Người đàn ông này ăn tiết canh, thịt lợn chưa nấu chín nên bị giun xoắn làm ổ trong não, nếu không phát hiện kịp thời có thể đã tử vong.
Tiết canh, thịt sống dễ đoạt mạng người
Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Phó khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt Đới TW kể: Năm 2009, ở Sơn La xảy ra một vụ việc khiến hàng loạt người phải nhập viện trong đó có 2 người đã tử vong vì ăn tiết canh, thịt lợn sề chưa nấu chín.
Con lợn sề nuôi đã lâu bị liệt chân, gia đình thấy tiếc nên làm thịt, đánh tiết canh và làm nem chạo. Trong 26 người ăn thì 23 người bị sốt cao, đau dữ dội toàn thân, thở cũng đau.
Ăn tiết canh, thịt heo chưa nấu chín dễ nhiễm giun xoắn. |
Có 2 người đã tử vong, 6 người được chuyển lên tuyến TW, số còn lại điều trị tại huyện. Khi được điều trị tại bệnh viện TW, các bác sỹ phát hiện những người này bị nhiễm giun xoắn sau khi sinh thiết cơ.
Bác sỹ Cấp cho biết: Bệnh nhân bị nhiễm giun xoắn đau ở cơ, sốt, suy kiệt, thậm chí đau cơ thực quản không nuốt, không thở được. Nếu giun xoắn chui lên tim sẽ làm rối loạn hoạt động tim gây tử vong.
Cách đây vài năm, ông Nguyễn L., ở TP Vinh, Nghệ An rất thích ăn tiết canh. Một hôm, bỗng dưng ông bị lên cơn động kinh, co giật và ngã xuống đường khi đang đi xe. Sau đó 2, 3 tháng liền, ông vẫn bị triệu chứng đau đầu, động kinh và gia đình đưa ông đi khám với nghi ngờ ông bị tai biến mạch máu não.
Tuy nhiên, tại Bệnh viện Đa khoa Nghệ An, sau khi chụp cắt lớp não, bác sỹ phát hiện một tổ kén giun trong não. Ông được chuyển đến Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TW và các bác sỹ kết luận ông L. bị nhiễm giun xoắn lên não có thể do ăn tiết canh, thịt lợn sống.
Nem chạo thường được làm từ bì và thịt lớn chưa chín kỹ nên có nguy cơ gây bệnh do giun xoắn. |
Ths – Bs Huỳnh Hồng Quang, Viện Sốt rét ký sinh trùng – côn trùng Quy Nhơn cho biết: Ông đã gặp một bệnh nhân nữ ngoài 40 tuổi bị viêm màng não do giun xoắn.
Lúc đó, bệnh nhân này 43 tuổi bị suy giảm miễn dịch, nhập viện với bệnh cảnh đa triệu chứng thần kinh lú lẫn, hôn mê, mất tri giác.
Qua khai thác bệnh sử, trước đó khoảng 10 ngày bệnh nhân có triệu chứng nhức đầu, yếu toàn thân, suy nhược và sốt. Bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị viêm xoang, song không có cải thiện. Thân nhiệt tiếp tục tăng khoảng 4-5 độ, bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng mơ màng và phải nhập viện.
Bác sỹ Quang nói: Theo người nhà bệnh nhân thì một tháng trước đó, bệnh nhân ăn xúc xích tự làm, có thể xúc xích làm từ thịt heo chưa được nấu chín.
Khoảng một tuần sau, bệnh nhân có triệu chứng tiêu chảy, đau cơ, khó chịu vùng cổ và nhức đầu vùng trán nhưng không đi khám bệnh ngay. Vào cuối tuần thứ 2, bệnh nhân sốt cao, phù quanh ổ mắt kèm theo đau đầu vùng trán rất dữ dội và suy nhược nặng.
Giun xoắn "tấn công" người thế nào?
Theo BS Quang, nhiễm giun xoắn ở người thường khởi đầu do ăn thịt heo, thịt ngựa hoặc thịt từ các động vật có vú nấu chưa chín nên còn chứa các ấu trùng giai đoạn nhiễm của giun xoắn (Trichinella spiralis) còn sống sót.
