Theo thông tin trên báo Người lao động, ngày 27/2, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Indonesia, ông Zulkifli Hasan, cho biết Chính phủ Indonesia vừa quyết định tăng thêm hạn ngạch nhập khẩu gạo trong năm 2024 thêm 1,6 triệu tấn do sản xuất gạo trong nước bị thiếu hụt.
Trước đó, Bộ Thương mại Indonesia đã cấp giấy phép nhập khẩu gạo cho 2 triệu tấn nên năm 2024 nước này sẽ nhập khẩu 3,6 triệu tấn gạo.
Trong vài ngày gần đây, giá gạo tại Indonesia tăng mạnh do nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng, hiện tượng gạo khan hiếm đã diễn ra tại một số siêu thị.
Tính tới tháng 2/2024, Indonesia đã trải qua 8 tháng thâm hụt gạo liên tiếp do sản xuất trong nước thấp hơn so với nhu cầu. Bộ trưởng Thương mại Indonesia đã phải đề nghị người dân chuyển sang mua gạo bình ổn giá của chính phủ để tránh việc giá gạo tăng quá cao trên thị trường tự do.
Giá bán gạo lẻ tại thị trường lên tới 80.000 Ru-pi (tương đương 5,17 USD/5kg, tức hơn 25.000 đồng/kg) so với mức giá trần chính phủ ấn định chỉ là 69.500 Ru-pi (4,45 USD/5kg).
Theo Cơ quan thống kê Indonesia, trong tháng 1/2024, nước này đã nhập khẩu 441.930 tấn gạo, tăng 82,19% so với tháng 1/2023 với giá trị 279,2 triệu USD.
Trong năm 2023, Indonesia đã vươn lên trở thành nhà nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với sản lượng hơn 1,1 triệu tấn, thu về hơn 640 triệu USD, tăng mạnh 878% về lượng và tăng đến 992% về trị giá so với năm 2022.
Về tình hình xuất khẩu gạo của nước ta, theo báo Vietnam Plus, thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy trong tháng 1/2024, cả nước xuất khẩu 512.265 tấn gạo, tương đương 362,26 triệu USD, giá trung bình 707,2 USD/tấn, tăng 4% về lượng, tăng 7% về kim ngạch và tăng 2,8% về giá so với tháng 12/2023; còn so với tháng 1/2023 thì tăng mạnh 42,6% về khối lượng, tăng 94,1% về kim ngạch và tăng 36,2% về giá.
Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 53,6% trong tổng lượng và chiếm 39% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt gần 280.944 tấn, tương đương gần 194,28 triệu USD.
Tiếp sau đó là thị trường Pháp, chiếm trên 5% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, đạt 17.919 tấn, tương đương 18,64 triệu USD, giá trung bình 1.040,2 USD/tấn, tăng mạnh 16.339% về lượng và tăng 18.356% về kim ngạch so với tháng 12/2023; trong khi tháng 1/2023 không xuất khẩu gạo sang thị trường này.
Trong khi đó, thị trường Indonesia đứng thứ 3 đạt 27.256 tấn, tương đương 18,08 triệu USD, giá 663,3 USD/tấn, giảm 35,8% về lượng và giảm 29,3% về kim ngạch nhưng tăng 10% về giá so với tháng 12/2023; giảm 68,3% về lượng, giảm 55,8% kim ngạch và tăng 39,2% về giá so với tháng 1/2023, chiếm gần 5% trong tổng lượng và chiếm 3,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Các chuyên gia đưa ra nhận định giá gạo xuất khẩu sẽ còn tăng trong năm 2024 do nguồn cung bị thắt chặt bởi các hạn chế xuất khẩu đang diễn ra của Ấn Độ. Tác động của El Nino đối với các khu vực trồng lúa chính đã làm tăng thêm mối lo ngại về nguồn cung.
Vân Anh(T/h)