Việc khánh thành nhà máy linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine được đánh giá có ý nghĩa quan trọng, góp phần đẩy nhanh quá trình thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng.
Trong khuôn khổ các hoạt động xúc tiến đầu tư nhân dịp kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng TP Đà Nẵng (29/3/1975-29/3/2019), sáng ngày 29/3/2019, tại khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã diễn ra lễ khởi công xây dựng dự án Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine, lễ thông tuyến khớp nối hạ tầng kỹ thuật dự án khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung với Khu Công nghệ cao Đà Nẵng và lễ khánh thành khu CNTT tập trung giai đoạn 1.
Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine có tổng vốn đầu tư 170 triệu USD được đầu tư bởi nhà đầu tư UNIVERSAL ALLOY CORPORATION ASIA PTE., LTD (Singapore). Mục tiêu dự án là đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, gia công và lắp ráp các bộ phận, linh kiện hàng không vũ trụ bằng hợp kim nhôm và composite; đúc và đùn ép hợp kim nhôm (phục vụ sản xuất các bộ phận, linh kiện và sản phẩm trong ngành công nghiệp hàng không vũ trụ); gia công và xử lý bề mặt các bộ phận, linh kiện và sản phẩm bằng hợp kim nhôm trong ngành công nghiệp hàng không vũ trụ; lắp ráp các linh kiện và sản phẩm trong ngành công nghiệp hàng không vũ trụ.
Mới đây, ông Phạm Trường Sơn - trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp TP Đà Nẵng - cho biết sau một năm xây dựng, Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine đã hoàn thành, chính thức đi vào hoạt động giai đoạn 1 tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng.
Nhà máy được vận hành theo quy trình khép kín, trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị, công nghệ hiện đại,... |
Nhà máy có diện tích 16,7ha, công suất thiết kế 12.470 tấn hệ mét/năm. Trong đó, giai đoạn 1 xây dựng trên diện tích 10,9ha với mặt bằng khu sản xuất 4,7ha, quy hoạch thành các phân khu sản xuất các bộ phận chi tiết dùng trong ngành hàng không vũ trụ, nguyên liệu thô và lắp ráp bằng vật liệu hợp kim nhôm.
Nhà máy vận hành theo quy trình khép kín, trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị, công nghệ hiện đại, áp dụng nghiêm ngặt các quy định của hệ thống quản lý an toàn quốc tế. Các sản phẩm được xuất khẩu đi các thị trường châu Âu, Bắc Mỹ và Malaysia.
Hiện Tập đoàn UAC tại Việt Nam đang gia công các linh kiện phức tạp từ hợp kim nhôm sẵn sàng giao đến cho khách hàng, hướng đến mục tiêu đến năm 2021 có giá trị xuất khẩu đạt 25 triệu USD, năm 2022 đạt 82 triệu USD và từ năm 2026 đạt hơn 180 triệu USD.
Được biết, giai đoạn 2 dự án sẽ tiếp tục hoàn thành vào tháng 4-2023, mở rộng sản xuất bộ phận chi tiết dùng trong ngành hàng không và sản xuất nguyên liệu thô bằng vật liệu composite.
Thanh Tùng (T/h)