(ĐSPL) - Trung Quốc vẫn tiếp tục luận điệu phản đối sự tham gia của Tòa án quốc tế trong giải quyết tranh chấp, bỏ ngoài lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế và tiếp tục tìm kiếm những quốc gia ủng hộ lập trường phi lý của mình ở Biển Đông.
Nhưng dường như tại Biển Đông, Trung Quốc “chưa dám” có bất cứ hành động “mạnh tay” nào, bởi lẽ quốc gia này chuẩn bị đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào đầu tháng Chín tới. Vậy, sau G20, Trung Quốc sẽ tiến hành hành động như thế nào?
Trung Quốc muốn “lờ” đi…
Theo nhận định của giới quan sát, trái với phản ứng quyết liệt của Trung Quốc qua các phương tiện truyền thông, Bắc Kinh đã bắt đầu cảm thấy lo lắng trước sức ép của cộng đồng quốc tế. Hãng tin Reuters dẫn ý kiến một số quan chức cấp cao của Trung Quốc rằng, nước này đang hy vọng Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới ở Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang) sẽ chỉ tập trung vào bàn về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tài chính, chứ không phải bàn đến các tranh chấp như tranh chấp Biển Đông. Với việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các lãnh đạo Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Australia có những cuộc gặp trong Hội nghị G20, rất có khả năng vấn đề Biển Đông sẽ là chủ đề được đưa ra bàn luận và sức ép từ một Hội nghị uy tín như G20 tạo ra cho Trung Quốc rất lớn.
Trước đó, tờ Times of India nhận định, chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến Ấn Độ hồi trung tuần tháng Tám đã mang tới lời đề nghị với New Delhi sẽ không nêu chủ đề Biển Đông tại G20 để đổi lại những điều kiện có lợi. Tờ báo này thông tin, Trung Quốc tin, một số các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, chắc chắn sẽ tìm cách nêu vấn đề Biển Đông tại Hội nghị thượng đỉnh G20, nhằm tăng cường sức ép buộc Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết PCA, giảm các hành vi khiêu khích ở Biển Đông.
Mặc dù Ấn Độ là một trong những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ phán quyết của PCA nhưng theo học giả Wang Jin phân tích ở tạp chí The Diplomat thì, lý do tìm đến Ấn Độ là bởi Bắc Kinh hiểu, trong các mối quan hệ với G20, nước này không còn khả năng xoay chuyển quyết định của bất cứ quốc gia nào ngoại trừ người hàng xóm New Delhi. Với vị thế là một trong những cường quốc trên thế giới và có tiếng nói ở châu Á, Trung Quốc coi việc giành được một lời hứa từ Ấn Độ sẽ không nói về Biển Đông tại Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới là điều cần thiết. Theo học giả Wang Jin, Trung Quốc đã thực hiện chiêu bài ngoại giao kinh điển “cây gậy và củ cà rốt” trong việc tiếp cận New Delhi nhằm đạt được mục tiêu nói trên.
Trong bài phát biểu của mình ở Ấn Độ, ông Vương Nghị đã liên hệ Hội nghị G20 ở Hàng Châu với Hội nghị thượng đỉnh BRICS sắp diễn ra ở Ấn Độ như một lời dọa dẫm, Trung Quốc có thể áp dụng chiến lược “trả đũa” đối với Ấn Độ nếu nước này không “nghe lời”. Theo đó, nếu New Delhi bỏ ngoài tai lời đề nghị của Bắc Kinh, vẫn nêu vấn đề Biển Đông tại Hội nghị thượng đỉnh G20, Trung Quốc sẽ có động thái “gây rối” ngược lại với Ấn Độ trong Hội nghị thượng đỉnh BRICS. Về mặt lợi ích, ông Vương Nghị hứa hẹn sẽ hỗ trợ Ấn Độ trở thành thành viên của Nhóm cung ứng hạt nhân (NSG), điều mà trước đó New Delhi đã rất nỗ lực để gia nhập nhưng bị Bắc Kinh ngăn cản. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Wang Jin lại nêu ý kiến, “cây gậy và củ cà rốt” của Trung Quốc là không đủ lớn để bảo đảm sự im lặng của Ấn Độ về vấn đề Biển Đông tại G20.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. |
Một mặt, “cây gậy” (lời dọa dẫm) của Bắc Kinh dường như đã vô dụng ngay từ đầu. Bởi, dù ông Vương Nghị ám chỉ sẽ “gây rối” tại Hội nghị BRICS, nhưng sự thật Trung Quốc không dám liều lĩnh trong việc tự làm xấu hình ảnh tốt đẹp mà mình đang rất khao khát tạo dựng trước quốc tế. Ngoài ra, Trung Quốc có thể thành công trong việc dựa vào vị thế về sức mạnh kinh tế, chính trị của mình để lấn át các nước nhỏ, thế nhưng điều này dường như không co tác dụng với Ấn Độ. Bắc Kinh không có bất ky quân bài lợi ích nào có thể chi phối được New Delhi. Việc tham gia vào Nhóm cung ứng hạt nhân là điều quan trọng đối với tham vọng quyền lực rất lớn của Ấn Độ, nhưng việc New Delhi giúp đỡ cho yêu sách Biển Đông của Trung Quốc ở G20 là điều không dễ đánh đổi. Ngược lại, chính Ấn Độ sẽ đi đầu trong việc nói về vấn đề Biển Đông trong Hội nghị thượng đỉnh G20 bên cạnh nhiều quốc gia khác. Đối với Ấn Độ, vấn đề Biển Đông la một cơ hội quan trọng để tạo đoàn kết trong khu vực chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. Ấn Độ ngày càng nhận thức rõ, Trung Quốc như một mối đe dọa lớn không chỉ với New Delhi mà còn tiềm tàng cho cả khu vực. Nếu cân nhắc về mặt lợi ích và tổn thất, New Delhi hiểu, lựa chọn ngả về phía Trung Quốc sẽ không phải là một điều sáng suốt.