Mô cơ thể bị nhiễm đầu tiên là mô của vùng cơ dạ dày, ấu trùng thoát kén rồi xâm nhập vào niêm mạc ruột non, phát triển thành giai đoạn ấu trùng, trưởng thành rồi giao phối vào ngày thứ 2.
Giun xoắn tấn công cơ thể người. |
Đến ngày thứ 6 sau nhiễm, giun cái bắt đầu phóng thích ấu trùng di động để đi đến hệ thống bạch huyết của ruột non hoặc vi mạch nhỏ ở mạc treo tràng. Tiếp đến là vào cơ vân, nó ở đó khoảng 4 tuần, mỗi con cái đẻ ra khoảng 1.500 ấu trùng trong vật chủ không có miễn dịch.
Các cơ hoạt động tích cực thường ngày được cung cấp một lượng máu lớn, bao gồm cơ hoành, cơ hầu họng, lưỡi, hàm, cổ, liên sườn, cơ nhị đầu, cẳng chân, cơ bắp chân và một số cơ khác. Khi bị giun xâm nhập, các ấu trùng bị đóng vỏ có chiều dài đến 0.8-1mm, nằm cuộn tròn bên trong kén.
Vách nang kén được hình thành do hậu quả của quá trình đáp ứng miễn dịch của ấu trùng với vật chủ và ấu trùng đóng kén có thể sống sót trong nhiều năm, quá trình canxi hóa của kén có thể xảy ra trong vòng một năm.
Thông thường khoảng 5 ấu trùng/gam cơ của cơ thể, nếu sự đóng kén của các ấu trùng quá nhiều trên một lượng cơ nhỏ, có thể gây tử vong cho bệnh nhân. Theo y văn đã có trường hợp gần 1.000 ấu trùng đóng kén trong 1 gam cơ.
BS Quang phân tích: Triệu chứng có thể xuất hiện trong vòng 24 giờ đầu, gồm tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng co thắt, quặn bụng, suy nhược toàn thân. Tất cả những triệu chứng như thế khiến chúng ta nhầm lẫn là ngộ độc thức ăn sau khi ăn thịt sống.
Đặc biệt khi có nhiều người bị cùng một lúc lại càng nghĩ đến là ngộ độc mà quên đi các bệnh lý tiêu hóa khác. Các nghiên cứu cũng chỉ ra tiêu chảy trên bệnh nhân có thể kéo dài đến 14 tuần (trung bình 5 - 8 tuần) đi kèm với một ít hoặc không có triệu chứng về cơ.
Trong suốt quá trình xâm nhập vào cơ, bệnh nhân có thể sốt, phù mặt, nhất là phù ổ mắt, đau và sưng phồng cơ và yếu toàn thân. Cơ quanh ổ mắt thường bị đầu tiên, tiếp đến là các cơ hàm, cổ, cơ chi trên và dưới, cơ thắt lưng.
Tổn thương cơ có thể gây ra vấn đề khó nhai, khó nuốt, khó thở, tùy thuộc vào những cơ thuộc cơ quan nào liên quan. Triệu chứng nặng, nghiêm trọng nhất là viêm cơ tim, thường xảy ra tuần thứ 3 sau nhiễm, tử vong xảy ra giữa tuần thứ 4-8, chú ý cơ hô hấp và cơ tim. Các triệu chứng nghiêm trọng khác có thể xảy ra đồng thời thường liên quan đến hệ thần kinh trung ương.
Người ta ước tính khoảng 10-20\% bệnh nhân mắc bệnh giun xoắn Trichinella spiralis có triệu chứng thần kinh trung ương liên quan và tỷ lệ tử vong do nó gây ra khoảng 50\% nếu bệnh nhân không điều trị đúng và kịp thời.
BS Quang khuyến cáo: Ăn tiết canh có băm lẫn cuống họng chưa nấu chín kỹ của con lợn nhiễm giun xoắn là nguy cơ nhiễm loại ký sinh trùng này. Vì vậy, không nên ăn tiết canh, thịt lợn chưa nấu chín để tránh bị giun xoắn làm ổ trong người.