(ĐSPL) - Năm nay đã bước sang tuổi 47 nhưng anh Đỗ Quý Dân (SN 1968), ấp Phú Đa, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre vẫn không chịu già mà cứ mang hình dáng của một đứa trẻ trên 10 tuổi. Đối với nhiều người dung nhan được trẻ mãi không già là một ước mơ, khao khát đến tột cùng, nhưng đối với anh Dân - người được mệnh danh là "bất lão" thì đặc ân đi ngược với quy luật của tự nhiên này lại là một bất hạnh quá lớn đối với cuộc đời anh.
"Bất lão" dẫn đến... bất hạnh
Tìm về xứ cồn ấp Phú Đa, xã Vĩnh Bình, hỏi đến tên anh Quý Dân "bất lão" thì người dân nơi đây không ai không biết. Họ đã thêu dệt nhiều câu chuyện có vẻ hoang đường về kỳ nhân này. Nào là cậu Dân là người của cõi trên nên được trường sinh bất lão, nào là cậu ta có tài bắt ma quỷ, bùa chú... Một người "tốt bụng" còn dặn thêm: "Vào nhà đừng có nói gì hay chỉ trỏ linh tinh kẻo mà bị quở phạt!". Để tìm hiểu sự thật, chúng tôi đã tìm đến tận nhà của kỳ nhân được mệnh danh là... "bất lão" này.
Sau khi hỏi đường, chúng tôi xuống phà đến ấp Phú Đa - một cồn đất lớn nằm giữa sông Cổ Chiêng mênh mông mây nước. Sau gần nửa giờ, băng qua những con đường bê tông hẹp heo hút giữa những vườn cây ăn trái âm u, rậm rạp cũng tìm được nhà của người đàn ông được mệnh danh "bất lão". Đó là một ngôi nhà vách ván nhỏ đầy rêu mốc nằm trên một gò đất cao, hai bên hông nhà là 2 cái ao lớn đầy nước, xung quanh toàn là tre nứa um tùm và đầy những dây leo hoang dại. Gia tài trong nhà cũng chẳng có gì quý giá, ngoài chiếc tivi trắng đen đã cũ, hai chiếc giường nhỏ cùng dăm ba bộ quần áo đã sờn...
Trước sân, một cậu bé khoảng 10, 11 tuổi dáng người thấp đậm trong bộ đồ ngủ cũ sờn đang nô đùa cùng hai đứa trẻ mặc đồng phục học sinh lớp 3. Thấy người lạ cậu bé cất giọng khàn khàn như người lớn: "Má ơi có ai tìm kìa!". Nghe tiếng gọi, một bà lão trong nhà vừa lần cột bước ra, vừa nghe ngóng rồi mời khách vào.
Bà lão cho biết tên bà là Nguyễn Thị Ba (mẹ của anh Dân), nay tuổi đã ngoài 80 nhưng hai mắt bà đã bị lòa nên không nhìn thấy được nữa. Khi được hỏi về câu chuyện anh Dân trẻ mãi không già và những lời đồn thổi thì bà Ba cất tếng gọi cậu bé mặc bộ đồ ngủ vào rồi cho biết: "Đây là thằng Dân con trai tôi. Mọi người đồn vậy chứ nó có phép thuật trường sinh bất lão gì đâu. Có điều là mấy chục năm nay nó ăn không biết bao nhiêu cơm gạo của nhà mà không thấy lớn để cưới vợ như mấy thằng anh nó".
Được biết, anh Dân là con út trong gia đình có 5 anh chị em. Khi trưởng thành, mấy anh chị vẫn phát triển cao lớn bình thường nhưng bất hạnh thay riêng anh Dân chỉ cao vỏn vẹn hơn 92cm và cứ trẻ mãi không chịu già. Quan sát tỉ mỉ, thì khuôn mặt má bầu trắng nhợt của anh cứ như đứa trẻ 12, 13 tuổi, không hề xuất hiện nếp nhăn nào nhưng đôi mắt luôn lờ đờ ti hí như người thiếu ngủ. Tay chân của anh Dân cũng không hề phát triển cơ bắp như một người trưởng thành và dáng người cân đối giống đứa trẻ chứ không như những người bị dị tật lùn bẩm sinh.
hìn vào ngoại hình này thì chắc chắn mọi người sẽ không thể nào nhận biết được anh Dân đang ở độ tuổi ngoài tứ tuần. Nói về nguyên nhân trẻ mãi không già của cậu con út, bà Ba cho biết lúc mới sinh ra anh Dân cũng bình thường như bao đứa trẻ khác, không hề bị nhiễm chất độc màu da cam hay mắc hội chứng down. Khi còn ở tuổi tập đi, tập nói, cơ thể anh phát triển bình thường, đi đứng nói năng như bao đứa trẻ khác.
Dù sống trong cảnh nghèo khó nhưng vợ chồng bà luôn lo đủ cho cậu con út và các anh chị những bữa cơm rau cá hàng ngày. Không những thế mà anh Dân lại ăn nhiều hơn mấy anh chị của mình. Nhưng đến năm 11, 12 tuổi anh Dân bắt đầu ăn ít và ngủ nhiều hơn trước, cơ thể cứ thường xuyên mệt mỏi vì hô hấp kém và ngừng phát triển. Đến năm 17, 18 tuổi, mà cơ thể anh vẫn cứ trông như đứa trẻ, dù gia đình còn nghèo nhưng thương con, vợ chồng bà Ba đưa đứa con tội nghiệp của mình đi khám và điều trị nhiều nơi mà chẳng có kết quả gì.
