Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ được phục dựng lại trong nhiều năm tới với những khó khăn về kỹ thuật xây dựng, kiến trúc để đảm bảo tái hiện hoàn hảo những phần bị hư hại.
Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ sớm được bắt đầu phục dựng sau đám cháy. Ảnh: Reuters |
Khi ngọn lửa được dập tắt, tro tàn lắng lại, quá trình phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris có thể được bắt đầu. Việc tái xây dựng sẽ mất nhiều năm, có thể đến hơn một thập kỷ. Tuy nhiên, đối với một kiệt tác kiến trúc Gothic nổi tiếng đã từng mất 107 năm để xây dựng và tồn tại hơn 8 thế kỷ, việc xây dựng lại phần nào có thể đánh dấu sự phát triển mới nhất của nhà thờ này.
Những ai cảm thấy tuyệt vọng nhất trong bi kịch này phần nào được xoa dịu, tin tưởng bởi Tổng thống Emmanuel Macron cam kết rằng người Pháp sẽ "cùng nhau xây dựng lại" nhà thờ. Chỉ trong vòng 24 giờ sau vụ cháy, số tiền đóng góp xây dựng lại đã lên tới con số 670 triệu USD. Sự đóng góp hào phóng ngay từ ban đầu này cho thấy rằng kinh phí tài trợ - phần khó khăn nhất của bất kỳ dự án phục hồi lớn nào có thể không phải là điều khó khăn. Vậy, chính xác thì quá trình phục dựng sẽ được thực hiện như thế nào?
An toàn là trên hết
Như với bất kỳ tòa nhà bị hoả hoạn nào, an toàn sẽ là mối quan tâm hàng đầu. Theo các nhà chức trách Pháp, cấu trúc chính (và hai tháp chuông) của Nhà thờ Đức Bà Paris đã được "lưu giữ và bảo tồn" nhưng các phần khác của công trình vẫn có thể có nguy cơ sụp đổ cục bộ và rơi vỡ.
Nhà sử học kiến trúc và phát thanh viên Jonathan Foyle nhận định: “Trước khi phân biệt giữa những gì đã được bảo tồn với không thể phục hồi, cần phải thực hiện ngay lập tức các bước để ngăn ngừa thiệt hại thêm nữa. Đây đã là một tòa nhà ẩm ướt vì nước được bơm vào nó, vì vậy, họ sẽ cần dựng một loại vỏ bọc để bảo vệ bên trong".
“Đó không phải là một nhiệm vụ nhỏ”, ông Frédéric Létoffé, người đứng đầu Tập đoàn các công ty phục hồi di tích lịch sử ở Pháp nói: "Ngoài việc che chắn và gia cố, một hệ thống giàn giáo với mái che sẽ cần phải được xây dựng để đảm bảo bảo vệ chống lại các yếu tố thời tiết".
Ưu tiên hàng đầu cho những người phục chế sẽ là lắp đặt một mái nhà tạm thời trên tòa nhà, theo kiến trúc sư John Burton - một nhà khảo sát các công trình bảo tồn tại các nhà thờ kiến trúc Gothic khác như Canterbury và Tu viện Westminster. Theo ông, điều này sẽ giúp các chuyên gia thực hiện kiểm tra chi tiết toàn khu vực để đi đến kết luận thực chất có bao nhiêu cấu trúc được bảo tồn.
"Kiến trúc Gothic đòi hỏi sự cân bằng. Các thanh chống tỳ từng nâng đỡ cho toàn bộ nhà thờ hiện giờ có thể bị mất cân bằng”, ông nói. “Sau khi bảo vệ phần cốt lõi của tòa nhà, thì các chuyên gia phục hồi sẽ đánh giá mức độ thiệt hại. Quá trình đó có thể mất nhiều năm”.
Việc tái xây dựng nhà thờ sẽ phải chú ý đến việc không gây ảnh hưởng tới những phần nguyên vẹn. Ảnh: CNN |
Một “đội quân” khảo cổ học
Để đưa ra bất kỳ quyết định nào về phương pháp phục dựng, các nhà chức trách Pháp cần hiểu rõ hơn về cách xây dựng nhà thờ thời trung cổ.
"Phần mái còn sót lại và phần móng sẽ tiết lộ các khía cạnh lịch sử của tòa nhà mà có lẽ trước đây chưa được biết đến", Tiến sĩ Foyle nói. "Nhà Thờ Đức Bà Paris hầu như không có hồ sơ xây dựng. Công trình đó bắt đầu vào năm 1163 và cơ bản đã hoàn thành vào khoảng năm 1240. Bằng chứng cho sự phát triển của tòa nhà đó là trong kết cấu vật lý, vì vậy sẽ cần một đội ngũ các nhà khảo cổ học để hiểu rõ hơn về những phần phải sửa chữa thuộc về giai đoạn nào".
