Điều 113 dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được bàn thảo, chuẩn bị trình Quốc hội thông qua cuối năm nay. Theo đó, quy định về số ngày nghỉ, nghỉ bù được giữ nguyên như hiện hành nhưng sẽ hạn chế hết mức việc hoán đổi ngày làm việc, ngày nghỉ để tránh tạo ra kỳ nghỉ quá dài. Quan điểm này nhận được nhiều ý kiến tranh luận trái chiều của các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp...
Nhiều công nhân muốn có thời gian nghỉ Tết dài để về quê thăm họ hàng. |
Khó có đủ thời gian phục hồi sức khỏe sau dịp Tết
Quy định nghỉ Tết trong Bộ luật Lao động năm 2012 đã được thực hiện từ năm 2013 tới nay và được đa số người dân ủng hộ. Cụ thể, người lao động được nghỉ 5 ngày Tết âm lịch, nếu ngày nghỉ Tết âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.
Tuy nhiên, tính trung bình những năm gần đây, số ngày nghỉ Tết đều ở mức 7-9 ngày do thực hiện hoán đổi ngày làm việc/ngày nghỉ. Có ý kiến cho rằng, kỳ nghỉ Tết âm lịch của Việt Nam như thế là dài so với một số quốc gia trong khu vực, có thể làm ảnh hưởng, gián đoạn kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gia công sản phẩm, hàng hoá xuất khẩu, hiệu quả thực hiện công việc không cao sau khi trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết dài.
Vậy nên, nguyên tắc mới được đề ra trong lần sửa luật này là không thực hiện việc hoán đổi như đã áp dụng những năm qua. Tuy nhiên, điều này cũng đã nhận được nhiều ý kiến tranh luận trái chiều, đặc biệt của những chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp.
Nêu quan điểm về vấn đề này dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trần Thắng, Giám đốc điều hành Golden Gift Việt Nam cho biết: “Với đặc thù hoạt động kinh doanh của công ty, nên cá nhân tôi không đồng tình với đề xuất không hoán đổi ngày nghỉ Tết âm lịch. Vì đa phần nhân sự đều ở các tỉnh, vùng miền xa. Cả năm công ty vất vả làm việc để hoàn thành các kế hoạch trong năm, mọi nhân sự đều mong có kỳ nghỉ Tết dài để có đủ thời gian thăm hỏi gia đình, nghỉ ngơi thư giãn. Nếu thời gian nghỉ chỉ từ 5-7 ngày, nhiều nhân sự cũng chỉ kịp thăm gia đình ngoại, nội và di chuyển cũng hết đến 4-5 ngày, chưa kể việc thời gian di chuyển về thành phố làm việc. Như vậy, người lao động khó đủ thời gian hồi phục để bắt nhịp công việc sau Tết. Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn, thì việc nghỉ dài ngày cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ sản xuất, đơn hàng”.
Nói về việc không nghỉ lễ hoán đổi có ảnh hưởng ra sao đến quyền lợi của người lao động, ông Trần Thắng chia sẻ thêm: “Người lao động, luôn mong muốn thu nhập cao, thời gian làm việc ít, kỳ nghỉ dài. Nên kỳ nghỉ lễ không hoán đổi thì đương nhiên người lao động cũng bị thiệt đi một số quyền lợi được hưởng lương, hoặc các khoản thưởng làm thêm trong kỳ nghỉ Tết. Việc nghỉ Tết hoán đổi có lợi cho người lao động. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng được việc đó. Nên, theo tôi thì Bộ luật Lao động cần có chế độ “mở” để các doanh nghiệp linh hoạt theo đặc thù, điều kiện của mình”.
Nhiều ý kiến cho rằng hoán đổi ngày nghỉ Tết nhằm kích cầu du lịch, vậy bây giờ không hoán đổi nữa thì du lịch liệu có còn kích cầu được? Phân tích thêm về điều này, ông Trần Thắng nhấn mạnh: “Định tính thì chúng ta đều cảm nhận được việc nghỉ dài ngày sẽ kích thích nhu cầu đi lại, du lịch nhiều hơn. Như vậy, các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động du lịch, dịch vụ là người hưởng lợi nhất. Và người dân cũng thoải mái khi có thời gian đi chơi dài ngày. Nếu thời gian nghỉ ít, người dân khó có kế hoạch du lịch dài ngày, thậm chí đa phần người dân không thể đi đâu xa, vì thời gian thăm hỏi gia đình, họ hàng và di chuyển trong mấy ngày Tết chỉ vừa đủ”.
Cần tính toán kỹ
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, vấn đề ở đây là cần phải có chế độ mở, xây dựng luật theo hướng mở để đảm bảo quyền lợi của người lao động, ông Trần Thắng bày tỏ: “Tôi đồng tình quan điểm này, vì mỗi doanh nghiệp có đặc thù sản xuất kinh doanh riêng. Thậm chí nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp liên tục, thông Tết để kịp tiến độ, các ký kết đơn hàng.