“Rình” thời cơ... “lấn” Biển Đông
Theo chuyên gia của National Interest (Mỹ), dường như Trung Quốc đang “ấp ủ” hành động thay đổi hoàn toàn hiện trạng của Biển Đông bằng cách tiếp tục ngang ngược cải tạo bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham). Theo phán quyết PCA, bãi cạn này là “ngư trường truyền thống cho nhiều ngư dân của nhiều quốc gia”. Thời điểm diễn ra động thái này của Trung Quốc có thể vào khoảng đầu tháng Chín tới, sau khi Hội nghị thượng đỉnh G20 kết thúc và trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào ngày 8/11.
Trong bài báo của South China Morning Post ngày 13/8 có dẫn một nguồn tin tin cậy, nước này sẽ không thực hiện bất kỳ việc cải tạo nào, trên bãi cạn này cho đến khi kết thúc Hội nghị G20 và sẽ bắt đầu cải tạo trước khi cử tri Mỹ đi bỏ phiếu bầu Tổng thống. “Hội nghị G20 được tổ chức tại Hàng Châu vào tháng Chín tới, hòa bình khu vực sẽ là chủ đề chính trong hội nghị và Trung Quốc sẽ kiềm chế, không tiến hành kế hoạch cải tạo tại Biển Đông”.
Chuyên gia Hary Kazianis của National Interset chỉ rõ, Trung Quốc muốn tận dụng thời cơ khi các phương tiện thông tin truyền thông Mỹ tập trung vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và có thể “bỏ qua” đến những động thái leo thang tại Biển Đông.
Tác giả Kazianis đưa ra câu hỏi: “Vậy Washington cần phản ứng như thế nào với “những đám mây đang góp thành bão” trên Biển Đông?”. Chính quyền Tổng thống Barack Obama cần khẳng định quan điểm, mọi hoạt động cải tạo ở bãi cạn Scarborough là một sai lầm nghiêm trọng của Trung Quốc. Mỹ nên phát đi tín hiệu, Washington nhất định sẽ có những động thái, hành động kiên quyết nếu Trung Quốc tiếp tục có hành vi hung hăng tại bãi cạn Scarborough nói riêng và vấn đề Biển Đông nói chung.
Theo TS. Bùi Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc trung tâm Nghiên cứu Biển Đông, viện Nghiên cứu Trung Quốc, viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam: “Ngay từ đầu Trung Quốc đã kiên quyết không chấp nhận, không tham gia, không thừa nhận phán quyết và sẽ không thực thi phán quyết, do đó có thể dễ dàng đoán được các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ không dừng lại sau phán quyết. Thêm vào đó, sau một thời gian ngang nhiên cải tạo các bãi đá thành các đảo nhân tạo, Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục các hoạt động xây dựng các công trình phục vụ cho mục đích dân sự và quân sự. Nhưng chúng ta đều có thể nhận thấy, Trung Quốc không hề muốn mất đi hình ảnh của mình trên trường quốc tế, nên sau hội nghị G20 Trung Quốc sẽ tiến hành các hoạt động phi pháp mạnh tay hơn.
Đề cập tới vai trò của Mỹ, chuyên gia này cũng khẳng định: “Sau G20 Mỹ cần tiếp tục yêu cầu các đồng minh của mình gây sức ép đối với Trung Quốc trong việc thực thi phán quyết của Tòa án Trọng tài quốc tế - PCA. Trên cơ sở phán quyết, Mỹ sẽ tự tin hơn trong hoạt động tuần tra ở khu vực, nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không, thách thức với yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc”.
PHƯƠNG ANH – MẠNH KIÊN
Theo The Diplomat, National Interest
[mecloud]X3dwp1GZWG[/mecloud]