95\% các trường hợp tử vong do sởi xảy ra ở các nước đang phát triển, kém phát triển. Tỷ lệ này ở các nước phát triển chưa đến 0,1\%. Singapore phạt 500-1.000 USD đối với những người làm cha mẹ, người bảo hộ “quên” không cho con tiêm vắc-xin phòng sởi.
Tiêm phòng là cách tốt nhất để tránh bệnh sởi. Ảnh: B.A |
Vài năm trở lại đây, dịch sởi đã bùng phát mạnh ở một số nước trên thế giới. Trong năm 2012, các ổ dịch lớn đã được ghi nhận tại một số nước như: Cộng hòa dân chủ Congo (72.029 ca mắc bệnh), Ấn Độ (18.668 ca), Indonesia (15.489 ca), Pakistan (8.046 ca), Trung Quốc (6.183 trường hợp mắc bệnh). Đáng chú ý rong năm 2013, tại Thổ Nhĩ Kỳ đã có 7.132 trường hợp mắc bệnh sởi, còn tại Hà Lan, con số này là 2.499.
Tại khu vực Milan của Italia cũng đã ghi nhận ít nhất 2.216 ca mắc sởi trong đợt bùng phát dịch vào năm 2013. Đức cũng phát hiện ít nhất 1.772 ca mắc sởi trong cùng năm đầy đủ. Hầu hết, các ca mắc sởi đều chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh và chủ yếu là trẻ nhỏ.
Bệnh sởi vẫn có xu hướng phát triển mạnh trong năm 2014. Từ đầu năm đến nay tại Nhật Bản đã có 253 ca mắc sởi, trong đó có 1 ca bị biến chứng viêm não. Tại Australia cũng đã có là 180 người mắc sởi nhưng không có trường hợp nào tử vong. Đáng chú ý là tại Philippines. Theo thống kê của Bộ Y tế Philippines, kể từ khi công bố dịch sởi bùng phát vào đầu tháng 1 cho tới ngày 24/2/2014 đã có ít nhất 3.734 trường hợp được xác nhận bị mắc bệnh sởi trong tổng số 15.683 ca nghi ngờ, trong đó đã có 23 trường hợp tử vong.
Hồi tháng 1 vừa qua, bác sỹ Eric Tayag - người phát ngôn của Bộ Y tế Philippines - cho biết, các sở y tế tại nước này được yêu cầu công bố bùng phát dịch sởi nếu mỗi ngày có ít nhất 1 trường hợp được xác nhận nhiễm sởi trong 3 tuần liên tiếp.
Nhằm đối phó với dịch bệnh, Bộ Y tế Philippines đã phải huy động một lượng lớn nhân viên y tế để tiến hành một chiến dịch tiêm phòng sởi quy mô lớn tại những nơi có dịch nhằm ngăn chặn vi-rút lây lan.
Bên cạnh đó, giới chức Philippines cũng cho hay, họ vẫn đang thực hiện chiến dịch mở rộng chương trình tiêm chủng nhằm hướng tới mục tiêu tất cả trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi trên khắp nước này sẽ được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi đầy đủ. Vắc-xin phòng bệnh sởi được tiêm miễn phí tại tất cả các trung tâm y tế trên toàn quốc.
Về việc phòng bệnh, tại các nước phát triển, hệ thống y tế gần như là miễn phí và các bậc phụ huynh rất chú trọng đến việc tiêm vắc-xin phòng các bệnh truyền nhiễm cho con cái.
Ngoài ra, tại một số nước như Singapore, chính phủ còn đấu tranh với các bệnh truyền nhiễm bằng luật pháp. Cụ thể, tại nước này, cha mẹ và người bảo hộ bị buộc phải tiêm vắc-xin phòng sởi cho trẻ trong khoảng thời gian trẻ từ 1 đến 2 tuổi. Những người không thực hiện quy định lần đầu tiên sẽ bị phạt 500 USD và mức phạt sẽ tăng lên thành 1.000 USD ở lần vi phạm thứ 2 trở đi.