Với các huấn luyện viên, chó nghiệp vụ chẳng khác nào “tên lửa có răng”, có thể tham gia nhiều mặt trận từ phá án hình sự, bắt lâm tặc đến bảo vệ nhà xưởng...
Trải qua một quá trình rèn luyện gian khổ cùng những bài tập khắt khe, sau ba tháng, những "học viên" bốn chân sẽ trở thành chó nghiệp vụ thông minh, dũng mãnh. Với các huấn luyện viên, chó nghiệp vụ chẳng khác nào “tên lửa có răng”, có thể tham gia nhiều mặt trận từ phá án hình sự, bắt lâm tặc đến bảo vệ nhà xưởng...
Huấn luyện viên Ngọc Duy (bên phải) và "học trò" đang thể hiện màn bắt "con mồi".
Trước đây, nhắc đến chó nghiệp vụ (cảnh khuyển), người ta thường liên tưởng tới những chú chó trong lực lượng Công an và Quân đội, thực hiện nhiệm vụ truy bắt cướp hay tham gia phá án. Nhưng ngày nay, ngày càng có nhiều cơ quan, thậm chí gia đình có nhu cầu nuôi chó đã được huấn luyện kỹ lưỡng. Những chú chó này vừa là người bạn thân thiết, vừa đóng vai trò bảo vệ sự an toàn cho chủ nhân.
Chứng kiến tận mắt quá trình huấn luyện tại trung tâm Huấn luyện chó nghiệp vụ PDS ở Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội, chúng tôi mới nhận ra rằng sức mạnh của những "vệ sĩ” bốn chân giống như "mũi tên có răng" vậy!
Giữa thao trường, các huấn luyện viên nam và những "học trò" của mình xếp thành hàng dọc chuẩn bị cho giờ luyện tập. Mỗi huấn luyện viên hướng dẫn lũ khuyển làm theo một động tác khác nhau. Bon (tên gọi của chú chó becgie Bỉ-PV) cùng huấn luyện viên Nguyễn Ngọc Duy đang say mê luyện tập. Bằng những động tác tay, huấn luyện viên Duy yêu cầu Bon liên tiếp "đứng lên, ngồi xuống", sau đó lại chạy trên cầu thăng bằng, nhảy qua vòng... Cứ thế, chú cảnh khuyển lùi lũi thực hiện mệnh lệnh của huấn luyện viên để chứng tỏ với chúng tôi về khả năng phi thường cũng như sự phục tùng đối với thầy dạy.
Huấn luyện viên Ngọc Duy và màn thể hiện của "học trò" cưng.
Sau mỗi lần thành công, Bon lại nhận được lời khen ngợi "giỏi lắm" từ phía huấn luyện viên. Bon là chú chó dữ nhất đội nhưng với anh Duy thì nó là chú chó "ruột".
Anh Duy kể: "Tôi nhận huấn luyện Bon gần 3 tháng rồi và chú khuyển này có phản xạ rất tốt, lao nhanh như chớp chẳng khác nào “mũi tên có răng”. Ngoài Bon, tôi còn huấn luyện 8 chó nghiệp vụ nữa. Huấn luyện “cứng tay” hơn mình, thời điểm cao nhất phải huấn luyện 20 con một lúc, từ những con mới 2 - 3 tháng tuổi đến những con đã trưởng thành. Để có thể huấn luyện chó nghiệp vụ, điều quan trọng là người huấn luyện viên phải yêu nghề, yêu con vật và có trình độ".
Đối với những bài tập thể lực thì có phần đơn giản nhưng khi những chú chó được chọn để huấn luyện trong phòng giám biệt thì khó khăn hơn nhiều. Đó là mức độ đào tạo cao nhất trong hệ thống đào tạo của trung tâm. Tại đây, chúng được đào tạo một cách bài bản theo một chương trình huấn luyện đặc biệt để có thể phá án, tìm kiếm thuốc nổ, phát hiện người nghiện ma tuý và cả... xác định chu kỳ rụng trứng của bò sữa. Trung tâm đã thực sự trở thành "trường đại học" của chó vệ sĩ, đào tạo hàng trăm chú khuyển "thành tài".
Thời gian huấn luyện chó bảo vệ mất khoảng 3 tháng, còn với những chú chó nghiệp vụ trong lực lượng công an, kiểm lâm lâu gấp đôi. Anh Duy cho biết, ban đầu, huấn luyện viên tập làm quen với chúng, tiếp đến là những bài tập khẩu lệnh ngắn cùng với giật dây cương như: Đứng, nằm, ngồi, bò... Khi lũ khuyển đã quen với khẩu lệnh, họ không giật dây cương nữa mà kết hợp khẩu lệnh với các động tác để chó quen dần, sau đó mới đến các bài tập luyện thể lực từ đơn giản (nhảy qua tường, qua hàng rào thép gai, vòng lửa, chui cống...) đến những bài tập chi tiết (gác vật, cắp vật, tuần tra, phục kích, truy kích.... Càng ngày chó nghiệp vụ phải tập lên các khoa mục cao hơn...
Mỗi bài tập đòi hỏi huấn luyện viên phải khéo léo, linh hoạt. Ở giai đoạn đầu, họ phải thật sự kiên nhẫn, chịu đựng bởi bản chất của lũ khuyển là hoang dã, chưa quen với khuôn khổ, với sự "học tập" nên ít nghe lời. Bình quân mỗi chú cảnh khuyển sẽ tập khoảng 20 phút sau đó lại lại xoay vòng đến những người bạn khác, chó nghiệp vụ đã thuần rồi thì thời gian tập luyện sẽ giảm đi. Tuy nhiên, có những "học viên" bướng bỉnh không chịu làm theo lời thầy, "hành" họ phải tập đi tập lại nhiều lần một động tác, thậm chí phản đối bằng cách... đánh lại thầy dạy, trong khi đó, thầy chỉ có quyền bỏ chạy (vì theo quy định của trung tâm không ai được đánh chó).
“Thực ra, chó nghiệp vụ không thể phân biệt được tốt xấu mà nó chỉ nghe lời chủ một cách tuyệt đối và trung thành. Khi được giao bảo vệ một tài sản nào đó, chú chó đã qua huấn luyện sẽ không để bất cứ ai chạm vào hay lấy món đồ đó đi. Tương tự, nếu thấy chủ bị tấn công, chú chó cũng sẽ ngay lập tức bảo vệ, cứu chủ khỏi nguy hiểm.
Để cho các chú chó hoàn thành tốt khóa huấn luyện, huấn luyện viên phải đóng vai những “con mồi” bất đắc dĩ, đeo trên tay một dụng cụ bảo hộ dày cộp và nặng nề. Khi gặp phải những chú chó có hàm răng khỏe, cộng thêm việc được huấn luyện kỹ càng nên nhiều khi, huấn luyện viên vẫn có thể bị bầm tím trên người”, anh Duy chia sẻ.
Lan Thơm