểm mưa nắng, nóng lạnh thất thường, tạo điều khiến cho các loại virus phát triển và gây bệnh.
Triệu chứng của sốt virus nhìn chung khá giống với cảm cúm thông thường. Biểu hiện dễ nhận biết nhất khi bị sốt virus là sốt cao nhưng ban đầu chỉ sốt nhẹ, tiếp đó thân nhiệt cơ thể tăng dần từ 39 – 41 độ C. Tình trạng sốt ở sốt virus sẽ kéo dài ngày hơn, các dấu hiệu nặng nề hơn sốt do cảm cúm.
Sốt do sốt phát ban
Người bệnh sẽ bị sốt cao nhưng sốt từng cơn, đi kèm các triệu chứng viêm hô hấp trên như ho, chảy nước mũi, đau họng… Ban trong sốt phát ban sẽ biến mất nhanh sau khi căng da. Hầu hết các trường hợp sốt phát ban ở người lớn mức độ nhẹ sẽ khỏi sau vài ngày và không gây ra biến chứng gì. Tuy nhiên, một số trường hợp nặng có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
Để phân biệt các loại bệnh sốt là theo dõi thời gian kéo dài và mức độ nghiêm trọng của mỗi biểu hiện, theo thông tin đăng trên trang web của Bệnh viện Quân y 175. Nếu cảm thấy tình trạng không được cải thiện trong vòng vài ngày sau tiêm hoặc các tác dụng phụ ngày càng tồi tệ hơn, bạn nên liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn cụ thể.
Trên thực tế, muốn phân biệt được các loại bệnh sốt nói trên, cần phải theo dõi quá trình sốt, nhận biết những dấu hiệu đặc biệt, làm một số xét nghiêm cần thiết để phát hiện bệnh kịp thời và đưa ra những hướng xử trí đúng nhất.
Xử trí sốt tại nhà như thế nào?
– Nên ở nơi thông thoáng khí, không có gió lùa.
– Việc đo nhiệt độ dể theo dõi đúng tình trạng sốt rất quan trọng, bất kể nguyên nhân sốt là gì. Cần theo dõi nhiệt độ của người bệnh thường xuyên, khoảng 1-2 giờ đo 1 lần.
– Nếu thân nhiệt không quá 39 độ C, người bệnh cần mặc quần áo thoáng mát, không đắp chăn.
– Chườm mát để hạ sốt bằng cách lau người hoặc tắm cho người bệnh bằng nước ấm. Dùng khăn bông mềm, sạch, nhúng vào chậu nước ấm, vắt hơi ráo rồi lau lên khắp thân mình, đặc biệt là các vị trí như nách, bẹn. Chờ bốc hơi thì lau tiếp cho tới khi thân nhiệt hạ xuống dưới 38 độ C. Cần phải theo dõi nếu thân nhiệt lại tăng thì lại chườm tiếp.
– Nếu thân nhiệt bệnh nhân từ 39 độ C trở lên thì cần uống thuốc hạ sốt Paracetamol theo đúng liều lượng, cân nặng, chú ý khoảng cách giữa hai lần uống thuốc ghi trong hướng dẫn sử dụng.
– Cần uống bù nước và điện giải cho bệnh nhân bằng Oresol theo đúng hướng dẫn sử dụng. Người bệnh ăn uống bình thường bằng các loại thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo, súp… và uống thêm các loại nước hoa quả như cam, chanh.
Đinh Kim(T/h)