Ngoài ra, việc nghỉ dài ngày thì có lợi cho người lao động, nhưng không hẳn doanh nghiệp nào làm ăn cũng thuận lợi. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp hàng ngàn nhân sự, ngày nghỉ dài sẽ khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, trong khi đó vẫn phải chi trả lương cho người lao động. Vậy nên, tôi nghĩ Bộ luật Lao động có thể để chế độ mở, tuỳ điều kiện mỗi doanh nghiệp, đơn vị mà có thể áp dụng hoán đổi ngày nghỉ, hoặc không hoán đổi. Vì tôi được biết, nhiều doanh nghiệp muốn có chế độ tốt hơn để thu hút nhân sự, để giữ nhân sự gắn bó lâu dài, họ còn có chính sách lương, thưởng, ngày nghỉ nhiều hơn luật quy định”.
Cũng trao đổi thêm với PV báo ĐS&PL về vấn đề này, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu giá cả (bộ Tài chính) cho rằng: “Tôi được biết, về ngày nghỉ Tết kéo dài thế nào cũng được đưa ra nhiều phương án bàn bạc, nếu ngày nghỉ ít thì không tạo điều kiện cho những người lao động ở xa về quê, còn ngày nghỉ dài quá thì cũng ảnh hưởng đến tinh thần lao động. Nhìn ở phương diện chung, tôi nghĩ rằng nghỉ 5-7 ngày như dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) là hợp lý, nhưng tuỳ vào điều kiện, tình hình cụ thể cũng cần cân nhắc thêm, nên nghiên cứu, xây dựng luật theo hướng mềm hơn chứ không nên cứng nhắc như vậy”.
ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhìn nhận: “Về vấn đề ngày nghỉ lễ, Tết thì nên giữ nguyên tinh thần như Bộ luật Lao động hiện nay, có hoán đổi ngày nghỉ hay không sẽ để cho Chính phủ chủ động điều hành. Còn theo tôi nghĩ, kỳ nghỉ Tết dài sẽ có 2 mặt. Thứ nhất, về mặt hạn chế sẽ kéo theo hệ quả như năng suất lao động bị ảnh hưởng sau kỳ nghỉ dài, an toàn giao thông. Tuy nhiên, cũng có mặt tích cực như công nhân, người lao động sẽ có thời gian dài để về quê, giải tỏa ùn tắc giao thông vào những ngày đầu và ngày cuối kỳ nghỉ...
Vì vậy, luật cũng không nên quy định cứng ngày nghỉ Tết âm lịch. Đối với các doanh nghiệp, họ có thể chủ động tùy vào điều kiện đơn vị của mình để tính ngày nghỉ Tết cho phù hợp, có thể thông quy thỏa ước lao động tập thể.
Nếu doanh nghiệp có thể đáp ứng quyền lợi cho người lao động tốt hơn theo quy định của Bộ luật Lao động thì họ có thể thỏa ước với người lao động. Doanh nghiệp có thể cho người lao động nghỉ Tết nhiều hơn 5 – 7 ngày, cái đó cứ để họ chủ động. Trừ lĩnh vực cung cấp dịch vụ công thì cần đề cao theo quy định”.
Công nhân lo quyền lợi bị ảnh hưởng Chị Vương Thị Huyền (quê Phú Thọ), công nhân tại khu công nghiệp Hoàng Mai, Hà Nội bày tỏ: “Tôi quê ở Phú Thọ, còn chồng quê tận Quảng Bình. Mỗi lần về quê, chi phí rất tốn kém. Lương công nhân như tụi tôi mà lo nuôi con cái, trang trải cuộc sống hàng ngày thì cũng coi như hết, tiết kiệm lắm cũng chả dư được mấy đồng. Có khi cả năm, nhà tôi mới có dịp về quê nội 1 – 2 lần. Nếu chỉ nghỉ Tết 5 – 7 ngày thì đúng là quá cập rập, về quê nội thôi cũng chưa có thời gian thư thả, chứ chắc chắn không thể về bên ngoại. Vì vậy, tôi nghĩ Nhà nước nên cho hoán đổi ngày nghỉ Tết để chúng tôi có điều kiện được nghỉ dài ngày hơn. Mặt khác, nếu giả sử, bộ phận công nhân nào phải làm việc trong kỳ nghỉ Tết để cho kịp tiến độ sản xuất hàng hóa thì họ cũng được hưởng chế độ cao hơn, quyền lợi không bị ảnh hưởng. Bởi, đối với công nhân như chúng tôi thì một đồng cũng quý”. |
Nguyễn Hường- Hoàng Bích
Bài đăng trên Đời sống & Pháp luật Chủ Nhật số 27