+Aa-
    Zalo

    Keangnam trước nguy cơ phá sản: Cư dân Keangnam mất trắng 160 tỷ?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Khi thông tin về việc tập đoàn Keangnam đứng trước nguy cơ phá sản được công bố, người dân tại Keangnam tá hỏa vì nguy cơ mất trăng 160 tỷ đồng...

    (ĐSPL) - Khi thông tin về việc tập đoàn Keangnam đứng trước nguy cơ phá sản được công bố, người dân tại 2 tòa chung cư do Keangnam làm chủ đầu tư tá hỏa bởi họ đứng trước nguy cơ mất trắng 160 tỷ tiền quỹ bảo trì.

    Kể từ khi bắt đầu được đưa vào sử dụng cho đến nay, tòa nhà cao nhất Việt Nam Keangnam Landmark Tower luôn là tâm điểm của những tranh cãi. 

    Mới đây nhất, khi mà những thông tin về việc tập đoàn Keangnam đứng trước nguy cơ phá sản được công bố, thì người dân tại 2 tòa chung cư do đơn vị này làm chủ đầu tư mới tá hỏa, khi mà hàng loạt quyền lợi của họ nhiều khả năng sẽ không được đảm bảo.

    Kể từ khi bắt đầu được đưa vào sử dụng cho đến nay, tòa nhà cao nhất Việt Nam Keangnam Landmark Tower luôn là tâm điểm của những tranh cãi. 

    Sau hơn 4 năm (từ tháng 3/2011 đến tháng 4/2015) ròng rã đấu tranh với chủ đầu tư thông qua con đường công văn, đàm phán không đạt kết quả, cư dân ở chung cư Keangnam Hanoi Landmark Tower đang hoang mang trước nguy cơ mất trắng số tiền quỹ bảo trì lên tới hơn 160 tỷ đồng, hiện vẫn chưa được hoàn trả cho Ban Quản trị (BQT).

    Với hơn 900 căn hộ đã được bán ra, tổng số tiền quỹ bảo trì của chung cư cao cấp Keangnam Hà Nội lên tới 160 tỷ đồng. Số tiền này, theo quy định của Bộ xây dựng đã được chủ đầu tư tính vào tiền căn hộ khi tiến hành giao dịch mua bán.

    Cũng theo quy định trên, chủ đầu tư có trách nhiệm chuyển lại khoản tiền này cho người dân ngay khi thành lập Ban quản trị tòa nhà. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tức là 3 năm sau khi có Ban quản trị, số tiền bảo trì của chung cư này vẫn chưa được chuyển giao.

    Ông Trần Xuân Trạch, Phó Bí thư chi bộ chung cư Keangnam Hà Nội cho biết: "Tòa nhà này được bàn giao tháng 3/2011. Theo quy định của Bộ xây dựng thì chủ đầu tư khi thu số tiền bảo trì thì phải gửi vào một ngân hàng nào đó, nhưng chủ đầu tư Keangnam đã không làm việc đó và đến bây giờ họ vẫn chiếm dụng".

    4 năm liên tục, Ban quản trị gửi công văn, đối thoại trực tiếp, đề nghị chủ đầu tư Keangnam hoàn trả ngân sách quỹ bảo trì nhưng không thành công.

    Công văn của cư dân chỉ được Keangnam Vina phúc đáp lại 4 lần. Trong công văn trả lời Ban quản trị tòa nhà gần nhất ngày 27/3/2015, phía Keangnam Vina đã có thông báo chi tiết về số tiền quỹ bảo trì hiện có, số đã sử dụng và phương án chi trả phần còn lại. Cụ thể, tổng quỹ bảo trì tính đến ngày 27/3/2015 là hơn 125 tỷ đồng (đã bao gồm phần lãi suất ngân hàng). Phần đã sử dụng là 1,7 tỷ đồng.

    Còn lại hơn 123 tỷ đồng, Keangnam Vina cho biết sẽ trả mỗi tháng 5 tỷ đồng, từ nay đến năm 2039. Tuy nhiên, cư dân Keangnam không đồng ý với phương án "không an toàn" nói trên do số tiền trả hàng năm còn thấp hơn lãi suất ngân hàng. Trước khi gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng, đại diện cư dân Keangnam đã có 2 lần gửi đơn kiến nghị lên Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội vào năm 2013 và 2014, song chưa nhận được phản hồi.

    Theo đại diện cư dân tổng số tiền 2\% quỹ bảo trì cư dân đã đóng lên đến 160 tỷ đồng, chưa kể lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, chủ đầu tư chỉ cho rằng có tổng thể 125 tỷ đồng.

    Ông Nguyễn Tuấn Anh, cư dân của chung cư Keangnam cho biết thêm: "Keangnam nói rằng đã chuyển số tiền bảo trì về công ty mẹ, và chủ đầu tư Keangnam nói là sẽ trả lại chúng tôi phí bảo trì theo cách mỗi năm sẽ trả 5 tỷ. Nghe thực là nực cười, bởi với 160 tỷ tiền phí bảo trì, nếu gửi ngân hàng thì thừa sức hàng năm chúng tôi có được số tiền mà chủ đầu tư nói sẽ chi trả hàng năm. Như thế là chủ đầu tư Keangnam hoàn toàn chiếm dụng vốn hơn 4 năm nay, và không chịu trả chúng tôi cả vốn lẫn lãi, mà chỉ trả phần lãi, còn phần vốn (160 tỷ) họ vẫn hoàn toàn chiếm dụng. Điều đó thực sự vô lí".

