(ĐSPL) - Nguyên nhân khiến thịt lợn chuyển màu đỏ bất thường là do một loại vi khuẩn có thể gây viêm màng não, nhiễm trùng máu hay viêm phổi gây ra.
Như báo Đời sống và Pháp luật đã đưa tin, vào khoảng trưa ngày 19/3, gia đình ông Nguyễn Xuân Quế (trú tại tổ dân phố 3, phường Hà Huy Tập, Hà Tĩnh) có mua 4 lạng thịt lợn về để ăn. Sau khi luộc chín, ăn không hết, phần còn lại gia đình ông Quế cất vào tủ đồ ăn, tuy nhiên đến trưa ngày 21/3, ông Quế phát hiện ra miếng thịt luộc đã chuyển sang màu đỏ tươi như máu.
Trường hợp tương tự cũng xảy ra với gia đình bà Nguyễn Thị Sâm, bà Sâm cũng mua xương sườn và thịt cùng hàng thịt với ông Quế. Sau 2 ngày cất trong tủ lạnh, đến sáng 21/3 mang ra kiểm tra, thì bà Sâm bàng hoàng phát hiện cả phần thịt và xương cũng chuyển màu đỏ bất thường.
Ngay sau khi nhận được tin báo của người dân, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Hà Tĩnh đã lấy mẫu xét nghiệm và ngày 23/3 đưa ra kết luận ban đầu thịt lợn chuyển màu đỏ tươi là do nấm hoặc vi khuẩn chưa xác định gây nên.
Tuy nhiên, để xác định chính xác là loại nấm hoặc vi khuẩn gì thì Chi cục đã phải gửi mẫu thịt ra Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh an toàn thực phẩm Quốc gia để xác định cụ thể loại vi khuẩn này.
|
Thịt lợn có màu đỏ như máu do vi khuẩn Serratia Marcescens - loại vi khuẩn có thể gây ra bệnh viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm màng não - gây ra. |
Mới đây, Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh an toàn thực phẩm Quốc gia đã đưa ra kết quả kiểm nghiệm thịt lợn có màu đỏ bất thường. Theo kết quả đó, thịt lợn có màu lạ là do vi khuẩn Serratia Marcescens - loại vi khuẩn có thể gây ra bệnh viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm màng não gây ra.
Sáng 5/4, ông Phan Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Hà Tĩnh đã xác nhận thông tin này. Theo đó, vi khuẩn Serratia Marcescens chính là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng thịt lợn chín chuyển màu đỏ như máu.
Loại vi khuẩn này khá phổ biến. Nó thường được tìm thấy trong đất, nước, thực vật và động vật. Phương thức lây truyền của vi sinh vật này bằng cách liên hệ trực tiếp hoặc bằng ống thông.
“Loại vi khuẩn này có thể gây nên bệnh viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm màng não và áp xe não, nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng mắt. Chúng xâm nhập vào thức ăn từ môi trường không khí, nước, người bệnh” - ông Hùng khuyến cáo.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ket-luan-nguyen-nhan-thit-lon-chuyen-mau-do-bat-thuong-a28249.html