Thực hiện Dự án “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2018” các hộ nghèo và cận nghèo của xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) được chính quyền hỗ trợ bò giống sinh sản để phục vụ chăn nuôi, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, theo phản ánh của các hộ dân thì bò giống khi nhận về chất lượng kém, không được tiêm phòng dịch bệnh theo quy định? Ngoài ra, có dấu hiệu trục lợi tiền hỗ trợ xây dựng chuồng trại từ dự án?
Bò “cắp nách”
Theo tìm hiểu tháng 12/2018, UBND huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) phê duyệt “dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo đầu tư phát triển chăn nuôi bò giống sinh sản”, từ chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. UBND xã Hoằng Phụ tổ chức trao 24 con bò giống sinh sản cho các hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn xã. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 493.850.000 đồng, vốn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu Quốc gia là 300.000.000 đồng, vốn các hộ nghèo tham gia chương trình là 190.800.000 đồng.
Giá mỗi con bò giống giao động từ 10 đến 13 triệu đồng. Nhà nước hỗ trợ 10 triệu, người dân đóng tiền đối ứng từ 1 đến 3 triệu đồng tùy theo giá trị từng con bò giống. Ngoài ra, những hộ được nhận bò giống được nhận thêm từ 1,6 triệu đến 2 triệu đồng tiền hỗ trợ xây dựng chuồng trại từ dự án này.
Qua tìm hiểu, bò giống sinh sản trước khi về đến xã phải qua đăng ký kiểm dịch tại địa phương của đơn vị cung ứng và phải thực hiện đầy đủ các bước tiêm phòng nhằm đảm bảo con giống tốt, khỏe mạnh không bị dịch bệnh. Thế nhưng, theo phản ánh của nhiều hộ dân trong diện được hỗ trợ thì những con bò giống khi về đến xã thực tế lại không như vậy?
Cụ thể, cân nặng của bò giống không đạt yêu cầu? có dấu hiệu bớt xén về trọng lượng, phiếu xét nghiệm huyết thanh và giấy đăng ký kiểm dịch động vật đều không có? Cùng với đó, bà con không được đi xem và trực tiếp chọn bò, không được giám sát cân đo trọng lượng bò ngay tại đơn vị cung ứng.
Bà Trương Thị Tuyền (thôn Sao Vàng) một trong những hộ nghèo được nhận bò cho biết: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên trông mong được nhận bò giống để có điều kiện chăn nuôi, phát triển kinh tế. Nhưng khi ra trụ sở xã bốc thăm, nhận bò thì tôi rất thất vọng! vì con bò nhỏ, lông xù có dấu hiệu bớt xén trọng lượng, không đúng với giá tiền mà nhà nước đã hỗ trợ? Trong hồ sơ giao nhận bò không hề có giấy tiêm phòng hay kiểm dịch theo quy định từ đơn vị cung ứng. Ngoài ra, trong dự án là gia đình tôi được nhận thêm 2 triệu đồng để hỗ trợ xây dựng chuồng trại trước khi nhận bò, nhưng bò giống gia đình tôi đã nhận, còn tiền hỗ trợ xây dựng chuồng trại đến nay vẫn chưa nhận được”.
Bò giống hộ nghèo nhận về (bên trái) với nghi vấn bị bớt xén trọng lượng, cũng như chưa được tiêm phòng theo quy định |
Tương tự bà Tuyền, cũng tại thôn Sao Vàng gia đình bà Trương Thị Phú khi nhận bò giống về, thì hàng xóm ví von là nhận được bò “cắp nách” bởi trọng lượng, kích cỡ mà theo bà chỉ bằng con dê nhà hàng xóm?
“Sáng 28/12/2018, gia đình tôi nhận được giấy mời ra trụ sở xã để nhận bò. Tôi đi từ sớm, chờ mãi đến khoảng 11 giờ trưa đơn vị cung ứng mới chở bò đến. Trước đó, chúng tôi không được đi thăm và giám sát đo trọng lượng bò, họ chỉ đánh dấu số thứ tự từ 1 đến 24 và người dân bốc số thứ tự tương ứng, bốc vào số nào thì dắt con bò số tương ứng về nhà. Tôi bốc được con bò số 23, thay vì vui mừng, tôi lại quá thất vọng vì bò giống mà gầy gò, trọng lượng thấp, kém chất lượng. Theo nhận định của tôi thì con bò này chỉ từ 4 đến 5 triệu đồng, chứ không đáng giá đến 10 triệu”.
Những phần trần đầy khuất tất?
Để giải đáp thắc mắc về trọng lượng con giống, quy trình tiêm phòng dịch bệnh cho đàn bò cũng như phản ánh của người dân về xã chưa cấp tiền xây dựng chuồng trại, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Thanh Bìn, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ, được ông cho biết: “Sau khi có phản ánh từ phóng viên, tôi đã cho kiểm tra lại danh sách từ kế toán. Đúng là hiện nay một số hộ vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ xây dựng chuồng trại, vì thời điểm giao nhận bò gần tết, xã có nhiều việc nên các hộ dân chỉ ký, nhưng chưa được nhận tiền. Chúng tôi đã yêu cầu kế toán kiểm tra và sẽ thanh toán đầy đủ đến từng hộ dân”.
Giải trình về khoản vốn được huyện đầu tư cho dự án tại xã là 300 triệu đồng, nhưng xã chi cho 24 hộ nghèo mới hết có 285 triệu đồng, còn 15 triệu đồng được xã chi vào việc gì. Ông Bình cho biết, số tiền 15 triệu còn lại xã chi cho những cuộc họp bình bầu, xét duyệt các hộ nghèo tại thôn, xã. Tính ra cũng đã chi đủ 300 triệu rồi…
Khi được hỏi về trọng lượng đàn bò kém chất lượng, có dấu hiệu bớt xén, cũng như không tiêm phòng dịch bệnh theo quy định, ông phân trần: “Toàn bộ đàn bò dự án này được đơn vị tại xã Hoằng Đông cung cấp. Trong 24 con bò giống, có con này, con kia. Nếu hộ nào bốc thăm phải con bò kém chất lượng thì có thiệt thòi chút, không hiểu sao những con bò đó lúc cân đo tại đơn vị cung ứng thì đủ cân, khi về đến tay người dân lại sụt cân nhiều như vậy? Nhìn bằng cảm quan thì con bò có vẻ bé và gầy. Vì đây là giống bò địa phương, thể trạng bé hơn bò lai nhưng hợp với điều kiện khí hậu, sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh. Vừa qua, tôi đã làm việc lại với đơn vị cung cấp, được biết trước khi giao bò tới các hộ dân, số bò này đã được tiêm phòng đầy đủ. Bấm khuyên tai đeo số và cân nặng đủ so với hướng dẫn của huyện. Có lẽ, khi giao bò, đơn vị quên mang các hồ sơ tiêm phòng dịch. Sắp tới phải lấy những giấy tờ đó về để bổ sung vào hồ sơ thanh toán”
Công tác thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững về hỗ trợ nguồn vốn cho người nghèo, cải thiện phát triển kinh tế tại huyện Hoằng Hóa đang tồn tại nhiều bất cập, chịu thiệt thòi hơn ai hết không ai khác chính là những người nông dân nghèo.
Điều lạ là đơn vị cung ứng bò giống kém chất lượng nhưng vẫn được chính quyền địa phương ở huyện Hoằng Hóa tín nhiệm? Đây là “uẩn khúc” lớn mà chính quyền xã Hoằng Phụ, cũng như huyện Hoằng Hóa cần sớm trả lời dư luận.
Lê Nam/THCL
*Title đã được ĐS&PL Online thay đổi