Đã từng được coi là “hạt giống đỏ” của ngành công an, nhưng chỉ vì một lần lầm lỡ, Nguyễn Đình Tâm trượt dài trong tội lỗi. Khi hành vi phạm tội bị phát hiện, Tâm núp dưới bóng áo cà sa để trốn truy nã. Chuỗi ngày ẩn mình nơi cửa Phật, trong lòng tên cướp vẫn dằn vặt không lúc nào nguôi...
Vượt ngục
Như Pháp luật Việt Nam đã phản ánh trong số báo trước, đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma, hành vi lừa đảo cướp tài sản công dân của tâm và đồng bọn đã bị bại lộ. Tâm phải ra tòa chịu sự trừng phạt của pháp luật.
Sau khi án có hiệu lực, Nguyễn Đình Tâm được đưa đến Trại giam An Điền của Bộ Công an (đóng tại xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) để chấp hành án. Chân đã quen đi khắp nơi, tay đã quen đếm tiền trong ví người khác nên những ngày trong trại giam khiến Tâm cảm thấy ngột ngạt.
Đầu tháng 10/1983, lợi dụng lúc ra ngoài lao động, Tâm đã nhặt một thanh sắt giấu mang vào trong phòng giam, sau đó cùng phạm nhân Trần Văn Khải (ngụ xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) đục tường nhà giam để tìm đường “về với tự do”.
Hàng đêm, khi các phạm nhân chìm vào giấc ngủ, Tâm và Khải kiên nhẫn khoét từng tí hồ trên vách tường. Sau một tháng trời như thế, Tâm và Khải đã đục thủng tường một lỗ to đủ người chui lọt. Đêm 29/10/1983, trời mưa tầm tã. Nhân cơ hội này, Tâm và Khải đã trốn khỏi nơi giam giữ.
|
Nguyễn Đình Tâm 31 năm về trước. |
Đào thoát khỏi trại giam, Tâm đón xe đi một mạch vào tận tỉnh Hậu Giang và dừng chân tại ấp Phú Quới (xã Long Thạnh, huyện Cái Răng). Tại đây, Tâm lấy tên là Nguyễn Đình Dầy (sinh ngày 10/8/1951). Biết rằng bản thân mình đang bị công an truy lùng ráo riết nên Tâm luôn sống khép mình, ít giao du và tuyệt đối không vi phạm pháp luật.
Ai hỏi Tâm về cha mẹ Tâm đều trả lời bị thất lạc gia đình từ bé. Nhiều cô gái say mê Tâm bởi vẻ hiền lành và dáng người cao ráo, đẹp trai. Thế nhưng, trái tim Tâm đã không còn rung động, bởi nỗi đau từ tình yêu ngày xưa vẫn hằn sâu trong lòng...
Trong thời gian sống tại ấp Phú Quới, Tâm được người dân ở đây yêu thương, tin tưởng. Thật ra, khi bước chân đến đây, Tâm đã cố vùi chôn quá khứ và làm lại cuộc đời.
Thời gian đầu cũng nhiều đắng cay, gian khổ, nhưng vốn là người tự lập từ bé nên Tâm dễ dàng vượt qua. Rồi vì muốn mai danh ẩn tích, thêm nỗi hối hận với quá khứ, Tâm sống khép mình, không rượu chè, trai gái, cũng chẳng gây điều tiếng gì trong cuộc sống thường ngày. Năm 1985, Tâm làm đơn xin chính quyền địa phương cho nhập khẩu vào nhà một người dân trong vùng.
Sống nơi đất khách quê người, nhiều lúc Tâm cũng rất muốn về lại Quảng Nam để được gặp gia đình, người thân. Nhưng cái án tù, cộng thêm tội vượt ngục khiến Tâm không đủ can đảm để quay trở về. Khi tuổi càng về chiều, Tâm càng lo lắng, bất an khi nhớ đến quá khứ tội lỗi của mình.
Tâm muốn ẩn thân một nơi nào đó, xa hẳn thế giới trần tục và không ai nhận ra kẻ từng cướp bọc ngang dọc ở các bến xe, nhà ga năm xưa. Chuyện tình duyên, Tâm càng muốn tránh xa, vì thế năm 1998, Tâm quyết định đi tu và đến Quan Âm tu viện ở TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) xin xuất gia.
Năm 1999, Trụ trì Quan Âm tu viện đã đưa Tâm đến tu tại chùa Tây Phương (xã Tân Hòa, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Từ khi sống dưới mái chùa, Tâm cảm thấy như tìm về được quê hương. “Ngã Phật từ bi”, không ai hỏi điều gì về quá khứ của bậc tu hành. Thế nhưng, trong lòng Tâm, ngày ngày vẫn cảm thấy ăn năn, cắn rứt...
Chuyên án mang bí số A10
Sau khi Nguyễn Đình Tâm trốn khỏi Trại giam An Điềm, cơ quan công an đã ra quyết định truy nã số 269 đối với Nguyễn Đình Tâm về tội “Cướp tài sản” và “Trốn khỏi nơi giam giữ”.
Ngày 12/3/2014, để kịp thời bắt giữ phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án phạt tù giam, phòng Cảnh sát Truy nã tội phạm - Công an tỉnh Quảng Nam đã xác lập chuyên án mang bí số A10 truy bắt Nguyễn Đình Tâm để xử lý nghiêm trước pháp luật.
|
Ngôi chùa nơi Tâm ẩn mình thời gian qua. |
Sau một thời gian nghiên cứu hồ sơ và thu thập, xác minh thông tin, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Quảng Nam đã xác định Nguyễn Đình Tâm năm xưa chính là tu sĩ mang pháp danh Minh Thuận.
2/4/2014, các trinh sát đã có buổi làm việc với tu sĩ Minh Thuận tại UBND xã Tân Hòa. Không quanh co chối cãi, cũng không quá lo lắng, hoảng sợ, người đàn ông mặc áo nâu sòng nhận mình đích thực là Nguyễn Đình Tâm, kẻ bị truy nã 31 năm về trước.
Có lẽ, sau quãng thời gian 15 năm nương nhờ chốn cửa Phật, Tâm phần nào đã thấu hiểu được lời răn: “Đáng khâm phục nhất của đời người là vươn lên sau khi vấp ngã”...
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khoac-ao-ca-sa-cuu-cong-an-khong-thoat-lenh-truy-na-a32634.html