    Theo bảng tính toán chi phí bảo trì chung cư Keangnam Hà Nội năm 2014, số tiền dùng cho vận hành 2 tòa nhà này lên tới gần 1,3 tỷ đồng/năm.

    Ban Quản trị tòa nhà Keangnam cho biết, dù đã thành lập được 3 năm nay, xong mỗi khi cần sử dụng đến quỹ bảo trì đơn vị này lại phải thông báo qua phía chủ đầu tư. Dù rằng về quy định, số tiền này phải do Ban Quản trị tòa nhà quản lí.

    Điều này đặt ra vấn đề, đó là trong trường hợp chủ đầu tư không thể hoàn trả tiền quỹ bảo trì, người dân chung cư này nhiều khả năng sẽ phải bỏ ra số tiền khổng lồ để duy trì vận hành tòa nhà. Đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra khi mà những báo cáo mới đây cho thấy tương lai ảm đạm của chủ đầu tư đến từ Hàn Quốc.

    Ông Phạm Văn Công, Ban Quản trị chung cư Keangnam Hà Nội cho biết: "Số tiền hàng năm bỏ ra để bảo trì cho tòa nhà chung cư Keangnam khoảng 1,5-2 tỷ đồng. Những hạng mục cần bảo trì gấp thì phía chủ đầu tư Keangnam mới chi trả để bảo trì. Nếu số tiền bảo trì mà chủ đầu tư Keangnam không trao trả cho cư dân để vận hành tòa nhà sẽ rất khó khăn. Ví dụ các hệ thống: Điều hòa, thang máy, hệ thồng điện quá trình sử dụng sẽ phải thay thế nhiều, do đó, nếu không có số tiền bảo trì trên thì cư dân sẽ phải đóng thêm để bảo trì cho các hạng mục này.

    Nhận định về sự việc xảy ra tại chung cư Keangnam, các chuyên gia pháp luật cho rằng, trong trường hợp tòa nhà Keangnam được chuyển giao cho một đơn vị khác thì chủ đầu tư vẫn phải có nghĩa vụ hoàn trả quỹ bảo trì cho người dân.

    "Các hộ dân hoàn toàn có quyền đề nghị 3 bên tham gia liên quan tới việc đàm phán thỏa thuận về quỹ bảo trì đó. Giả sử khoản tiền đó Keangnam Vina đã sử dụng hết, và chủ đầu tư mới, khi nhận chuyển nhượng lại sẽ phải thanh toán một khoản tiền để thế quyền sở hữu đối với chung cư Keangnam, thì các hộ dân hoàn toàn có quyền tham gia và yêu cầu trích đúng bằng khoản tiền quỹ bảo trì tòa nhà từ chủ đầu tư mới sang cho các hộ dân thay vì thanh toán cho Keangnam Vina", Luật sư Nguyễn Văn Thái, Công ty luật hợp danh Bross and Partners gợi ý.

    Những lá đơn kiến nghị của người dân gửi đến các cơ quan quản lí từ chính quyền Hà Nội, cho tới Bộ Xây dựng, và cả tới Thủ tướng Chính phủ đều chung một lo lắng sẽ bị mất trắng số tiền bảo trì 160 tỷ nói trên. Hơn lúc nào hết cư dân tòa nhà Keangnam mong muốn sự vào cuộc của cơ quan chức năng để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân.

    Trong đơn kiến nghị gửi lên Thủ tướng ngày 8/5, Ban quản trị tòa nhà cũng dẫn Quyết định số 08/2008/QĐ-BXD về quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư, đồng thời bày tỏ lo lắng sẽ bị mất trắng số tiền nói trên.

    Theo đơn, đại diện cư dân tòa nhà KeangNam cho biết theo quy định của Bộ Xây dựng về quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư, 2\% quỹ bảo trì của tòa nhà (trị giá khoảng 160 tỉ đồng) sẽ được chuyển lại cho ban quản trị để duy tu, bảo trì tòa nhà.

    Tuy nhiên, trước thông tin tập đoàn Keangnam tại Hàn Quốc có nguy cơ phá sản, cư dân KeangNam lo ngại chủ đầu từ không còn khả năng thanh toán, rao bán tòa nhà 72 tầng này dẫn tới việc cư dân có khả năng mất trắng khoản tiền bảo trì này.

    Trong đơn, Ban quản trị tòa nhà Keangnam kiến nghị Thủ tướng giao cho UBND TP Hà Nội, các bộ ngành liên quan yêu cầu chủ đầu tư Keangnam khẩn trương hoàn trả quỹ bảo trì 2\%, sau khi được cơ quan chức năng tính toán chính xác số tiền quỹ.

    Trong trường hợp tập đoàn Keangnam tại Hàn Quốc bị phá sản phải bán tòa nhà 72 tầng, cư dân kiến nghị Chính phủ chỉ chấp nhận chuyển nhượng tài sản sau khi đã hoàn trả cho cư dân tòa nhà khoản quỹ này.

    Theo thông tin được công bố trước đó, tổng ngân sách đầu tư cho dự án Hanoi Keangnam Landmark Tower là 1,05 tỷ USD. Tuy nhiên, do 2 khối nhà chung cư 48 tầng A&B đã được bán đứt cho cư dân nên giá trị bán ra của công trình chỉ còn lại là tòa nhà cao 72 tầng nói trên.

    Ngọc Anh (Tổng hợp)


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/keangnam-truoc-nguy-co-pha-san-cu-dan-keangnam-mat-trang-160-ty-a94368.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.