Nhà khảo cổ Peter Riddinton tại công ty Donald Insall Associates (Anh) cho biết một trong những bước đầu tiên sẽ là công việc khảo cổ. Ông cũng đã làm công việc phục hồi lâu đài Windsor sau vụ cháy năm 1992. "Điều cực kỳ hữu ích đối với chúng tôi (tại Lâu đài Windsor) là có một mảnh vỡ khảo cổ học", ông nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
“Các nhà điều tra có thể quyết định chia diện tích sàn thành một lưới và phân công một đội để sàng lọc qua mọi ô vuông”, ông Riddington bổ sung. “Họ sẽ chọn bất cứ thứ gì có thể hữu ích – có thể là tàn tích, mảnh vụn để từ đó phục dựng mô hình”.
Khi phần "pháp y" kết thúc, ông Burton cho biết, các ủy ban chuyên môn có thể sẽ được thành lập để đánh giá từng yếu tố - từ kính màu đến mạ vàng. Sau đó, nhà thờ sẽ cần một kiến trúc sư bậc thầy để tạo ra thiết kế tổng thể.
Một chương khác trong “sáng tạo, phá hủy và sửa chữa”
Trên thực tế, công trình đã được cải tạo nhiều lần trong hơn 8 thế kỷ. Ảnh: Getty |
Mục tiêu của sự phục dựng không phải lúc nào cũng là tái tạo quá khứ. Thị hiếu và công nghệ hiện đại có thể ảnh hưởng đến cách mô phỏng lại các cấu trúc bị hư hỏng. Lấy ví dụ, sự tái tạo gần đây của con tàu Cutty Sark từ thế kỷ 19 ở Anh đã tốn khoảng 65 triệu USD. Cấu trúc kính hiện đại, phòng ở tiện nghi đã được thêm vào cơ sở của con tàu, biến nó thành điểm thu hút khách du lịch ở London.
Các nhà chức trách Pháp có thể muốn trung thành với nguyên bản của nhà thờ. Nhưng nước Pháp cũng có thể có một hướng đi táo bạo với một trong những di tích mang tính biểu tượng nhất của quốc gia này. "Có thể sai khi cho rằng nhà thờ sẽ được phục hồi như trước vụ hỏa hoạn, nhưng đó không phải là cách duy nhất", kiến trúc sư Riddington nói. "Nhà thờ đã cũng đã trong quá khứ và nó đã được xây dựng lại theo nhiều phong cách khác nhau trong những năm qua".
Ngọn tháp chuông bị đổ sập trong vụ cháy ngày 15-4 qua, thực ra nó cũng từng bị phá vỡ từ quá khứ và đã được xây dựng lại trong đợt phục hồi lớn hồi thế kỷ 19 bởi kiến trúc sư Eugène Viollet-le-Duc. Nhờ đó, đã ngọn tháp trở nên cao hơn và công phu hơn so với cái đã tồn tại trước đó. Sự phục dựng đó cũng dẫn đến những thay đổi quan trọng khác đối với mặt tiền và nội thất của nhà thờ. "Nhà thờ Đức Bà Paris không phải là một tòa nhà đã bị hóa thạch”, Tiến sĩ Foyle nói. "Nó không hề được giữ nguyên vẹn kể từ đầu thế kỷ 13”.
"Đó không phải là thứ được bảo tồn hoàn hảo mà đã bị phá hủy hoàn toàn vào đêm 15/4. Thay vào đó, có thể xem đây là một giai đoạn đau thương trong lịch sử lâu dài của việc "tạo ra, phá hủy và sửa chữa" theo chu kỳ. Nhà thờ đã trải qua các cuộc cải tạo, và sống qua lịch sử. Tôi nghĩ điều này sẽ chứng tỏ là một chương khác", Tiến sĩ Foyle nói thêm.
Trong khi đó, đối với ông Burton, điều quan trọng là phải thừa nhận những gì đã xảy ra trong quá trình thiết kế mới. "Chúng tôi không muốn xây dựng một bản sao của nhà thờ để nó trông giống như 800 năm trước. Chúng tôi muốn tôn trọng thực tế nó đã từng bị cháy và để lại dấu vết của điều đó - đó là một phần của lịch sử của tòa nhà.
Đội ngũ thợ lành nghề
Nhiều lao động lành nghề và lượng lớn thợ thủ công như thợ xây, thợ mộc, thợ nối và thợ chạm khắc sẽ phải được huy động trong dự án quy mô lớn này.
Ông John David - một thợ xây bậc thầy với hơn 45 năm kinh nghiệm, đã tham gia vào dự án phục dựng York Minster - nhà thờ lớn nhất ở Anh cho biết: "Điều mà tôi nghe nhiều lần là mọi người nói rằng 'chúng ta không thể làm điều này nữa, chúng ta không có những người thợ có khả năng làm điều đó'. Tuy nhiên, chúng tôi có. Chúng tôi có rất nhiều những người thợ như vậy, và chúng tôi cũng có rất nhiều người có thể đào tạo người khác”.
"Họ sẽ cần nhiều người hơn, công việc sẽ không thể tiến hành nhanh chóng được, có lẽ từ 10 đến 12 năm", ông nói. "Đây là cơ hội để họ đào tạo những người thợ thủ công không chỉ cho Nhà thờ Đức Bà Paris mà còn cho các tòa nhà và thảm họa khác. Đây không phải là lần cuối cùng".
PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo CNN)