Thanh Hóa là một trong 8 tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng được triển khai chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn do Ngân hàng Thế Giới tài trợ.
Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tại tỉnh Thanh Hóa do Ngân hàng Thế Giới tài trợ được triển khai đã giúp nhiều hộ gia đình nông thôn có vốn để đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình nước sạch, công trình vệ sinh, nhằm đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Thanh Hóa là một trong 8 tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng được triển khai chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn do Ngân hàng Thế Giới tài trợ. Đây là chương trình cung cấp nước sạch bền vững cho 340.000 gia đình, 130 hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tập trung quy mô xã và liên xã cấp nước cho 240 xã tại 8 tỉnh; trong đó tỉnh Thanh Hóa có 30 xã nằm trong các hợp phần của chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Dự án nước sạch cung cấp nước huyện Hậu Lộc. Ảnh: Tường Lâm/Báo ĐCS |
Qua đó, chương trình đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực về môi trường, giúp hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh được sử dụng nguồn nước sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao sức khỏe cho cộng đồng.
Trong năm 2017, chương trình cung cấp nước sạch bền vững cho 340.000 gia đình, 130 hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tập trung quy mô xã và liên xã cấp nước cho 240 xã tại 8 tỉnh; trong đó tỉnh Thanh Hóa có 30 xã nằm trong các hợp phần của chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Số người được hưởng lợi từ công trình nước sạch bền vững, theo kế hoạch năm 2017 là 57.250 người, kết quả thực hiện là 46.851 người (đạt 81,3% mục tiêu) từ công trường cấp nước sạch 9 xã huyện Nga Sơn.
Ngoài ra, Ngân hàng thế giới cũng tài trợ trong chương trình các công trình vệ sinh. Công trình vệ sinh hộ gia đình xây mới do Trung tâm y tế dự phòng tỉnh thực hiện. Theo kế hoạch năm 2017 là 3.025 nhà tiêu hợp vệ sinh được xây mới, kết quả thực hiện đạt 5.550 nhà tiêu hợp vệ sinh (đạt 181% mục tiêu).
Kết quả thực hiện các công trình vệ sinh ở trường học, trạm y tế có 6 xã có trường học, trạm y tế duy trì được tình trạng vệ sinh (đạt 100% kế hoạch) gồm xã Xuân Trường, Hà Vân, Thiệu Tiến, Thăng Long, Hải Châu và xã Thanh Thủy…
Các hoạt động năm 2017 về cấp nước sạch và vệ sinh đã giúp cho nhiều xã trong tỉnh cải thiện điều kiện sử dụng nước sạch và vệ sinh với 13.662 đấu nối nước mới từ công trình cấp nước tập trung, 5.550 nhà tiêu hợp vệ sinh được xây dựng, 46.851 người được hưởng lợi từ công trình cấp nước bền vững. Đồng thời góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới của các địa phương.
Trước đó, đầu năm 2015, dự án nước sạch cung cấp nước cho 7 xã (xã bãi ngang, phụ cận) vùng ven biển huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) từ Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn dựa trên kết quả tại 8 tỉnh đồng bằng sông Hồng do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ nguồn vốn đã được đưa vào sử dụng.
Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường Thanh Hóa cho biết: Công trình cấp nước sạch sinh hoạt tập trung cho 7 xã (Hưng Lộc, Hải Lộc, Đa Lộc, Hoa Lộc, Hòa Lộc, Minh Lộc, Phú Lộc) vùng ven biển Hậu Lộc được xây dựng tại xã Minh Lộc với tổng nguồn vốn hơn 230 tỷ đồng, công suất thiết kế 7.500m3/ngày đêm đủ khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch, toàn bộ nguồn vốn do WB tài trợ và 10% vốn đối ứng đóng góp của nhân dân.
Công trình được khởi công xây dựng từ cuối 2013, đến đầu năm 2015 nhà máy nước đã hoàn thành, hệ thống đường ống dẫn nước đã được lắp đặt, đưa vào sử dụng. Lúc đầu thực hiện người dân còn chưa tin tưởng, bây giờ dự án đi vào hoạt động người dân không ai bảo ai tiếp tục đăng ký và đấu nối sử dụng. Tính đến 15/12/2014 đã có 13.178 hộ dân đăng ký sử dụng với trên 54.000 người, đạt hơn 95% và hiện tại số hộ đăng ký sử dụng vẫn đang tiếp tục tăng lên.
Khi đưa vào sử dụng, công trình đã giải quyết tình trạng thiếu nước sạch cho một vùng dân cư rộng lớn nơi đây bởi hàng năm vào mùa khô từ tháng 12 đến tháng 6 năm sau tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước nhiễm mặn vẫn thường xuyên diễn ra.
Hữu Bằng