Các thầy thuốc người thì nói anh bị bệnh ban khỉ, người thì nói anh mắc phải chứng còi xương. Cứ như thế, mỗi người đoán một chứng bệnh nên thuốc uống ngày càng nhiều mà anh Dân vẫn không thể nào trở thành người lớn được. Từ đấy, ông bà chỉ khóc gần hết nước mắt vì đứa con bệnh tật của mình và cố gắng chăm sóc để cậu con có được niềm vui và không bị mặc cảm về ngoại hình. Nhiều năm trôi qua, tuổi tác ngày càng nhiều mà anh Dân vẫn mang hình dạng của một đứa bé. Không những thế mà thể trạng của kỳ nhân này rất yếu, anh hay dễ mắc các bệnh cảm thông thường mỗi khi thời tiết thay đổi. Do thể lực yếu nên anh cũng không thể phụ giúp gia đình làm được những việc nặng nhọc.
Đáng thương hơn, trí lực của anh cứ như một đứa trẻ lên 1. Những việc tắm rửa, vệ sinh hàng ngày của anh đều nhờ một tay người anh kế là Đỗ Thanh Hồng làm giúp. Do đó mà kỳ nhân này cũng không có điều kiện đến lớp để học hành như người bình thường. Anh Dân thường tự ti mặc cảm, lủi thủi một mình, không bao giờ dám rời khỏi nhà. Mỗi khi thấy người lạ đến nhà, anh đều rất hiếu kỳ nhưng lại tỏ ra nhút nhát.
Đã có nhiều người đến thăm anh Dân với mục đích thiện nguyện, rồi vận động gia đình đưa anh đến các cơ sở y tế để khám và điều trị bệnh nhưng đến nay vẫn chưa xác định được căn bệnh của anh Dân và cũng không ai giúp anh được già đi tí nào.
"Trẻ mãi không già" đâu đã phải là sướng...
Đến nay, câu chuyện về anh Dân "trẻ mãi không già" vẫn vậy, nhưng việc gia đình anh vẫn luôn sống trong cảnh nghèo khó, mưu sinh vất vả để kiếm cơm mỗi ngày thì bà con xung quanh ai cũng rõ. Hiện nay anh Dân đang sống cùng người mẹ già mù lòa, người chị gái và anh trai cũng đang bệnh tật, còn những anh chị khác đều có gia đình riêng nhưng ai cũng nghèo khó. Anh Dân ngây ngô như đứa trẻ không có khả năng lao động, còn anh trai của anh Dân là anh Đỗ Thanh Hồng thì bị bệnh sốt huyết đường ruột thân hình gầy gò, xanh xao không thể đi làm.
Trước đây, anh Hồng đi làm đất thuê cho bà con trong ấp phụ giúp gia đình lo kế mưu sinh nhưng từ khi phát bệnh đến nay, anh chỉ nằm liệt giường ở nhà không thể đi đứng nổi. Đáng thương nhất là người mẹ già của họ, đôi mắt đã mù lòa nhưng bà cụ vẫn phải chăm nom 2 đứa con bệnh tật. Trước đây khi mắt còn thấy rõ, bà Ba phải tất bật đi làm cỏ thuê khắp xã để lo miếng ăn hàng ngày cho gia đình. Gần đây, mắt đã mù lòa, sức khỏe yếu kém nhưng bà vẫn thường cùng anh Dân lặn lội đi kiếm con cá, con tép, cọng rau về lo cho bữa cơm của cả nhà.
Hiện nay, tiền cơm gạo của gia đình đều nhờ vào những đồng lương ít ỏi từ người con gái lớn của bà là chị Đỗ Thị Bảnh. Để kiếm tiền, mờ sáng là chị Bảnh đã cùng chiếc xe đạp cũ của mình đến những lò gạch cách đó hơn 5km để làm việc đến chiều tối mới về nhà. Tuổi tác cũng đã lớn nên chị cũng không thể làm được những công việc nặng như trước đây nên trung bình mỗi ngày chỉ kiếm được 50.000 đến 60.000 đồng nhưng công việc cứ bấp bênh khi làm, khi nghỉ.
Nhắc đến hoàn cảnh gia đình mà bà Ba không kìm được nước mắt: "Tôi không nhìn thấy đường, con Bảnh thì bận đi làm lò gạch mỗi ngày, tui lo sợ rủi mình có bề nào thì không ai lo lắng cho thằng Dân và thằng Hồng. Giờ tui chỉ mong sao cho cái nhà nó bớt dột là được rồi. Chứ mỗi khi trời mưa xuống, ở trong nhà mà ai cũng ướt như ở ngoài sân...". Bà Ba chưa nói hết câu thì anh Dân xen vào ngọng nghịu: "Em muốn có cái truyền hình thiệt bự để coi...". Nghe đứa con ngây ngô nói lên mơ ước mà người mẹ càng thêm xót lòng!...
HOÀNG TÂY
Xem thêm video:
[mecloud]Mvv8CHHcU6[/mecloud]